Cánh chim đầu đàn trên cao nguyên đá

10:31 - Thứ Hai, 13/06/2016 Lượt xem: 3605 In bài viết
ĐBP - Người Mông có câu “Sáng chè chi sáng tùa, sáng mùa chi sáng lùa”, tiếng Việt nghĩa là: Là người ai cũng muốn sống, không muốn chết, ai cũng muốn giàu, không muốn nghèo. Từ “triết lý” ấy mà chị Giàng Thị Mảy, Phó Chủ tịnh Hội phụ nữ xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa đã quyết tâm vượt qua rất nhiều khó khăn để duy trì và phát triển Tổ hợp tác thêu truyền thống của phụ nữ Mông trên 10 năm nay.
Vượt gần 20km trên con đường lầy lội sau những trận mưa đầu mùa, chúng tôi đến bản Tà Là Cáo. Ngôi nhà xưởng khang trang rộng chừng 200m2 nằm ngay bên đường, mái lợp tôn, vách tường có nhiều ô cửa sổ bằng kính trong suốt, đây là nơi làm việc và trưng bày sản phẩm của Tổ hợp tác thêu truyền thống phụ nữ Mông xã Sính Phình. Ánh sáng ngập cả ngôi nhà, hàng chục người ngồi chăm chú vào từng đường kim mũi chỉ, có một người phụ nữ trung niên, tay cầm cây thước nhỏ đang cẩn thận đo, kiểm tra từng mẫu sản phẩm. Đó là chị Giàng Thị Mảy, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã Sính Phình, chị cũng chính là người tổ trưởng giỏi giang đã gánh vác, lo toan mọi công việc, từ đầu vào, đầu ra của sản phẩm cho đến đời sống của các thành viên. Từ hơn 10 năm nay, tổ thêu truyền thống do chị khởi xướng đã giúp cho biết bao gia đình phụ nữ Mông ở vùng cao nguyên đá thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Chị Giàng Thị Mảy (bên phải) kiểm tra sản phẩm trong quá trình hoàn thiện.

Mời chúng tôi vào nhà, chị Mảy vui vẻ giới thiệu những sản phẩm vừa hoàn thiện đang được cất trong tủ kính cẩn thận để tránh bụi bẩn. Mặt hàng của tổ hợp tác thêu làm ra chủ yếu là những đồ lưu niệm như dây buộc tóc, móc chìa khóa, bao điện thoại, ví tiền, túi xách và cả những chiếc vòng cổ, vòng tay… Tất cả đều được thêu thủ công qua bàn tay khéo léo của những phụ nữ Mông đã quen với đường kim mũi chỉ từ khi còn nhỏ. Đơn hàng của các chị lại chủ yếu phục vụ khách nước ngoài, mẫu hàng do đối tác cung cấp nên yêu cầu chất lượng rất khắt khe. Vì thế chỉ những thành viên đã quen với mẫu sản phẩm chị Mảy mới cho đem vật liệu về tranh thủ làm tại nhà, khi có mẫu hàng mới chị khuyến khích mọi người tập trung làm việc và giám sát kỹ từng khâu một.

Hiện nay, tổng giá trị đơn hàng tổ hợp tác nhận được mỗi tháng từ 25 đến 30 triệu đồng. Hoàn thiện đơn hàng, thời gian rảnh rỗi chị Mảy sắp xếp cho tổ viên làm sẵn một số sản phẩm dễ tiêu thụ để trưng bày, bán lẻ và phục vụ khách tham quan.

Thu nhập của chị em ít nhất cũng đạt 600 đến 700 nghìn đồng/ tháng. Người nào bố trí được thời gian làm việc nhiều hơn thì có mức thu nhập từ 2,5 đến trên 3 triệu đồng. Để có được quy mô và sự chung tay gây dựng của chị em như ngày hôm nay, Tổ hợp tác thêu truyền thống phụ nữ Mông xã Sính Phình đã trải qua một thời kỳ dài khó khăn, vất vả. Năm 2003, với sự hỗ trợ của tổ chức Jica và sự ủng hộ của chính quyền địa phương, tổ thêu được thành lập với 20 thành viên. Nhưng chỉ sau đó hơn một năm, dự án kết thúc do không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Không nản chí, chị Mảy đã đi gõ cửa cấp hội phụ nữ từ huyện đến tỉnh nhờ sự trợ giúp, bản thân chị cũng tự đi các nơi học hỏi và tìm kiếm những mẫu sản phẩm mới đa dạng, phong phú.

Cuối năm 2005, nhờ sự giới thiệu của Hội phụ nữ tỉnh chị đã kết nối được với tổ chức Craft Link có trụ sở tại Hà Nội để tiêu thụ sản phẩm. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ các nhóm dân tộc thiểu số, các nhóm khuyết tật và các nhóm làng nghề khôi phục truyền thống văn hoá, phát triển sản xuất hàng thủ công và tăng thêm thu nhập cho cộng đồng. Tìm được đầu ra cho sản phẩm rồi, chị lại phải đi vận động từng gia đình thuyết phục thêm chị em tham gia vào tổ thêu.

Ban đầu, chị Mảy dùng chính ngôi nhà của mình để làm chỗ cho chị em làm việc. Đến năm 2009, tổ thêu truyền thống của chị đã được Hiệp hội nữ doanh nhân Hà Nội xây tặng cho một căn nhà 3 gian, vừa lấy chỗ làm việc vừa trưng bày sản phẩm. Tuy nhiên, giờ đây số thành viên của tổ ngày một tăng lên, việc làm nhận được cũng khá nhiều, nơi làm việc chật hẹp nên nhiều người phải ngồi cả ra sân.

Cuối năm 2014, trong chuyến công tác tại huyện Tủa Chùa, Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn (thời điểm đó là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy) và đoàn công tác đã đến thăm cơ sở thêu của chị Mảy. Đồng chí Bí thư rất tâm đắc với mô hình kinh tế đã giúp nhiều phụ nữ có thêm việc làm, nâng cao thu nhập, giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo. Tận mắt được chứng kiến điều kiện làm việc vất vả của chị em, Bí thư đã quyết định hỗ trợ 300 triệu đồng để làm nhà xưởng. Và đến tháng 1/2015, Tổ hợp tác thêu truyền thống phụ nữ Mông xã Sính Phình đã có một nhà xưởng khang trang, rộng rãi, đủ chỗ cho hàng trăm người làm việc. Tiếng lành đồn xa nên ngoài những phụ nữ Mông ở xã Sính Phình, còn có nhiều chị em ở các xã lân cận như Tả Phìn, Xá Nhè, Mường Báng... cũng đến xin làm việc. Đến nay, số thành viên của tổ thêu đã lên tới 125 người. Xưởng thêu tại bản Tà Là Cáo không chỉ là nơi làm việc của các chị em mà nó còn được ví như một ngôi nhà lớn để mọi người nương tựa vào nhau, chia sẻ kinh nghiệm và những khó khăn trong cuộc sống.

Tổ hợp tác thêu truyền thống phụ nữ Mông xã Sính Phình hoạt động trên nguyên tắc công khai các khoản thu, chi; có kế toán và thủ quỹ nên chị em đều rất yên tâm và tin tưởng vào sự lãnh đạo của cánh chim đầu đàn Giàng Thị Mảy. Đúng như ý kiến nhận xét của chị Vi Thu Hằng, Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Tủa Chùa: Xuất phát từ hoàn cảnh rất khó khăn, chị Mảy đã không ngừng nỗ lực vượt lên số phận, chị là tấm gương sáng để quy tụ các chị em dân tộc Mông trên vùng cao nguyên đá. Noi gương chị Mảy, chị em đã tích cực tham gia phong trào xóa đói, giảm nghèo, với những đóng góp to lớn trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương nói riêng và sự tiến bộ của phụ nữ vùng cao nói chung, năm 2010, chị Giàng Thị Mảy đã vinh dự được Hội LHPN Việt Nam tặng giải thưởng “Phụ nữ Việt Nam” và được Hội LHPN tỉnh biểu dương là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua giai đoạn 2010-2015.

Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top