Sân chơi của người trẻ yêu múa

15:46 - Thứ Ba, 05/07/2016 Lượt xem: 2986 In bài viết

Cuộc thi Tài năng trẻ biên đạo múa toàn quốc 2016 do Cục Nghệ thuật Biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam và Sở VH-TT TPHCM tổ chức, diễn ra liên tục từ 29-6 đến 2-7 tại Nhà hát Quân đội, vừa khép lại.

Cuộc thi thu hút 30 tác phẩm của 35 biên đạo múa trẻ đến từ các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong và ngoài công lập, biên đạo múa hoạt động tự do, sinh viên đang theo học chuyên ngành biên đạo thuộc các trường đào tạo nghệ thuật trên toàn quốc.

Lôi cuốn

Từng tác phẩm nghệ thuật được các diễn viên múa trình diễn bằng ngôn ngữ hình thể, thể hiện độc đáo các ý tưởng trên sân khấu, kết hợp với kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, đã kể cho người xem những câu chuyện đa sắc màu, với nhiều cung bậc cảm xúc. Tất cả các tác phẩm dự thi đã cùng góp phần tạo nên các đêm diễn nghệ thuật lung linh, phong phú, đa sắc, nhiều cảm xúc, lôi cuốn người xem.

Tham gia cuộc thi năm nay, các biên đạo trẻ có dịp thể hiện khả năng tư duy, kiến thức chuyên ngành, sự say mê sáng tạo với nghệ thuật múa, nỗ lực xây dựng những tác phẩm nghệ thuật mang những bản sắc rất riêng, đa dạng trong việc lựa chọn sử dụng các loại hình ngôn ngữ múa (ngôn ngữ dân gian các dân tộc Việt Nam, múa cổ điển châu Âu, tuồng truyền thống, múa hiện đại…).

Việc xây dựng cấu trúc tác phẩm, nội dung tác phẩm, hình tượng nghệ thuật, trang trí kết hợp xử lý ánh sáng, đạo cụ được thực hiện khá nhuần nhuyễn, giúp chuyển tải được ý đồ về nội dung tư tưởng của biên đạo.

Không chỉ vậy, một số biên đạo đã mạnh dạn xử lý âm nhạc bất ngờ, không bị tiết tấu, giai điệu âm nhạc chi phối, biết cách tận dụng tốt tinh thần, hình tượng của âm nhạc, để khắc họa hình tượng múa một cách sáng tạo.

Từ đây, nhiều tác phẩm múa đã tạo được dấu ấn độc đáo khi trình diễn trên sân khấu như: Cầm giả ca, Dạ cổ hoài lang, Hồn thiêng sông núi, Cân bằng, Phía sau, Tình bạn, Ru đêm, Mộ lá, Góc khuất, Vô, Đời cát, Về nhà…

 

Tác phẩm múa Tình bạn - biên đạo múa Hoàng Thái Sơn - Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Phát huy chất lượng

Dù vậy, tại cuộc thi vẫn còn một số tác phẩm chưa thoát khỏi sự minh họa cốt chuyện bằng múa, biên đạo lúng túng trong xử lý hình tượng múa, ngôn ngữ múa, bị cốt chuyện chi phối, chưa quan tâm đúng mức đến tính cốt yếu của một tác phẩm múa. Đó là xây dựng hình tượng nghệ thuật múa, truyền tải thông điệp và cảm xúc nghệ thuật trong mỗi tác phẩm. Có một số tác phẩm xây dựng trường đoạn dài không cân đối với phần còn lại khiến kết cấu tác phẩm lỏng lẻo, thông điệp và hình tượng không rõ ràng, cảm xúc vì thế giảm đi.

 
Ngoài ra, qua cuộc thi năm nay, các biên đạo trẻ tuy biết khai thác đề tài văn hóa dân gian nhưng chưa tạo được sự mới lạ, bất ngờ, độc đáo hơn những kỳ thi tài trước đây. Điều này sẽ được chính các biên đạo trẻ tự học hỏi, rút kinh nghiệm sau cuộc thi.

Có một điều khiến nhiều người yêu thích nghệ thuật múa không khỏi băn khoăn: Cuộc thi năm nay có quá ít tác phẩm - biên đạo múa trẻ tham gia, so với các kỳ thi trước, so với số lượng các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp các tỉnh, thành từ Nam ra Bắc và các trường đào tạo nghệ thuật chính quy, công lập đang góp mặt trong hoạt động đào tạo chuyên ngành. Ngay cả đơn vị TPHCM - địa phương có hoạt động biểu diễn nghệ thuật sôi nổi nhất nhì cả nước, có số lượng vũ đoàn đông nhất nước, số lượng biên đạo trẻ tham gia cuộc thi năm nay không nhiều.

Dù rằng đây là một cuộc thi mang tầm quốc gia, được tổ chức quy mô, nhưng vẫn chưa kêu gọi được sự tham gia của đông đảo các biên đạo múa trẻ. Điều này cũng là một vấn đề quan trọng mà các nhà tổ chức, quản lý văn hóa cần xem lại để có cách thức tổ chức kỳ thi sau được tốt hơn, giúp cho sân chơi nghệ thuật ý nghĩa này lan tỏa sâu rộng.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top