Nâng cao chất lượng bản văn hóa ở Điện Biên Đông

09:48 - Thứ Sáu, 15/07/2016 Lượt xem: 3924 In bài viết
ĐBP - Trong những năm qua, huyện Điện Biên Đông đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, bản văn hóa. Phong trào này đã góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội thôn, bản, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần, vật chất cho người dân ở cộng đồng dân cư; đẩy lùi hủ tục, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa các dân tộc. Đạt tiêu chí bản văn hóa góp phần xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, một số tiêu chí cơ bản quan trọng để đạt danh hiệu bản văn hóa thì nhiều bản không đạt, chất lượng bản văn hóa chưa được như mong muốn.

Ông Nguyễn Trọng Dũng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Điện Biên Đông, cho biết: Đến tháng 6/2016, toàn huyện có 142/243 bản được công nhận đạt danh hiệu bản văn hóa. Hiện nay, ở huyện Điện Biên Đông mỗi phòng ban, đơn vị, tổ chức đoàn thể huyện được phân công theo dõi phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của một xã. Phòng Văn hóa - Thông tin là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phong trào cấp huyện. Phòng Y tế theo dõi xã Phình Giàng, Phòng Nội vụ xã Na Son, Phòng Tài Nguyên và Môi trường xã Sa Dung, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội xã Tìa Dình, Công an huyện xã Phì Nhừ... Hàng năm, các phòng ban, tổ chức đoàn thể huyện phối hợp với chính quyền các xã bình chọn và chấm điểm những bản đăng ký xây dựng bản văn hóa dựa trên 5 tiêu chí bản văn hóa, sau đó đề nghị UBND huyện xét công nhận.

Ông Sùng Vả Chống, Bí thư Đảng ủy xã Keo Lôm, cho biết: Xã có 25 bản, trong đó 7 bản đạt danh hiệu bản văn hóa. Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã là 886/1.200 hộ, chiếm 73,8%. Có 7 bản đạt danh hiệu bản văn hóa: Xam Măn, Suối Lư 1, 2, 3, Tìa Ghênh A, B, C. Là bản được công nhận đạt danh hiệu văn hóa nhưng bản Suối Lư 3 có một số tiêu chí quan trọng không đạt. Trưởng bản Suối Lư 3, Lò Văn Ông, cho biết: Bản có 69/72 hộ thuộc diện hộ nghèo, chiếm 95,8%, hầu hết các gia đình đều không có 2 công trình hợp vệ sinh (nhà tiêu, nhà tắm). Nhiều gia đình vẫn thả rông gia súc, gia cầm và buộc trâu, bò dưới gầm sàn nhà. Vệ sinh môi trường thôn, bản chưa sạch, chưa có hệ thống tiêu thoát nước thải sinh hoạt, rác sinh hoạt vứt bừa bãi, phân gia súc tại nhiều gia đình và trong bản chưa được dọn vệ sinh. Gia đình Trưởng bản Lò Văn Ông cũng chưa làm nhà tiêu, nhà tắm. Nguyên nhân do dân số trong bản đông, các gia đình ở sát nhau, không có đất làm chuồng trại gia súc và nhà tiêu. 

Xã Pu Nhi có 20 bản, trong đó 11 bản được công nhận danh hiệu bản văn hóa. Nhưng tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã chiếm 73,5%. Bản văn hóa Nậm Ngám C có 25/39 hộ thuộc diện hộ nghèo, chiếm 64,1%, hơn 70 số hộ không có nhà tắm và nhà tiêu. Một số bản văn hóa tại các xã: Tìa Dình, Háng Lìa, Phì Nhừ, Noong U tình trạng hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao, số hộ không làm nhà tiêu, nhà tắm, nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn nhà, hoặc nhốt gần nhà diễn ra khá phổ biến. Nhiều hộ sinh con thứ 3, tảo hôn, kết hôn không đăng ký, người chết chưa chôn cất tập trung. Tổ chức đoàn thể cơ sở (chi hội phụ nữ, chi đoàn) ít sinh hoạt, phong trào và hoạt động của hội ở cơ sở còn yếu kém; nhiều bản chưa có nhà văn hóa cộng đồng...

Chị Lò Thị Chuyên, chuyên viên phụ trách phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Điện Biên Đông, cho biết: Trong 5 tiêu chí đạt danh hiệu bản văn hóa có tổng 24 mục với tổng điểm được chấm là 100. Bản đạt 95 điểm trở lên sẽ được xét công nhận bản văn hóa. Cụ thể, tiêu chí 1, được chấm tổng 20 điểm, trong mục a của tiêu chí 1 nêu: Thực hiện tốt cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn mức bình quân chung của huyện, nếu đạt sẽ được chấm 12 điểm. Tiêu chí 3 được chấm tổng điểm là 10, mục a của tiêu chí 3 nêu: Có tổ thường xuyên quét dọn vệ sinh, thu gom rác thải về nơi xử lý tập trung theo quy định (được chấm 2 điểm); mục b, tiêu chí 3 nêu: Tỷ lệ hộ gia đình có 3 công trình hợp vệ sinh (nước sạch hoặc nước hợp vệ sinh, nhà tắm, nhà tiêu) đạt chuẩn cao hơn mức bình quân chung (được chấm 4 điểm). Chỉ không đạt vài tiêu chí nêu trên bản đăng ký xây dựng văn hóa đã mất 18 điểm, không còn đủ 95 điểm như quy định, vậy mà nhiều bản vẫn được công nhận danh hiệu bản văn hóa.

Công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, bản văn hóa sẽ cổ vũ, động viên, khích lệ nhân dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa. Tuy nhiên, nếu nới lỏng các tiêu chí, đánh giá chưa đúng thực tế làm cho chất lượng bản văn hóa không được như mong muốn thì hiệu quả khuyến khích động viên sẽ không cao. Bản văn hóa là nơi cộng đồng dân cư có cuộc sống no ấm, gia đình hạnh phúc tiến bộ, nếp sống văn minh, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; vì vậy danh hiệu bản văn hóa cần được tôn vinh đúng, giữ đúng giá trị thật.

Tiến Dũng
Bình luận
Back To Top