Người phụ nữ dân tộc hết lòng vì quê hương

10:00 - Thứ Năm, 16/06/2016 Lượt xem: 4039 In bài viết
Trong chuyến công tác lên tỉnh Điện Biên, vào những bản làng người dân tộc xa xôi, chúng tôi đã có dịp gặp một người phụ nữ dân tộc Lào. Chị Lường Sao May, bản Na Sang I, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên đã để lại nhiều ấn tượng đẹp về hình tượng người phụ nữ dân tộc hết lòng vì sự phát triển của quê hương.
Lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Từ trung tâm thành phố Điện Biên, qua quãng đường gần 30km, chúng tôi tới nhà chị. Tiếp chuyện chúng tôi dưới nếp nhà sàn, phía ngoài cơn mưa núi tuôn xối xả vẫn không làm câu chuyện kém phần sôi nổi. Chị May là con gái út trong gia đình có chín anh chị em. Người mẹ tên là Sóng, theo tiếng dân tộc Lào sóng có nghĩa là sự trong trẻo như nước, mẹ thì biết hát, biết múa, biết làm thơ của người Lào. Dù gia đình đông anh em, nhưng là con út nên được ngủ với mẹ, nghe mẹ truyền dạy thơ ca, phong tục tập quán, nhiều nét văn hóa của dân tộc Lào.

Chị Lường Sao May bên khung dệt thổ cẩm dân tộc Lào.

Chị kể, trong thời chiến tranh, khi chị đi học tại trường nội trú tỉnh ở huyện Phong Thổ, chị đã mang những bài hát, điệu múa của dân tộc Lào được mẹ truyền dạy để đóng góp vào những tiết mục văn nghệ của nhà trường. Không chỉ có vậy, chị còn được tham gia giao lưu văn nghệ với nhiều trường bạn như: trường Sư phạm, Thanh niên lao động, Bổ túc cán bộ... là các trường tập trung trên Phong Thổ.

Kết thúc khóa học chị về địa phương làm giáo viên cấp một. Trong quá trình làm giáo viên, chị lại tiếp tục truyền dạy cho học sinh của mình những bài hát, điệu múa. Sau khi chuyển công tác về vị trí Chủ tịch Hội phụ nữ xã, chị bắt đầu thành lập các đội văn nghệ tại các bản. "Những ai biết tiết mục múa, những bài hát, các trò chơi, tôi đều phối hợp và khai thác với mục tiêu nhằm khơi dậy và tổ chức dạy cho các thanh thiếu niên, nam nữ ở trong xã. Đội văn nghệ của xã Núa Ngam được huyện và tỉnh mời tham dự nhiều chương trình giao lưu. Các tiết mục tôi chỉ đạo và dàn dựng đều được đạt giải" - chị May tâm sự.

Trong hồi tưởng của chị, ấn tượng nhất là năm chia tách huyện Điện Biên Đông, chín xã ngoài vùng cao đi giao lưu văn nghệ tại Ban chỉ đạo Suối Lư. Tám xã họ biểu diễn xong rồi mới đến xã Núa Ngam được lên sân khấu. Lúc đó, khán giả cũng mệt, đói, họ cũng đã bỏ ra ngoài hết cả. Nhưng khi chị lên sân khấu để giới thiệu chương trình là tiết mục của đội văn nghệ xã Núa Ngam, khán giả đang ăn, uống bên ngoài họ lại quay lại ngay bên sân khấu. Nếu ai ở xa không nhìn thấy họ trèo cành cây để xem. Đợt đó xã của chị được giải nhất. Đấy là ấn tượng nhất khi mà chị dẫn đoàn văn nghệ xã đi biểu diễn.

Chị May nét mặt luôn tươi cười trong buổi trò chuyện với phóng viên.

Nét mặt luôn tươi cười, chị kể lại những kỷ niệm được đi đây đó. Trong nhiều năm, chị được tỉnh cử đi tham dự nhiều chương trình trong nước, cũng như quốc tế. Mỗi chuyến đi lại đầy ắp bao kỷ niệm. Trong năm 1992, chị đoạt Huy chương vàng trong giải Hát ru con lần thứ nhất tại thành phố Huế. Năm 1996, khi được trưởng đoàn giao nhiệm vụ đọc lời phát biểu cho toàn tỉnh Lai Châu tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, chị đọc lưu loát, sau khi đọc xong cũng hát tặng hội nghị một bài và đã gây ấn tượng mạnh tới các đại biểu tham dự hội nghị năm đó. Năm 2012, chị được Nhà nước chọn đi dự hội nghị ba nước Việt Nam - Lào - Thái Lan tại Thái Lan, tại đây chị cũng hát nhiều. Chị hát diễn tả lại tình cảm của người dân Việt với người dân của Thái Lan, đặc biệt là những người Lào.

Từ lúc chị nghỉ hưu đến nay, với tình yêu văn nghệ, chị đã cùng với đội văn nghệ của bản cố gắng dựng lên những tiết mục dân gian của dân tộc mình. Không chỉ có văn nghệ, trong trang phục dân tộc chị cũng dành nhiều tâm huyết vận động bà con trong bản giữ gìn. Vì vậy, đến nay, chị em trong bản mỗi khi đi tham dự lễ hội, tới chốn đông người đều có ý thức trong trang phục của dân tộc mình.

Chị vẫn cùng bà con, cũng như Hội người cao tuổi, Hội phụ nữ, Hội thanh niên, Hội cựu chiến binh sưu tầm, tìm tòi những phong tục văn hóa dân tộc đã mất, cố gắng phục dựng, khơi dậy rồi khai thác dần dần để truyền dạy lại cho con cháu mình. Ví dụ như Tết té nước bị bỏ quên từ năm 1982, đến giờ đã duy trì được. Đến nay, Tết té nước của dân tộc Lào vào những ngày 13,14,15 tháng 4 dương lịch, đã được bà con trong bản khôi phục tổ chức. Trong Tết té nước nơi đây còn có sự lồng ghép lễ cầu mưa bởi nơi đây giữa các tháng 3,4,5 hay có hạn hán. Không chỉ có vậy, Lễ ăn cơm mới của người Lào (tháng 10 dương lịch sau khi thu hoạch xong), nghề dệt thổ cẩm trong bản đã được khôi phục. Đến nay, bà con trong bản đang đóng góp để xây dựng nhà văn hóa.

"Bà May hay giúp đỡ người dân trong bản, dạy múa hát cho chị em, là người gương mẫu cho bà con trong bản. Nếu không có bà, chị em trong bản không biết đến những điệu múa, tiếng hát của dân tộc mình. Bà con trong bản dành cho bà rất nhiều tình cảm, ai cũng quý mến, được bà con tín nhiệm" - chị Lường Thị Un, bản Na Sang I, xã Núa Ngam chia sẻ.

Chị đã được nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú do Đảng, Nhà nước trao tặng. Đó là sự đánh giá thiết thực của chính quyền tới quá trình lao động, phấn đấu của chị cũng như sự tín nhiệm của 100% bà con trong bản dành cho chị.

Điệu múa và tiếng hát dân tộc Lào đã thấm đẫm trong chị từ nhỏ.

Góp sức mình vào công cuộc xóa đói giảm nghèo

Núa Ngam là một xã thuần nông, đặc biệt khó khăn của huyện Điện Biên, cây trồng chủ yếu là ngô. Địa bàn xã có 6 dân tộc chung sống, trình độ dân trí không đồng đều. Trong quá trình công tác tại Hội phụ nữ xã, chị đã cố gắng tới từng bản làng xa xôi, khi mà điều kiện đi lại rất khó khăn, chỉ toàn đi bộ. "Có kỷ niệm đến bản Na Ư, đi qua nhiều khúc suối, tôi có ý tưởng cứ mỗi khúc suối trên đường đi lại nhặt một hòn đá, khi tới trụ sở bản đếm được 36 viên đá có nghĩa là đã đi qua 36 khúc suối" - chị May kể.

Trong vai trò chủ tịch Hội phụ nữ xã, chị đã tuyên truyền cho bà con cách thức canh tác nông nghiệp, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, chống việc phá rừng, đốt nương. Bên cạnh đó, chị còn vận động bà con giữ rừng để giữ nguồn nước. Những kết quả đạt được rất khả quan, dần dần bà con người dân tộc Khơ Mú, người Mông, Lào, Thái… cũng không còn phá rừng làm nương nữa. Trên những đám nương cũ giờ bà con cũng đã biết cách thức canh tác chuyển đổi như trồng ngô, sắn, những sản vật nông nghiệp được tiêu thụ nhanh… mang lại thu nhập nhiều hơn. "Cách thức canh tác cũ "chọc lỗ tra hạt" ở xã giờ đã bỏ. Nếu có làm nương lúa bà con cũng dùng trâu cày, reo vãi rồi bón phân vào, năng suất cao hơn" - chị May nhớ lại.

Những việc làm thiết thực của chị đã đóng góp không nhỏ vào sự thay đổi của địa phương. Trong công tác dân vận, chị gặp gỡ, tuyên truyền, vận động chị em giúp đỡ nhau, làm kinh tế xóa đói giảm nghèo. Nhà nào có hai hay ba con lợn nái, chị vận động cho gia đình chưa có mượn nuôi. Đến khi nuôi được một đến hai lứa lợn con sẽ giao trả lợn nái lại cho chủ cũ. Ai không có trâu thì vận động cho mượn trâu một hai buổi để bà con canh tác. Khi ai gặp khó khăn hoạn nạn như con cái phải đi viện, ốm đau lâu dài, chị lại vận động chị em phụ nữ tập trung lao động giúp một buổi không tính công. Ai nghèo quá, đến ngày tết, ngày lễ chị lại vận động chị em đóng góp làm quà biếu với tinh thần lá lành đùm lá rách.

Bên cạnh đó, trong vai trò công tác của mình, chị còn tranh thủ các nguồn kinh phí được rót về để cho bà con vay phát triển chăn nuôi, trồng trọt, mua phân bón, con giống... Từ khi nhận công tác đến khi về hưu (tháng 6-2011), tỷ lệ hộ đói nghèo trong xã đã giảm được một nửa. Sau khi nghỉ chị tiếp tục công tác tại tổ chức tín dụng của xã, góp phần công sức nhỏ bé của mình vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương. Đến giờ khi đã nghỉ hẳn (61 tuổi) nhiều bà con vẫn tìm đến chị nhờ làm đơn vay vốn tăng gia sản xuất. Khi làm được khoảng 20 đến 30 đơn lại liên lạc cho cán bộ dự án vào lấy đơn của bà con.

Theo nhận xét của trưởng ban Na Sang I Vi Văn Vân, "Bà May là người sống trung thực, đảm đang. Bà rất quan tâm chia sẻ khó khăn với bà con trong bản, là tấm gương tốt cho thế hệ trẻ".

 

Na Sang I đang ngày thay đổi.

Cuộc gặp chị May, anh Vân, chị Un... đã để lại trong chúng tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Mong sao có nhiều hơn những tấm gương sáng, tâm huyết như chị để giúp bà con dân tộc thoát nghèo, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình không bị mai một. Chia tay Na Sang I, chia tay Điện Biên, chúng tôi vẫn mong một ngày quay lại để được gặp lại chị May, để được nghe chị hát những bài hát dân ca Lào đằm thắm và mượt mà và tiếng cười trong vắt, hồn nhiên của người con núi rừng Tây Bắc đã luôn biết gìn giữ những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc mình.

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top