Truyện ngắn

Rừng vàng

10:18 - Thứ Hai, 13/06/2016 Lượt xem: 3763 In bài viết

ĐBP - Ông Đặng vừa ngủ trưa dậy đang ngồi uống nước chè, thì thằng cháu nội chạy hớt hơ hớt hải từ ngoài rừng về vừa thở vừa nói:

- Ông ơi! Ra ngoài rừng ngay đi. Bố cháu và chú Đoàn đang đánh nhau với mấy người chặt trộm gỗ nhà mình kia kìa.

Nghe đứa cháu về báo, ông Đặng vội mặc quần áo, đội mũ và bảo thằng cháu đi báo kiểm lâm và công an xã rồi phi thẳng ra cánh rừng tái sinh mà ông nhận khoanh nuôi bảo vệ cách đây đã 20 năm.

Vừa đến nơi ông thấy hai đứa con ông đang kéo co với mấy lâm tặc trộm gỗ. Nhìn những cây gỗ đường kính 30 – 35 phân bị chặt vất ngổn ngang ngay cạnh rừng, ông Đặng vội quát to:

- Này mấy người kia! Ai cho các anh chặt phá rừng của tôi hả?

Nghe tiếng quát của ông mấy người chặt trộm gỗ đang co kéo với hai đứa con ông vội dừng tay và có ý định tẩu thoát. Nhưng vừa lúc này thì kiểm lâm và công an xã đã đến kịp thời. Biết không thể tẩu thoát mấy người chặt trộm gỗ đứng như trời trồng. Sau khi đã kiểm đếm số gỗ bị chặt trộm, kiểm lâm và công an xã dẫn mấy người về trụ sở xã chờ giải quyết. Còn lại một mình ông Đặng đứng thẫn thờ bên những cây gỗ bị chặt còn trơ gốc mà lòng ông xót xa như chính chân tay mình bị chặt.

… Sinh ra ở một vùng quê dưới xuôi, giữa những năm 60 của thế kỷ 20; anh Đặng theo gia đình đi xây dựng kinh tế văn hóa miền núi tại Điện Biên. Năm 1972 khi vừa tròn 18 tuổi anh xung phong đi bộ đội và sau 3 tháng huấn luyện, anh cùng đơn vị sang giúp bạn Lào chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc là đế quốc Mỹ xâm lược.

Bàn chân anh đã đi khắp nơi trên các tỉnh Bắc Lào. Từ Nậm Bạc đến Luông Nậm Thà, từ cánh đồng Chum Xiêng Khoảng bao la đất trời đến Luông Pra Băng cố đô nước bạn. Trải qua những ngày tháng hành quân truy kích địch. Đến những trận đánh diệt bốt, công đồn. Anh đã cùng đồng đội lăn lộn vào sinh ra tử để cùng nhân dân nước bạn Lào đánh cho bọn phỉ chạy dài. Giải phóng cánh đồng Chum Xiêng Khoảng và giải phóng đất nước Lào khỏi ách xâm lược của giặc ngoại xâm. Không ngại hi sinh gian khổ, không lùi bước trước khó khăn; anh đã lập được nhiều chiến công và được nước bạn Lào tặng Huân chương Itxala và nước Việt tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 3.

Những năm tháng hành quân trên đất Triệu Voi anh đã nhiều lần bị những cơn sốt rét rừng hành hạ. Nhưng với bản chất của người lính anh đã vượt qua đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 1978 do điều kiện sức khỏe yếu anh đã được cấp trên cho về phục viên tại quê hương mới.

Ngay từ những ngày mới rời quân ngũ về địa phương, anh đã hăng hái tham gia mọi phong trào. Những năm ấy đất nước ta còn nhiều khó khăn đời sống của gia đình anh cũng như nhiều gia đình trong xã vẫn còn thiếu cơm, do sản xuất theo lối tập trung theo kẻng của Hợp tác xã. Nghe tiếng kẻng thì lững thững đi làm, nghe tiếng kẻng hết giờ thì nhanh chóng về để làm việc nhà kiếm thêm thu nhập. Người dân quê anh những năm ấy chạy theo việc giải quyết cho cái dạ dày khỏi đói. Nhiều người bỏ việc Hợp tác xã để phá rừng làm nương, rừng ngày càng bị tàn phá.

Những năm ấy cứ đến đợt tháng ba tháng tư dương lịch là mùa đốt nương. Nhìn những cánh rừng ngút ngàn bị cháy rụi do người dân đốt để làm nương lan sang cả rừng già, rừng nguyên sinh mà lòng anh quặn thắt. Khu rừng trước nhà anh những năm ấy cũng bị người dân chặt phá đốt đến trọc lốc. Nhìn rừng vàng ngày càng bị cạn kiệt mà thấy xót xa. Ngày trước khi rừng còn xanh nước từ khe suối chảy ra trong vắt, đến khi rừng bị chặt hết thì nguồn nước cũng không còn. Đúng như câu tục ngữ “Rừng chết là nước hết”.

Không thể để rừng vàng ngày càng cạn kiệt mãi, phải làm sao đây cho rừng hồi sinh?

Anh đã lăn lộn ngày đêm không quản nắng chẳng sợ mưa yêu rừng như chính bản thân mình, rồi rừng đã không phụ công người rừng đã xanh trở lại. Thấy hiệu quả của việc khoanh nuôi rừng anh còn nhận trồng thêm hàng chục héc ta rừng trên đất trống cách xa nhà. Để có diện tích hơn chục héc ta rừng tái sinh và hơn chục héc ta rừng trồng hôm nay xanh tốt đã cho thu nhập thì là cả một cuộc vật lộn với thiên nhiên và cả với con người nữa. Bởi lúc là đồi trọc thì không ai nghĩ đến rừng nhưng khi rừng đã hồi sinh đã xanh tốt trở lại cây đã mọc tốt tươi thì kẻ xấu lại rắp tâm phá hoại. Anh lại lo bảo vệ đêm ngày bởi chỉ cần sểnh ra chốc lát là lâm tặc chặt phá ngay. Cây to chúng làm cột, cây nhỏ làm củi, bọn chúng không từ một thủ đoạn nào để hòng phá hoại thành quả lao động của anh. Nhưng anh người lính đã từng vào sinh ra tử không bao giờ để cho lâm tặc tự do chặt phá cây rừng. Anh đã lập kế hoạch bảo vệ rừng cùng các con anh thay nhau canh giữ rừng. Đã nhiều lần anh trực diện đối mặt với “giặc rừng” và bản chất người lính trong anh đã thắng. Anh đã bảo vệ được nguyên vẹn khu rừng xanh tốt đến nay đã cho thu hoạch.

Anh tỉa những cây dày và cành làm củi bán, những cây to làm cột. Đã có thu nhập bù đắp lại nhưng ngày gian nan vất vả để canh giữ rừng xanh. Từ tiền bán gỗ rừng khoanh nuôi anh đã dựng được nhà cửa khang trang, có đầy đủ tiện nghi, các con anh được ăn học tử tế. Rừng khoanh nuôi và rừng trồng của anh đã lên xanh tốt. Con suối chết ngày nào giờ nước lại tuôn trào. Nhìn những cánh rừng xanh ngút ngàn mà anh thấy công sức mình bỏ ra đã được đền đáp.

Ở cái tuổi ngoài 60 ngày xưa đã là “Lão giả an chi” đã “Lục thập hưởng đình chung”, nhưng với ông Đặng thì không thế. Hàng ngày ông vẫn miệt mài lao động và vẫn lăn lộn với rừng. Có lẽ rừng đã ngấm vào máu của ông và ông không bỏ qua một hành động phá hoại nào của lâm tặc...

05.2016

Nguyễn Đình Hải
Bình luận
Back To Top