Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Khơ Mú ở Ẳng Tở

Làm cho văn hóa truyền thống thực sự “sống” trong nhân dân

08:23 - Thứ Tư, 15/06/2016 Lượt xem: 4333 In bài viết
ĐBP - Trong xu thế hội nhập và phát triển, văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số chịu sự tác động không nhỏ, thậm chí có nguy cơ bị hòa tan, phai mờ, biến dạng nếu không được quan tâm gìn giữ và phát triển. Nhận thức sâu sắc vấn đề đó, thời gian qua, Phòng Văn hóa – Thông tin, chính quyền xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng cùng những người có uy tín đã nỗ lực, tìm tòi phục dựng để bảo tồn văn hóa dân tộc Khơ Mú ở bản Tọ Cuông. 
Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy, lưu giữ bản sắc dân tộc, cần phải làm cho văn hóa truyền thống thực sự “sống” trong văn hóa tinh thần của nhân dân.
 
Hiện nay, toàn huyện Mường Ảng có trên 1.400 người dân tộc Khơ Mú, sinh sống chủ yếu tập trung thành từng bản ở: Cha Cuông, Tọ Cuông (xã Ẳng Tở), Pá Nặm (xã Mường Lạn), Huổi Cắm (xã Búng Lao). Người Khơ Mú chủ yếu làm nương, trồng ngô, khoai, sắn. Dân tộc Khơ Mú có nhiều nét văn hóa đặc trưng riêng khá phong phú; song trong quá trình phát triển của xã hội đã dần mai một; hiện việc bảo tồn cũng gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, dân tộc Khơ Mú không có chữ viết riêng nên công tác lưu giữ không được nguyên vẹn, cộng với giới trẻ ít quan tâm đến phong tục tập quán, bản sắc của dân tộc mình… Vì vậy bảo tồn và giữ gìn các nét văn hóa chủ yếu qua truyền miệng, bằng hành động qua các lễ hội.

 

Người dân bản Tọ Cuông, xã Ẳng Tở múa hát trong Lễ hội Cầu mùa. Ảnh: Hải Yến

Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc giữ gìn và bảo tồn văn hóa dân tộc Khơ Mú, những người đam mê, gắn bó với văn hóa dân tộc đã nỗ lực tìm tòi sưu tầm và phục dựng những lễ hội truyền thống và một số bài múa dân gian. Ông Quàng Văn Cá là một trong số ít người hiểu biết về các lễ hội truyền thống của người Khơ Mú và là thầy cúng ở bản Tọ Cuông đã dồn nhiều tâm sức cho việc bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc mình. Ông đã cùng cán bộ Phòng Văn hóa – Thông tin huyện chọn lọc những nét văn hóa phù hợp, hấp dẫn, có tính giáo dục cao để vận động, tuyên truyền, phát huy và bảo tồn. Cùng với đó là vận động nhân dân kiên quyết loại bỏ các hủ tục, gây tốn kém, lãng phí, thậm chí mang tính chất mê tín dị đoan. Nỗ lực của ông và những người tâm huyết với văn hóa truyền thống đã thu hút được đông đảo người dân ở mọi lứa tuổi đồng tình hưởng ứng. Thời gian qua, ông Quàng Văn Cá đã nỗ lực, tìm tòi sưu tầm và dựng lại được Lễ hội Cầu mùa, Cầu mưa và một số bài múa dân gian như: Múa Chập Chòe (Hưm Mạy), múa Tăng Bu; khôi phục một số nhạc cụ và hướng dẫn thế hệ trẻ cách sử dụng pí, đàn môi, đàn nhị... Ông Quàng Văn Cá, cho biết: Năm 17 tuổi, tôi đã theo ông ngoại đi cúng trong những dịp lễ hội của bản, nên cũng có hiểu biết về nghi thức và hình thức tổ chức các lễ hội truyền thống của dân tộc, đặc biệt là các bài khấn. Lễ hội Cầu mùa có nguồn gốc từ xa xưa; đây là một trong những lễ hội lớn của người Khơ Mú, vừa có tính tâm linh vừa có tính văn hóa, nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đồng thời thể hiện tinh thần lao động hăng say, chăm chỉ của người Khơ Mú. Lễ hội thường được tổ chức vào tháng 10 - 11 hàng năm khi người dân thu hoạch lúa, do thầy cúng lựa chọn vào ngày trời đẹp, không mưa. Lễ hội Cầu mùa của người Khơ Mú có 2 loại là do đàn ông làm chủ lễ hoặc do đàn bà làm chủ lễ. Đối với đàn bà làm chủ lễ thì thường diễn ra ở khu vực trồng lúa nương; khi lúa chín, chủ nhà nhờ từ 5 – 15 người phụ nữ cùng thầy cúng lên nương làm lễ đến khi gặt lúa xong mới được về. Những người phụ nữ gặt lúa theo hình thức là tuốt hạt thóc vào bung chứ không được dùng liềm cắt; sau khi tuốt được 3 ngày thì bắt đầu mổ lợn, gà ăn mừng tại nương, sau đó lại tiếp tục tuốt lúa đến khi xong thì vận chuyển thóc về nhà, có thể kéo dài hàng tuần trên nương. Ngày nay, lễ đã được điều chỉnh cho phù hợp, tránh lãng phí thời gian, tiền của; lễ do đàn ông làm chủ và chỉ diễn ra trong ngày.

Lễ Cầu mùa do đàn ông làm chủ lễ gồm 4 phần: Phần lễ cúng các vị thần, phần lễ cúng tôn vinh cây lúa, phần lễ đập lúa và phần hội (gồm các trò chơi dân gian, múa hát). Lễ vật được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, gồm: Gạo nếp, gà trống, bát đũa, các bung lúa, vòng cổ, vòng tay, quần áo, khăn, vải, sáp ong, cây nêu... Mọi lễ vật được chuẩn bị xong, sáng hôm sau thầy cúng và các thanh niên trong bản dậy sớm đồ xôi, làm thịt gà, luộc chín đặt các lễ vật và đồ lễ khác lên bàn cúng. Ở khu vực cúng (ruộng lúa của một gia đình trong bản), thầy cúng mặc quần áo truyền thống (áo đen, quần đen, khăn đen vấn quanh đầu) đọc bài cúng với nội dung nhằm cầu cho đống thóc được nhiều, cho vụ sau mưa thuận gió hòa; thần đất, thần nương, thần sông, thần núi cho cây lúa tốt tươi, bông to, hạt mẩy, muông thú không phá hoại... Khi đọc lời khấn xong, thầy cúng tung thanh âm dương (khuổng hai) 2 lần, nếu thanh cùng úp hoặc cùng ngửa thì các thần đã phù hộ cho dân bản theo ý muốn. Tiếp đó thầy cúng cùng các thanh niên và bà con trong bản ra khu vực đống lúa, thầy cúng đập “làm phép” một bó, còn lại cho mọi người đập và mang thóc về nhà. Sau đó, mọi người cùng nhau liên hoan mừng một vụ mùa bội thu và khi thầy cúng đánh hồi trống vang lên cũng là lúc mọi người bắt đầu tham gia các điệu múa, trò chơi dân gian truyền thống như: Tung còn, kéo co, đẩy gậy...

Ông Lò Văn Mau, người uy tín của bản Tọ Cuông đã ngoài 70 tuổi cho biết: Bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, trong nhiều năm qua nhờ được sự đầu tư, quan tâm mà nhiều lễ hội truyền thống của người Khơ Mú được phục dựng, như: Lễ hội Xên bản, Cầu mưa, Cầu mùa... Ngoài ra còn một số lễ tổ chức theo quy mô hộ gia đình như: Lễ Tra hạt, Mừng cơm mới... Lễ hội truyền thống được phục dựng và lưu truyền cho con cháu đời sau khiến những người già như chúng tôi thấy rất vui. Thế hệ chúng tôi già rồi, không thể nhớ hết và nhớ mãi được các bài cúng do tổ tiên truyền lại, nếu không có sự kế thừa, phát huy thì chẳng bao lâu nữa văn hóa dân tộc sẽ mai một. Đây là điều mà chúng tôi cũng như ông Cá lo lắng vì hiện trong bản, ngoài ông Cá thì không ai có thể chủ trì các công việc lễ hội, cưới hỏi ma chay...

Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc là mục tiêu cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm bảo vệ nền văn hóa dân tộc trong xu thế hội nhập, tạo cho lớp trẻ có “sức đề kháng” trước sự xâm nhập của nhiều luồng văn hóa khác. Để tiếp tục phát huy, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình, không gì dễ và tự nhiên hơn là bản thân người Khơ Mú cần có những đội văn hóa, văn nghệ liên thế hệ của thôn, bản, xã để vừa sinh hoạt văn hóa, vừa truyền dạy làm cho các giá trị văn hóa truyền thống thực sự “sống” trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Tuấn Anh
Bình luận
Back To Top