Truyện ngắn

Như đũa có đôi

10:28 - Thứ Năm, 07/07/2016 Lượt xem: 5707 In bài viết

ĐBP - Bà Lanh đang chăm chú nhặt cho xong mớ rau cải xoong vừa cắt ở bờ suối để chuẩn bị cho bữa trưa. Thông thường thì bữa cơm nhà bà chỉ rau măng chấm với thứ nước chéo tự chế bằng tỏi, ớt, mắc khén, rau thơm và muối. Thi thoảng lắm mới có mấy con cá nướng, vài miếng thịt lợn bình dân mua ngoài chợ hoặc con chồn, con sóc săn bắn được ở trên rừng.

Đã thoát nghèo, nhưng ngày hai bữa vẫn còn đạm bạc lắm. Thị xã - Thành phố ra đời, cả một vùng dân cư đang rùng rùng chuyển động để cuộc sống khấm khá hơn, giàu có hơn, nhà bà Lanh cũng không ngoài diện đó. “Cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, sản xuất hàng hóa cung cấp cho thị trường” là định hướng vươn lên thoát đói nghèo lạc hậu để làm giàu. Ông Lường, chồng bà Lanh suy nghĩ mông lung: “hàng hóa là cái gì nhỉ? Con cá, mớ rau, củ khoai, quả trứng... có phải là hàng hóa?”. Mọi chuyện đều mới mẻ bỡ ngỡ như người trong rừng đang tìm lối ra phong quang thanh thoát. Thôi, trước mắt hãy dùng cơ bắp để mà kiếm sống, vừa có tiền lại không phải suy nghĩ phiền hà gì cả.

Hàng ngày ông và hai đứa con trai mỗi người một cái xẻng tập trung ở “Chợ người” trên các hè phố, các ngã ba ngã tư đường. Tốc độ xây dựng phát triển thành phố như cơn gió lốc: đường sá, công sở, nhà ở, trung tâm nọ, siêu thị kia mọc lên như nấm sau cơn mưa. San đất đào móng nhà bể phốt, bốc xếp hàng hóa, dọn vệ sinh... cơ man nào là công việc. Ba bố con ông Lường thu tiền trăm hàng ngày là chuyện bình thường. Tối về lại có cân thịt, lít rượu để mà gật gù. Sau vài chén, ông gật đầu suy ngẫm: “Người làm ra hàng hóa cũng là mình rồi mà hàng hóa cũng chính là mình. Cái chân, cái tay, cái sức khỏe con người bây giờ đều là hàng hóa cả thôi mà!” Cuộc sống đã khấm khá hơn nhiều so với cái ngày chưa có thị xã - thành phố. Nhưng điều đáng kể nhất ở đây, đó là từ ngày thực hiện quy hoạch, những vùng đất ngủ, đất hoang biến thành tiền bạc. Trước cửa nhà ông Lường, là cả một vùng đất hoang khô cằn, cây không lên, cỏ không mọc. Trâu bò vào cũng chỉ nghếch mõm lên rồi lững thững đi ra. Ông Lường có hơn nghìn mét đất như thế. Đặt cái hom sắn xuống, một năm rồi hai năm chỉ thu được những bộ rễ to như cái đũa. “Chó ăn đá, gà ăn sỏi” muốn cho chẳng ai nhận. Đất ngủ lại trở về với đất ngủ. Thành phố cứ quy hoạch mở rộng mãi ra phía đông, phía tây.

Mảnh đất hơn nghìn mét vuông của ông Lường ngay sát mép đường lên khu du lịch sinh thái. Những người nắm được thóp quy hoạch lại có túi tiền, họ sẵn sàng đứng ra mua, mua càng sớm càng tốt, giá càng rẻ. Thủ tục cũng gọn nhẹ lắm, chỉ cần cái giấy biên nhận, chăng dây đóng cọc là chủ đất có tiền ngay. Đất ngủ, lại tiếp tục ngủ, chờ đến khi thực thi quy hoạch thì tiền trăm bạc tỷ. Khách đến mua đất nhà ông Lường và nhiều nhà khác có người đi bằng ô tô bốn chỗ ngồi, có người đi xe máy, xe đạp. Đàn ông, đàn bà người nào cũng điện thoại di động, túi xách, cặp số... sang trọng lắm. Cả một vùng đất ngủ đang dần dần được thức dậy để phát huy tiềm năng.

Ông Lường sung sướng đến bàng hoàng chuyện thực mà cứ như mơ ấy. Cả đời ông chân lấm tay bùn chỉ đủ ăn đủ mặc, bỗng nhiên tiền vào hòm, của vào nhà như trên trời rơi xuống. Ông sung sướng bàng hoàng là phải lắm, mà ngay hôm nhận tiền, ông làm một bữa chén vào buổi tối để tạ ơn thần linh thổ địa, ma bản ma nhà và mời bà con đến nâng chén chúc mừng ông như người nhặt được của.

Sáng hôm sau, ông Lường dậy thật sớm cuốc bộ lên tận bản Nà Ben mua được cặp bò mẹ con về chăn thả hợp với tuổi già, hai anh em thằng Phớ tỏ vẻ không vừa lòng. Chúng đòi ông phải mua cho chúng một cái gì đó để kỷ niệm tiền bán đất. Ông Lường là người dễ tính, ông mua ngay cho hai thằng con trai mỗi đứa một cái xe máy Tàu. Xe máy đang là “mốt” mà. Đi làm ruộng, thồ củi thồ sắn, đi chợ mua bán hàng, thồ người đến bệnh viện... đều đi bằng xe máy cả, cái chân lười đi bộ lắm và xe máy còn đưa người đi quán cà phê, karaoke vào các buổi tối. “Hà hà... vùng đất ngủ hoang hóa đã thành rượu thịt, thành xe máy vi vu như lên cõi thần tiên”.

Hai anh em thằng Phớ từ ngày có xe máy, không chịu đi “chợ người” để kiếm tiền nữa. Cơm tối xong là rồng rắn vi vu đi chơi phố, gà gáy lần thứ hai vẫn chưa về. Vợ chồng ông Lường không biết con mình đi đâu, làm gì? Vào một buổi chiều đầy nắng và gió, bà Lanh ông Lường đang khâu chăn trên nhà thì nghe tiếng xe máy dưới sàn. Bà biết ngay đó là xe của thằng Phớ, tiếp đó là tiếng chân bước lên cầu thang kẽo kẹt. Theo sau Phớ là một cô gái mặt dài, tóc đen láy, chải vắt về phía sau trùm gần kín đôi vai.

- Cháu chào bác.

Bà Lanh trả lời và ngước mắt nhìn kỹ cô gái chừng hơn hai mươi tuổi còn có cặp lông mày cánh nỏ trên đôi mắt bừng sáng.

- Mẹ ơi! Đây là bạn gái của con. Hôm nay con đưa về thăm bố mẹ đấy! Nghe xong bà Lanh thấy bàng hoàng cả người.

- Tên cháu là gì?

Cô gái che miệng giấu nụ cười:

- Anh Phớ nói với mẹ hộ em đi.

- Vâng, cô ấy là Mai Xương mẹ ạ!

Cái tên nửa Kinh, nửa Thái làm bà Lanh thấy nó mượt mà mềm mại như cái lá lúa, lá rau vậy. Bữa cơm tối hôm ấy, có thêm người bạn gái của Phớ ngồi cùng ăn nên vui mâm vui bát lắm!

- Bố mẹ ơi, chúng con đã biết nhau, yêu nhau lâu rồi, xin bố mẹ cho chúng con được...

Phớ chỉ cần nói đến đây, Mai Xương đã hiểu, đã nắm được khát vọng của chàng trai mới lớn kém mình hai tuổi, chưa vợ. Phía sau sự phát triển đi lên của thành phố là những bụi bặm, những đèn mờ và những cô gái có nhan sắc hớp hồn đám con trai mới lớn đang thèm của lạ. Phớ và Mai Xương đã sống với nhau gần như vợ chồng. Ông Lường bàn với vợ: “Chờ xong mùa gặt là đi đăng ký và làm cưới cho chúng nó”.

Mai Xương về sống với gia đình ông Lường kém ba ngày đầy một tháng. Buổi tối hôm ấy, mọi người nhà đều có mặt thì Mai Xương thu xếp quần áo đòi đi khỏi nhà. Vợ chồng ông Lường ngơ ngác nhìn con trai, ý như muốn hỏi thằng Phớ?

- Thôi, mặc cô ấy bố mẹ ạ! Đã không thích nhau nữa thì muốn đi đâu thì đi.

Những ngày Mai Xương sống chung với gia đình, con trai ông đã có lúc chung chăn gối nên ông thấy mủi lòng và khó xử quá. Sáng hôm sau, cơm nước xong, Mai Xương vẫn cầm cái túi quần áo ngồi quanh bếp lửa, thỉnh thoảng lại lấy khăn lau nước mắt. “Hai bác ơi, cháu biết đi đâu, về đâu bây giờ? Khổ thân cháu quá!”. Mỗi lời nói của Mai Xương ông Lường thấy như mũi kim chích vào da thịt vừa thương vừa đau. “Trước khi ra khỏi nhà, cháu xin hai bác hãy giúp cháu... để làm vốn sống hai bác ạ!”. Ông Lường lật cái đệm ông ngủ lấy túi tiền.

- Thôi không được làm dâu bác thì cầm lấy để làm vốn sống.

Hai anh em thằng Phớ hồi này chịu làm lắm, có lẽ nó đang dần dần tỉnh ngộ. Cái ao hơn ngàn mét vuông được đào đắp tươm tất, hai ngàn cá giống đã thả, xung quanh bờ cỏ voi đang mượt mà xanh làm thức ăn cho bò, cho cá. Ông Lường đang ngắm chỗ để xây chuồng nuôi gà đẻ, gà thịt... cơ sở ban đầu để làm ra hàng hóa theo định hướng của thành phố.

Nhà ông Lường đang làm ăn yên ổn phát đạt thì sự bất ngờ lại ập đến, đó là sự quay trở lại của Mai Xương. Vào một buổi sáng trời lất phất mưa, một chiếc xe ôm đỗ dưới sàn nhà. Mai Xương ngồi phía sau, tay xách túi, tay bế con bước xuống, rồi tiếng chân lên cầu thang, tiếng chào hỏi rất tự nhiên. “Con chào bố mẹ, cháu chào ông bà!”.

Suốt đêm hôm ấy, trong đầu ông Lường cứ rối tung như mớ dây rừng, không biết đâu mà gỡ. “Sao ở đời lại có chuyện éo le thế này? Tiền, xe máy là cái gì nhỉ, hạnh phúc hay khổ đau? Giá như mảnh đất của mình nó cứ ngủ yên thì làm gì có chuyện rắc rối cơ chứ? Hay tại mình không biết sử dụng đồng tiền?”. Bà Lanh nằm cạnh chồng cứ thườn thượt thở dài. Rồi bà nhẩm ngày, tính tháng xem có phải con thằng Phớ? Ông Lường bảo vợ:

- Thôi, con cá ở đâu vào ao nhà mình là của mình rồi, không thể vứt nó đi được. Là con ai thì nó vẫn là người, nó có tội gì đâu, người là vốn quý đấy bà ạ! Cứ để cả mẹ con nó ở đây. Nếu hai đứa nó bằng lòng quay lại với nhau thì để tôi dẫn lên phường xin ông chủ tịch cho nó cái giấy rồi về làm vài mâm kính cáo tổ tiên và dân bản là xong thôi mà!...

Hạnh phúc của đôi trẻ tuy có chút “trục trặc” nhưng cuối cùng thì cũng như đũa có đôi. Ông bà Lường quý đứa cháu nội của mình lắm và bà con trong bản cũng mừng cho ông bà...

Nguyễn Anh Quốc
Bình luận
Back To Top