“Đánh thức” vai trò người tiên phong

09:37 - Thứ Tư, 15/06/2016 Lượt xem: 3399 In bài viết

ĐBP - Văn hóa truyền thống của cộng đồng 19 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh ta từ lâu được xem là niềm tự hào với nét đẹp tinh túy, mộc mạc, hội tụ nhiều yếu tố độc đáo. Nhưng hiện nay, nhiều lễ hội đứng trước nguy cơ mai một, bởi vậy việc “đánh thức” vai trò tiên phong của nghệ nhân, người có uy tín góp phần quan trọng trong việc duy trì và phát triển di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể. Họ chính là lực lượng trực tiếp tham gia lưu giữ và “truyền lửa” cho thế hệ mai sau.

Theo kết quả tổng kiểm kê DSVH phi vật thể, hiện nay tỉnh ta có 2.725 nghệ nhân và người am hiểu DSVH các dân tộc... Nhận thức rõ vị trí, vai trò cũng như tầm quan trọng của nghệ nhân, người có uy tín trong việc phát huy và gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống; những năm qua ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát tiêu chí phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân để lập hồ sơ nghệ nhân. Tính đến năm 2015, tỉnh ta đã có 8 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú lĩnh vực DSVH phi vật thể lần thứ nhất. Trong đó, 4 nghệ nhân dân tộc Thái, 1 nghệ nhân dân tộc Mông, 1 nghệ nhân dân tộc Lào... Toàn tỉnh đã có 58 hồ sơ nghệ nhân được đưa vào nghiên cứu sâu và từng bước hoàn thiện hồ sơ, đề nghị công nhận nghệ nhân ưu tú lĩnh vực DSVH phi vật thể.

 

Con nuôi (lụ lệnh) bày mâm cỗ tạ ơn bố nuôi (ải lệnh) trong lễ “Kin Pang một” người Thái trắng xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa.

Việc quan tâm, ghi nhận đóng góp, vai trò tiên phong của nghệ nhân, người uy tín trong cộng đồng đã “tiếp lửa” cho việc bảo tồn nền văn hóa đa sắc màu của cộng đồng 19 dân tộc anh em với 14 lễ hội dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng của các dân tộc thiểu số được sưu tầm, nghiên cứu, tư liệu hóa. Điển hình như: Lễ Gạ Ma Thú (lễ cúng bản, tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì); Nào Pê Chầu (dân tộc Mông); lễ cưới của dân tộc Hoa (ngành Xạ Phang); Lễ Cầu mưa của dân tộc Thái (ngành Thái đen)... 4 lễ hội dân gian được phục dựng: Lễ Zù Su (cúng dòng họ của người Mông tại huyện Tủa Chùa); Xên Mường Then (người Thái, TP. Điện Biên Phủ); Lễ hội Đua thuyền đuôi én (TX. Mường Lay)...

Trong giai đoạn 2013 - 2015 có nhiều cuốn sách giới thiệu về DSVH do chính nghệ nhân dân tộc nghiên cứu và biên soạn, tiêu biểu như: Nghệ nhân Lương Thị Đại với công trình “Truyện cổ dân gian dân tộc Khơ Mú”, “Truyện cổ dân gian dân tộc Thái ở tỉnh Điện Biên”, “Kin Pang Một của người Thái Mường Báng, huyện Tủa Chùa”... Đặc biệt, nhờ sự giúp đỡ, tư vấn của các nghệ nhân, người an hiểu văn hóa, tỉnh ta đã sản xuất và phát hành 13 bộ phim giới thiệu về DSVH tỉnh Điện Biên: “Tung còn - trò chơi dân gian đồng bào Thái, tỉnh Điện Biên”, “Hương sắc Điện Biên”, “Trò chơi dân gian các dân tộc tỉnh Điện Biên”...; sưu tầm, bảo quản 308 sách cổ của các dân tộc Thái, Dao, Lự, Lào. Thông qua nghiên cứu nội dung sách cổ đã góp phần tìm hiểu về các mối quan hệ xã hội và nhiều kiến thức về văn hóa khác. Bên cạnh đó, tỉnh ta đã lập 10 hồ sơ DSVH phi vật thể của 4 dân tộc (trong đó, 9 di sản đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia).

Để nghệ nhân, người có uy tín, già làng, trưởng bản thực sự tâm huyết trong việc bảo tồn văn hóa... thực hiện quy định của Chính phủ về việc hỗ trợ nghệ nhân có thu nhập thấp và hoàn cảnh khó khăn, tỉnh ta đã tiến hành rà soát thông tin về thu nhập và hoàn cảnh gia đình của từng nghệ nhân, kịp thời chỉ đạo cơ quan chức năng hỗ trợ đúng quy định. Hàng năm, tỉnh tổ chức các đoàn nghệ nhân tham gia hội thảo, gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín của các dân tộc thiểu số do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Đặc biệt, tỉnh ta đã tăng cường công tác tuyên truyền để người dân, đặc biệt là các nghệ nhân, già làng, trưởng bản hiểu rõ vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của mình trong việc bảo tồn DSVH các dân tộc gắn với phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, chú trọng yếu tố gia đình, dòng họ, dân tộc, cộng đồng thôn, bản, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị DSVH, nhất là DSVH phi vật thể của các dân tộc thiểu số.

Có thể thấy rằng, việc giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống không chỉ là trách nhiệm của riêng tổ chức, cá nhân mà còn là của cộng đồng. Nhưng để nét văn hóa truyền thống, đặc trưng không bị mai một và “giữ lửa” cho muôn đời sau thì trước nhất cần phải “đánh thức” vai trò tiên phong của già làng, trưởng bản, người có uy tín ở các dòng họ trong việc thuyết phục, giáo dục lớp trẻ chung tay giữ gìn bản sắc của dân tộc mình...

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top