Độc đáo lễ cưới truyền thống người Dao Đỏ

10:54 - Thứ Sáu, 17/06/2016 Lượt xem: 5348 In bài viết
ĐBP - Ngày nay, cùng với sự phát triển của nền văn hóa hội nhập, nhiều nét đẹp văn hóa và tục lệ truyền thống của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đang dần bị mai một và mất đi, nhưng đối với người dân tộc Dao Đỏ sinh sống ở bản Huổi Sâu, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ thì một số tục lệ, văn hóa truyền thống dường như vẫn còn nguyên vẹn bao đời nay.

May mắn được dự một đám cưới của người Dao Đỏ ở bản Huổi Sâu, chúng tôi không chỉ chứng kiến những nét độc đáo trong lễ cưới truyền thống của họ, mà còn hiểu thêm về những giá trị văn hóa dân tộc mà người Dao Đỏ vẫn giữ gìn, bảo tồn khi cuộc sống thay đổi từng ngày.

 

Trong đám cưới của người Dao đỏ, cô dâu phải được che mặt bằng 1 tấm vải đỏ cho đến khi về nhà chồng làm lễ.

Trưởng bản Chảo Cáo Siêng vui vẻ cho biết: “Bản Huổi Sâu chúng tôi có 87 nóc nhà với hơn 400 khẩu, cũng là bản duy nhất trong xã Pa Tần có người Dao Đỏ sinh sống. Nhiều năm nay, người Dao Đỏ chúng tôi sinh sống chan hòa, chịu khó lao động để xóa đói giảm nghèo và thay đổi cuộc sống, nhưng đặc biệt không bao giờ làm mai một các phong tục truyền thống. Cứ con trẻ lớn lên sẽ được những người lớn và già làng trong bản giáo dục văn hóa dân tộc Dao để lưu giữ, bảo tồn cho thế hệ mai sau”. Đặc biệt, lễ cưới của người Dao Đỏ chúng tôi nhiều năm nay vẫn giữ nguyên theo phong tục truyền thống của dân tộc. Mỗi dịp có đám cưới thì trong bản phấn khởi, tưng bừng lắm, dân bản đều về chung vui. Du khách thập phương tới dự lễ cưới cũng vô cùng thích thú”.

Khi chúng tôi tới nhà ông Chảo A Sênh, gia đình ông đang tất bật chuẩn bị cho lễ cưới của người con trai là Chảo Nể Kiêm, lấy một cô gái trong bản. Từ sáng sớm, ông Sênh đã cho người mổ 1 con lợn to, thịt nhiều gà trống, đồ nhiều xôi nếp nương để cúng tổ tiên và chiêu đãi khách đến dự đám cưới. Khi lễ vật đi xin dâu của nhà trai gồm: 1 con lợn to, 4 con gà trống và 2 mâm xôi nếp đã chuẩn bị xong, đoàn đi đón dâu của nhà trai (gọi là đoàn săn cha) từ trẻ đến già sẽ thay quần áo chỉnh tề theo đúng trang phục truyền thống của người Dao Đỏ và chờ giờ đẹp, khởi hành đi đón dâu.

Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi được thấy trang phục truyền thống của người Dao đỏ. Trang phục của nam và nữ đều gồm: Khăn, mũ, áo, quần, thắt lưng, xà cạp quấn chân và giày được may gia công bằng vải đen, có thêu hoa văn màu đỏ. Riêng trang phục của chú rể được cô dâu tự tay may cách đây 1 năm trước. Trang phục này có hoa văn to bản, nhiều màu đỏ và nổi bật hơn các trang phục khác trong đoàn đón dâu. Chú rể Kiêm phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi đã tổ chức lễ ăn hỏi cách đây 1 năm. Trong thời gian đó, cô dâu sẽ ở nhà để thêu hoa, nhuộm vải và may trang phục cưới cho cô dâu và chú rể mặc trong ngày hôm nay, đó cũng là điểm khác biệt giữa lễ cưới hỏi của người Dao Đỏ với lễ cưới hỏi của các dân tộc khác sinh sống lân cận”.

Tới giờ đẹp, đoàn nhà trai bắt đầu khởi hành đi đón dâu. Ai nấy đều phấn khởi, vừa đi bộ vừa hát những khúc hát giao duyên bằng tiếng dân tộc Dao để chúc phúc cho cô dâu, chú rể. Câu hát ngân nga, da diết tới tận cổng nhà gái. Tại đây, đoàn săn cha sẽ đưa lễ cưới và mừng tiền mặt cho người lớn trong gia đình nhà gái, cúng lạy tổ tiên và xin đón dâu về. Những thủ tục này diễn ra rất nhanh gọn để kịp giờ đưa dâu về nhà trai tổ chức ăn mừng đám cưới.

Lúc này, cô dâu Chảo Nể Mềnh ngoài mặc trang phục cưới còn được che một chiếc khăn đỏ kín mặt cho tới khi về đến nhà trai, làm lễ xong mới cởi ra. Có một phù dâu (là em gái hay bạn bè của cô dâu) đi bên cạnh làm nhiệm vụ dẫn đường và phụ giúp cô dâu hành lễ tại nhà trai. Trên đường về, trong đoàn đón dâu có người vừa đi vừa thổi kèn phằn tỵ, với những giai điệu vui vẻ, chào đón đám cưới, thu hút sự chú ý của bà con dân bản và du khách thập phương dừng chân theo dõi.

Khi đón cô dâu vào nhà, thầy cúng trong nhà trai dùng 3 cành đào hoặc cành chanh tươi để làm phép trên đầu cô dâu, sau đó vứt ra ngoài cửa. “Theo quan niệm của người Dao Đỏ, khi đón dâu về nhà chồng, đi đường sẽ có nhiều ma quỷ bám theo nên thầy cúng phải làm phép để trừ tà” - Trưởng bản Chảo Cáo Siêng cho biết. Ngay sau đó, cô dâu được cởi giày, giơ chân trên chậu nước có đặt con dao nằm ngang và được một em bé trong nhà trai rửa chân, rồi xỏ cho đôi giày mới. Nghi thức này hết sức đặc biệt đối với dân tộc Dao Đỏ, nó có ý nghĩa giúp cô dâu bắt đầu một cuộc sống mới tại gia đình nhà chồng vui vẻ và phấn khởi.

Cỗ cưới linh đình được dọn ra, bà con lối xóm kéo đến ngày một đông. Tiếng cười, tiếng nói rộn ràng cả góc bản, ai cũng vui vẻ chúc mừng gia đình 2 họ và uống những chén rượu đầy thơm nồng. Lúc này, cô dâu và chú rể cầm chén rượu đi mời gia đình, họ hàng và khách; đồng thời cũng đem theo một chiếc đĩa lớn để mọi người gắp thức ăn mừng vào cho đôi bạn trẻ.

Đám cưới được gia đình ông Chảo A Sênh tổ chức khá linh đình. Nhiều du khách đã được mời vào ăn cỗ và chúc phúc cho cô dâu, chú rể. Anh Nguyễn Minh Thắng, khách du lịch đến từ TP. Điện Biên Phủ lần đầu tiên được chứng kiến đám cưới truyền thống của người Dao Đỏ, cho biết: “Tôi đã đi nhiều nơi trong tỉnh, được chứng kiến đám cưới của các dân tộc khác nhau, tôi thấy đám cưới của người Dao Đỏ thật độc đáo, mang nét riêng biệt của một dân tộc ít người trong tỉnh và thể hiện bản sắc dân tộc vẫn còn được người Dao Đỏ chung tay giữ gìn”.

Phương Liên – Mắn On
Bình luận
Back To Top