Xây dựng đời sống văn hóa ở Mường Ảng

00:00 - Thứ Sáu, 27/05/2016 Lượt xem: 3672 In bài viết
ĐBP - Với mục tiêu xây dựng gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa, tạo môi trường sống lành mạnh, đẩy lùi tệ nạn xã hội, góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người dân; giai đoạn 2012 - 2015, huyện Mường Ảng hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết Đảng bộ huyện lĩnh vực văn hóa. Năm 2015, toàn huyện có 53/139 thôn, bản đạt danh hiệu văn hóa, chiếm 38,1%; có 6.076/9.741 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm 62,4%. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa bước đầu đã được người dân ủng hộ, tham gia, góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội nông thôn, đời sống văn hóa, tinh thần ở khu dân cư.

Điệu múa dân tộc biểu diễn tại Tết cổ truyền Nào Pê Chầu của dân tộc Mông, bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng.

Trong những năm qua, Phòng Văn hóa - Thông tin và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký thi đua xây dựng gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Với hoạt động cụ thể trong thực hiện nếp sống văn minh trong cưới hỏi, tang lễ, lễ hội; các xã, bản xây dựng đội văn nghệ, câu lạc bộ văn nghệ quần chúng, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân ở cộng đồng dân cư. Toàn huyện có 4 xã: Búng Lao, Ẳng Nưa, Ngối Cáy, Mường Lạn đăng ký phấn đấu đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới vào những năm tới. Thị trấn Mường Ảng đăng ký xây dựng thị trấn văn minh đô thị. Việc cưới hỏi những năm gần đây được bà con các dân tộc trong huyện thực hiện trang trọng nhưng tiết kiệm, nhiều hủ tục bị xóa bỏ (ép duyên, thách cưới, ăn uống nhiều ngày…). Các cặp vợ chồng ở những bản vùng cao đã đăng ký kết hôn trước khi cưới; đăng ký khai sinh cho trẻ mới sinh. Người dân cũng không còn để người chết ở trong nhà lâu như trước; thực hiện chôn cất tập trung theo khu vực quy định của địa phương; đám tang không sử dụng loa đài, kèn trống quá khuya hay sáng sớm. Lễ hội truyền thống một số dân tộc: Lễ hội cầu mưa, cầu mùa (dân tộc Khơ Mú); Nào Pê Chầu (dân tộc Mông), Xên bản (dân tộc Thái)... được khôi phục bảo tồn, tổ chức tiết kiệm phù hợp với điều kiện kinh tế, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc. Huyện có 53 đội văn nghệ ở các xã, bản; 127 bản tổ dân phố thực hiện quy ước được UBND huyện phê duyệt.

Ông Quàng Văn Thân, Chủ tịch UBND xã Mường Đăng, cho biết: Cấp ủy, chính quyền đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Xã xác định, đây là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng đời sống, xóa đói giảm nghèo. Bởi xây dựng gia đình văn hóa, các thành viên trong gia đình có trách nhiệm giúp đỡ, thương yêu nhau, cùng nhau lao động sản xuất, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hộ gắn với vệ sinh môi trường, nhà ở, chuồng trại gia súc, đảm bảo vệ sinh; tạo điều kiện cho con cháu học tập. Thi đua xây dựng gia đình văn hóa cũng góp phần nâng cao nhận thức người dân trong phòng, chống, đẩy lùi tệ nạn ma túy, mại dâm, trộm cắp tài sản công dân, phòng ngừa vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững an ninh trật tự tại địa bàn. Hiện xã Mường Đăng mới có 2/12 bản đạt danh hiệu văn hóa, 3 bản đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu văn hóa vào những năm tới. Số bản đạt danh hiệu văn hóa còn ít, do trước đây người nghiện ma túy nhiều, tỷ lệ hộ nghèo cao, vệ sinh môi trường thôn, bản chưa theo quy định, nhiều hộ vẫn chưa làm công trình vệ sinh...

Huyện Mường Ảng xác định phương hướng trong thời gian tới là tiếp tục củng cố và thực hiện xã hội hóa xây dựng thiết chế văn hóa ở cơ sở; nâng cao chất lượng hoạt động đội văn nghệ của xã, bản. Từ đó, đẩy mạnh hơn nữa phong trào xây dựng đời sống văn hóa gắn với thi đua xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Với cách làm này, huyện phấn đấu xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư lành mạnh, văn minh, đẩy lùi hủ tục, tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mường Ảng nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Bài, ảnh: Bảo Khánh
Bình luận
Back To Top