Đọc sách theo... phong trào!

16:57 - Chủ Nhật, 19/06/2016 Lượt xem: 3585 In bài viết
Số lượng sách bán ra nhiều, doanh thu cao, người đọc sách có dấu hiệu ngày càng nhiều thêm là những tín hiệu đáng mừng cho văn hóa đọc trong nước. Thế nhưng, bên cạnh sự vui mừng cũng đã xuất hiện cả nỗi lo khi mà sau các sự cố về sách vừa qua, dấu hiệu một sự lệch lạc trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc hiện nay.

Đọc sách theo truyền thông

Năm 2016 ghi nhận sự trở lại của dòng sách tư liệu lịch sử, một tín hiệu đáng mừng sau một thời gian dài dòng sách này bị bỏ quên cả ở phía bạn đọc cũng như người làm sách. Nhiều cuốn sách lịch sử ra mắt và nhận được sự chú ý của bạn đọc, nhất là các bạn đọc trẻ. Mọi chuyện sẽ là những tín hiệu tích cực nếu như không có sự cố từ cuốn sách lịch sử Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực bà Rồng bản in đầu. Đây là cuốn sách được quảng bá mạnh ngay khi ra mắt, nhận được nhiều sự chú ý của bạn đọc. Thế nhưng điều không vui là một thời gian sau khi ra mắt, cuốn sách nhanh chóng bị phát hiện có hàng loạt sai sót mà trong đó có nhiều sai sót mang tính cơ bản, đơn giản mà chỉ cần có sự hiểu biết tối thiểu về lịch sử là có thể nhận ra. Không chỉ sai sót về nội dung, cuốn sách trên còn bị đánh giá là ít có giá trị mới về lịch sử.

 

Học sinh chọn mua sách tại một điểm bán sách ở TPHCM.

Vậy tại sao một cuốn sách không mấy ấn tượng về nội dung, thiếu nghiêm túc trong việc thực hiện lại nhận được nhiều sự chú ý của bạn đọc dù trên thị trường sách có hàng loạt tác phẩm cùng nội dung được đánh giá là hay hơn về mặt lịch sử, thể hiện. Sự thành công về mặt doanh thu của tác phẩm này được ghi nhận là ví dụ cho vai trò của truyền thông trong việc mang đến thành công cho một tác phẩm. Cuốn sách đã được làm truyền thông rất tốt, trước khi sách ra mắt đã liên tục được quảng bá từ trên mạng xã hội đến báo chí. Đơn vị làm sách cũng rất khéo léo khi tập trung vào việc tổ chức các sự kiện ra mắt sách ấn tượng tại nhiều địa điểm, nhắm vào đối tượng bạn đọc trẻ vốn dễ tò mò về các sự kiện lịch sử của đất nước.

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện những ví dụ về việc chọn mua sách không theo nhu cầu mà theo truyền thông như trên. Câu chuyện về sách của nhà văn Nhật Bản Murakami ở Việt Nam có thể xem là điển hình. Sau cơn sốt của Rừng Nauy, hầu như cứ gặp nhau là các bạn trẻ nhắc đến Murakami và xem việc đọc tác phẩm của ông là minh chứng cho việc có trình độ “cảm thụ văn học”. Đã thế, các phương tiện quảng bá thì nhắc đi nhắc lại “trẻ thì phải đọc Murakami”, “đừng đọc Murakami nếu không sẽ bị nghiện”… Dần dần tạo nên một tâm lý rằng không đọc Murakami thì sẽ lạc hậu nơi bạn đọc trẻ. Thế nhưng, tác phẩm của Murakami tương đối khó hiểu, kén người đọc nên có rất nhiều bạn đọc sẽ khó cảm nhận tác phẩm của ông, nhất là những tác phẩm về sau này, như: Biên niên ký chim vặn dây cót, 1Q84… Và phải đến vài năm sau, khi ngày càng có nhiều người đọc trẻ thừa nhận khó cảm thụ sách của Murakami thì sự cuồng nhiệt với nhà văn này mới giảm xuống dù không ai có thể phủ nhận tài năng và giá trị những tác phẩm của ông. Và có một chi tiết đáng chú ý là dù sao chăng nữa thì sách của Murakami cũng đã góp phần không nhỏ khuyến khích bạn đọc trẻ quay lại với sách, nhất là sách văn học.

Nỗi lo văn hóa đọc

Ông Phạm Thế Cường, một người yêu sách, mê sách và là Chủ nhiệm thư viện sách tư nhân tại quận Gò Vấp, TPHCM tiết lộ cứ mỗi lần sau các đợt bán sách, hội sách một thời gian là thư viện của ông nhận được rất nhiều sách tặng, biếu của bạn đọc. Điều đáng nói là hầu hết trong số đó là những tác phẩm nổi tiếng, đang gây chú ý rất nhiều trong thời gian đó. Khi hỏi thì ông được biết là vì đi hội sách, phiên chợ sách nghe bảo những cuốn này đang “hot”, đang nổi tiếng nên cũng cố mua cho bằng được nhưng đến khi mang về đọc thì thấy không hợp, không đọc được nên đành bỏ, tặng lại người khác. Một trong những loại sách hay bị tình trạng này nhất là dòng sách kỹ năng, dạy làm giàu… Đây là dòng sách được quảng cáo nhiều nên dễ gây sự chú ý cho người đọc. Tuy nhiên thực tế đây cũng là dòng sách khó có tác phẩm thực sự hiệu quả hoặc phù hợp với đặc thù của bạn đọc theo từng khu vực, địa phương nên dễ dẫn đến tình trạng mua sách nhưng không thể tiếp thu được nội dung.

 

Bạn đọc chọn mua sách tại một điểm bán sách ở TPHCM.

Có ý kiến cho rằng dù sao chăng nữa thì việc mua sách cũng góp phần phát triển thị trường và giúp cho bạn đọc tiếp cận với sách, nâng cao dần văn hóa đọc. Thế nhưng, ở Việt Nam đang có một vấn đề là giá sách vẫn còn chiếm một tỷ trọng không nhỏ so với thu nhập bình quân đầu người. Việc lựa chọn mua sách chịu ảnh hưởng lớn bởi năng lực thu nhập của bạn đọc và nếu tốn kém quá nhiều cho các đầu sách ít giá trị, không phù hợp thì dĩ nhiên dẫn đến tình trạng không thể tiếp cận những đầu sách khác, phù hợp hơn. Và nếu tình trạng đọc sách theo phong trào cứ tiếp tục như hiện nay thì một trong những nỗi lo của những người muốn xây dựng văn hóa đọc sẽ có thể xảy ra, đó là bạn đọc dần chán nản, mất dần thói quen đọc sách vốn vất vả lắm mới được gây dựng lại thời gian qua.

Định hướng hay hướng dẫn

Tại cuộc tọa đàm nhân Ngày sách Việt Nam vừa qua ở TPHCM, vấn đề ngăn chặn tình trạng đọc sách theo phong trào cũng được nhắc đến nhưng biện pháp giải quyết thì có phần chưa thống nhất. Một số cho rằng cần có sự định hướng cho người đọc hôm nay về những tác phẩm có giá trị, chứa đựng những yếu tố chân, thiện, mỹ… Tuy nhiên, một số khác cho rằng đọc sách là một hình thức hưởng thụ văn hóa mang tính cá nhân, cuốn sách này có thể hay với người này nhưng lại không hay với người khác và một cuốn sách hay, nổi tiếng, được giải thưởng cao chưa chắc đã phù hợp, được chấp nhận bởi một số bạn đọc cụ thể.

Khuynh hướng chủ đạo hiện nay là cần có sự tư vấn, hướng dẫn bạn đọc về những tác phẩm phù hợp, những cách đọc đúng đắn… Chính ở đây xuất hiện một vấn đề là cho đến nay tại Việt Nam vẫn chưa có bất cứ một tờ báo, tạp chí, một trang web nào dù là của tư nhân hay nhà nước đảm nhận vai trò tư vấn, hướng dẫn này. Trong khi đó, ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia…, các ấn phẩm hướng dẫn, tư vấn bạn đọc về sách từ lâu đã trở nên quen thuộc.

Vừa qua, một số đơn vị làm sách cũng đã đề xuất xây dựng một “Đề án xuất bản quốc gia” với mục tiêu ban đầu là thành lập một Quỹ xuất bản quốc gia chuyên hỗ trợ các dòng sách có giá trị cao như sách giáo khoa phổ thông hiện đại; giáo trình đại học hiện đại; sách phổ biến kiến thức và khoa học thường thức cho học sinh và trẻ em; sách tri thức cao cấp, đặc biệt là mảng khoa học xã hội, pháp luật, lập pháp cao cấp; sách Hán Nôm chọn lọc... Đồng thời tổ chức các hoạt động hướng dẫn đọc sách, chọn sách, tư vấn cho các thư viện trong việc chọn lựa sách phù hợp… Đây cũng được xem là một hình thức “hướng dẫn bạn đọc” mà nhiều quốc gia khác đang thực hiện.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top