Phim Việt một góc nhìn hẹp

15:43 - Thứ Ba, 05/07/2016 Lượt xem: 3327 In bài viết

Có lẽ phim Việt Nam đang trong kỳ xuân sắc. Với chỉ tiêu một năm hơn 3.000 tập phim, khoảng 30 công ty sản xuất phim ở TPHCM, 47 hãng phim trên cả nước gần như phải vắt chân lên cổ mà chạy.

Diễn viên vui khi có nhiều cơ hội hơn để tham gia với phim Việt. Khán giả bây giờ yêu phim Việt hơn, phim nào phát sóng xong đều được nghe khán giả bình luận, phân tích chi tiết, thậm chí còn so sánh với phim Hàn, phim Trung Quốc. Tuy nhiên, trong xu thế làm phim Việt hiện nay đang có những căn bệnh kinh niên có thể trở thành nan y mà dường như các nhà làm phim ít có thời gian nhìn lại. Nếu không có thái độ tích cực để thay đổi, phim Việt sẽ tự đẩy mình vào thế khó.

 

NSƯT Hạnh Thúy: ''Nếu không có thái độ tích cực để thay đổi, phim Việt sẽ tự đẩy mình vào thế khó''.

Thứ nhất, khi thể hiện các nhân vật trong phim Việt, nhiều diễn viên thường bê nguyên xi cái sẵn có của họ vào phim, nên sự sinh động trong từng bộ phim thì có nhưng nếu xem chừng vài ba phim thì sẽ thấy nhân vật trùng lắp, gây nhàm chán.

Thứ hai, câu chuyện phim đều là những mô típ quen thuộc, được khai thác theo cách diễn quen thuộc bởi những diễn viên quen thuộc nên nhiều khi không phân biệt được các phim với nhau vì khán giả vừa gặp những nhân vật này trong phim này ngay sau đó lại gặp cũng những mẫu nhân vật đó cũng do diễn viên đó đóng trong bộ phim khác nhưng lại có tình huống và nội dung tương tự.

Thứ ba, cuộc sống trong phim thường thiếu chân thật nên diễn biến tâm lý nhiều khi cũng gượng ép khi các nhân vật cứ tha hồ gào khóc nhưng chẳng hề gây được cảm xúc với khán giả, điều này chắc chúng ta cần học hỏi phim Hàn, diễn viên của họ khóc rất nhẹ nhàng, nhưng tình huống gieo rất khéo và tình cảm đẩy cũng rất tinh tế nên nhiều khi diễn viên cứ cười nói như không nhưng lại khiến khán giả khóc vì thương cảm.

Những diễn viên chịu trách nhiệm gánh “hài” trong một phim thì lại thiếu vốn để khai thác và cũng ít được hỗ trợ nên thường chỉ do diễn viên tự thăng hoa sáng tạo bằng  quần áo dị kì, hay đầu tóc, hóa trang... còn lại thì gần như không ai định hướng cho diễn viên sáng tạo nhân vật thế nào nên khó tránh khỏi trường hợp nhàm và đuối, chưa kể là sự trùng lắp của diễn viên với diễn viên, nhân vật với nhân vật... Nhất là trong tình hình kịch bản như hiện nay các tình huống hài đặt ra thường thiếu tính hợp lý khiến các diễn viên cứ phải “gồng mình” bắt khán giả cười, khóc...

Trong suốt quá trình làm phim nhiều khi họ phải đơn độc sáng tạo bởi đạo diễn thì có quá nhiều thứ phải lo, không có thời gian để nắn chỉnh hay phối hợp các nhân vật với nhau cho thích hợp. Chưa kể, đạo diễn và đoàn phim nhiều khi buộc phải chạy theo thời gian, tiến độ, nên chỉ cần diễn viên không diễn quá dở, không thoại sai lời là được, còn thì diễn viên có sống với nhân vật hay không cũng không quan trọng lắm.

Thứ tư, rất nhiều đạo diễn phải phụ thuộc vào nhà sản xuất nên việc chọn lựa được một diễn viên hợp vai nhiều khi phải lệ thuộc quá nhiều vào chân dài óc ngắn, với ca sĩ, với hot boy, hot girl... Điều này làm chất lượng phim ảnh hưởng khá rõ khi các diễn viên tay ngang này diễn thì trơ trơ, không đủ cảm xúc để gây rung cảm trong lòng người xem.

Kết quả là những tình huống và những khung hình cứ trôi qua tuồn tuột mà khán giả chẳng thấy đọng lại gì ngoài ngoại hình xinh đẹp trong khi những diễn viên là những sinh viên được đào tạo bài bản nhiều khi chỉ vì thiếu chút quan hệ hay thiếu chút nhan sắc mà đành ngậm ngùi làm vai quần chúng. Vì thế, phim Việt ngày càng nhạt nhẽo và khán giả Việt ngày càng ngấy với phim Việt.

Cách làm phim như vậy đã dẫn tới hệ quả là: hiện nay khá nhiều đài truyền hình đã cắt giảm chỉ tiêu phát sóng của phim Việt, thay vào đó là  các game show hài hay game show thực tế bởi các chương trình này có sức thu hút mạnh so với một bộ phim dài lê thê hàng chục tập. Chưa kể việc nhập phim “nước hai” của các nước khác - phim đã được chiếu ở nuớc sở tại và bán lại giá rất thấp - sẽ lời hơn rất nhiều so với việc đầu tư sản xuất một bộ phim Việt Nam với nhiều yêu cầu khắt khe về rating, nội dung, chất lượng... Tuy nhiên, xu hướng game show và các chương trình hài cũng đang nhạt dần và do đó khán giả cũng đang rất cần những bộ phim được sản xuất tử tế, chỉn chu và đáp ứng được nhu cầu giải trí cho người dân Việt. Nhưng làm sao? Ai sẽ làm? Câu hỏi này khó vì nhiều lẽ.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top