Phim truyền hình: “Cái khó… ló lối đi”

15:10 - Thứ Năm, 30/06/2016 Lượt xem: 3521 In bài viết

Không khó để thấy, trên hầu hết các kênh truyền hình hiện nay, sự hiện diện của các phim nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái-lan, Philippines là phần lớn. Liệu điều đó có trở thành sức ép đối với các nhà làm phim Việt Nam, hay ngược lại?

 

Cảnh quay kỳ công với pháo hoa trong phim "Tình yêu không hẹn trước".

Các kênh truyền hình đang trở thành nơi thúc đẩy tiêu thụ phim mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thay vì chỉ có phim Hàn Quốc, Trung Quốc chiếu song song cùng phim Việt Nam như trước đây, các đài truyền hình đang ngày càng đem đến nhiều lựa chọn cho khán giả, khi chiếu phim từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, như Ấn Độ, Thái-lan, Philippines, Đài Loan, Singapore, hay phim châu Âu như Slovakia, Romania… Khán giả có nhiều lựa chọn hơn, đồng nghĩa với phim Việt Nam phải tìm tòi nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn.

 

Những khung hình đẹp luôn được các đạo diễn chăm chút. Phim "Ba đám cưới, một đời chồng".

Bản thân các nhà làm phim Việt từ trước tới giờ đã phải cạnh tranh gay gắt với nhau. Đạo diễn Trần Lực đã từng chia sẻ: “Mỗi một bộ phim mới là một cuộc cạnh tranh mới, mà sự gay gắt chưa bao giờ kém nhau. Đối với các hãng phim tư nhân thì tính cạnh tranh càng khốc liệt hơn, càng phải cẩn trọng và nỗ lực hơn rất nhiều lần để thực sự có sản phẩm “đứng” được trong lòng khán giả”.

Mỗi đạo diễn đã phải nỗ lực tìm ra những cách làm khác nhau để tạo dấu ấn.

Đối với một đạo diễn lâu năm như đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, kiên trì “bám trụ” mảng đề tài chính luận, nhưng lựa chọn những chủ đề nóng, được xã hội quan tâm là điều ông thực hiện để đem lại sức hút cho phim của mình. Đạo diễn chia sẻ: “Hiện nay trên sóng truyền hình có thể thấy mảng phim giải trí khá đông đảo, cho nên phim chính luận cũng là một phần để lấy lại sự cân bằng. Tuy nhiên, không nhiều nhà đầu tư dám mạo hiểm cho dòng phim này, bởi tính kén khán giả khá cao. Điều đó phụ thuộc vào lựa chọn và tay nghề của đạo diễn. Tôi thường lựa chọn những đề tài nóng ở khu vực nông thôn, vì khán giả của chúng ta ở khu vực này chiếm phần lớn, và họ cần được xem những bộ phim nói về cuộc sống, về những vấn đề của họ”.

 

Khải Anh, một trong những đạo diễn chịu khó khai thác thế mạnh của công nghệ.

Đối với đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, không gì bằng chính những yếu tố cơ bản nhất: câu chuyện, cách kể chuyện và diễn viên: “Có rất nhiều khó khăn đối với các nhà làm phim trong một nền công nghiệp điện ảnh mới: không đủ lực về tài chính, nhân lực, công nghệ để đầu tư. Để làm phim hay thì phải quay trở lại cái vòng cơ bản của điện ảnh: một câu chuyện hay, cách kể chuyện tốt và diễn viên tốt. Đó là cách thu hút khán giả lớn nhất, và phải tập trung vào điều đó để làm phim hấp dẫn”.

Đối với các nhà làm phim trẻ thì ứng dụng những công nghệ mới không chỉ là phép thử, mà còn tạo được những hiệu quả đặc biệt cho tác phẩm của mình, từ đó thu hút khán giả. Đạo diễn trẻ Khải Anh là một trong những người đầu tiên sử dụng công nghệ flycam cho những bộ phim của mình: “Ba đám cưới, một đời chồng”, “Hoa nở trái mùa”… Chưa tính đến nội dung và diễn viên, bộ phim của anh đã vô cùng bắt mắt với những khung hình lãng mạn tuyệt đẹp được ghi từ trên cao.

Không còn trẻ lắm, nhưng Trọng Trinh cũng là một đạo diễn chịu khó tìm tòi và áp dụng những ý tưởng độc đáo cho mỗi bộ phim của mình. Ở “Tình yêu không hẹn trước”, anh kỳ công chờ đến đúng Cuộc thi pháo hoa Đà Nẵng để quay cho được cảnh hai nhân vật chính hôn nhau dưới bầu trời đầy pháo hoa rực rỡ. Còn ở bộ phim mới nhất “Zippo, mù tạt và em”, anh đã lựa chọn những bối cảnh đẹp nhất từ Hà Nội qua suốt dọc dải miền trung để đưa vào phim, với tiêu chí “phim trước hết phải đẹp, phải bắt mắt đã”.

Về nội dung, tập trung cho những đề tài gần gũi với cuộc sống, để khán giả cảm nhận thấy mình ở trong đó là những gì Trọng Trinh lựa chọn. Đạo diễn chia sẻ: “Tôi quan niệm là phải hướng tới những câu chuyện giản dị, gần gũi, sao cho người xem có thể thấy mình trong đó. Tôi từng trải qua nhiều đề tài như hình sự, chiến tranh, giờ chuyển sang làm phim tâm lý như một trải nghiệm mới mẻ…”

 

Phim "Khúc hát Mặt trời" quay tại Nhật Bản vào mùa hoa anh đào.

Đạo diễn Trọng Trinh cũng chia sẻ rằng, phim nước ngoài chiếu tràn lan trên các kênh truyền hình, ban đầu có thể thấy đó là khó khăn đối với các đạo diễn phim Việt, nhưng nhìn từ góc độ khác, điều này lại mang tính tích cực, kích thích sự cạnh tranh, thúc đẩy thay đổi và sáng tạo. Anh nói: “Vấn đề là ở sự thay đổi. Phim nào cũng thế, phải có sự thay đổi chứ một thời gian không thay đổi là người xem sẽ chán. Nếu chúng ta chỉ xem phim của chúng ta, thì sẽ rất chậm phát triển, điện ảnh thăng trầm, đến phim truyền hình cũng thế, cứ lên xuống, không phát triển được. Cho nên khi có tác động bên ngoài thì chúng ta mới có nỗ lực phát triển, rõ ràng nếu không có những sản phẩm chất lượng thì khán giả quay đi. Cho nên việc nhập khẩu phim ào ạt không đáng sợ, mà ngược lại lại có tính thúc đẩy cạnh tranh, có yếu tố tích cực”.

Một khi các đạo diễn phim Việt đã nhận ra được điều đó, thì có thể không cần tới “giờ vàng”, họ cũng vẫn tự tin đánh bại được phim Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, hay Thái-lan….

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top