Bội thực truyền hình thực tế dành cho trẻ em

14:55 - Thứ Tư, 20/07/2016 Lượt xem: 3451 In bài viết
Sau âm nhạc, hài, đối tượng thiếu nhi giờ đang là “miếng mồi béo bở” của các chương trình truyền hình thực tế. Không riêng chỉ các chương trình chuyên biệt cho đối tượng này, mà ngay cả các chương trình có sự xuất hiện của các tài năng nhí cũng được khai thác một cách triệt để.

Chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

Thần tượng âm nhạc nhí 2016 (Vietnam Idol Kids) vừa kết thúc mùa lên sóng đầu tiên với chiến thắng của cậu bé hát đám cưới Hồ Văn Cường. Có thể xem cuộc thi đã thành công vang dội khi góp phần phát hiện ra nhiều tài năng nhí. Riêng trường hợp của Hồ Văn Cường - cậu bé chân đất quê Tiền Giang, dù còn rất nhỏ nhưng đã phải đi hát đám cưới phụ mẹ lấy tiền đóng học phí, đã lấy đi nước mắt của không ít khán giả. Dù sinh sau đẻ muộn so với nhiều cuộc thi ca hát dành cho đối tượng nhí nhưng Thần tượng âm nhạc nhí vẫn được đón nhận. Điều đó khẳng định, sân chơi này vẫn là mảnh đất màu mỡ để các đơn vị sản xuất tiếp tục khai thác. Trong lĩnh vực âm nhạc, từ ngày 23-7 tới đây, mùa thứ tư của Giọng hát Việt nhí lên sóng tập đầu tiên và kéo dài trong vòng 3 tháng.

 

Hồ Văn Cường - cậu bé chân đất đăng quang Thần tượng âm nhạc nhí mùa đầu tiên.

Nhìn vào thực tế hiện nay, các cuộc tranh tài dành cho thí sinh nhí thậm chí còn đa dạng hơn so với người lớn. Đình đám trên truyền hình hiện nay có thể kể đến: Gương mặt thân quen nhí, Người hùng tí hon, Siêu nhí tranh tài, Bố ơi! Mình đi đâu thế, Vietnam’s Got Talent, Bước nhảy hoàn vũ nhí... Một số chương trình  dạng gameshow hay thầm lặng hơn có thể kể đến: Con biết tuốt, Trẻ em luôn đúng, Con đã lớn khôn, Ước mơ của em... Bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Công ty Sóng Vàng, đơn vị đang thực hiện Gương mặt thân quen nhí và Con biết tuốt khẳng định các chương trình dành cho đối tượng gia đình giờ đang là lựa chọn hàng đầu của nhiều đơn vị sản xuất. Đó cũng là lý do, dù muốn có thêm phiên bản mới dành cho đối tượng nhí để đưa vào sản xuất nhưng đơn vị này chưa tìm kiếm được. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Bảo Trâm, Giám đốc Vietcomfilm (đơn vị vừa sản xuất Siêu nhí tranh tài), hiện cũng có trong tay một số chương trình mới về thiếu nhi nhưng đang trong thời gian xem xét, cân nhắc trước khi tiến hành sản xuất.  

Phiên bản truyền hình thực tế mới nhất dành cho đối tượng nhí có lẽ phải kể đến Siêu mẫu nhí - sân chơi dành cho các tín đồ thời trang nhí trong độ tuổi từ 4 - 8 có cơ hội thử thách mình trong các phần thi gắn liền với thời trang. Một câu hỏi đặt ra là, sau ca hát, nhảy múa, thời trang, hài... liệu chương trình truyền hình thực tế dành cho đối tượng nhí nào sẽ tiếp tục được đưa vào sản xuất và lên sóng?

Con đam mê hay cuộc chiến của cha mẹ?

“Không chỉ với trẻ em mà cả người lớn khi chạm vào hào quang đều dễ sa ngã. Nhiều em đoạt giải trong các cuộc thi là cả vấn đề, lúc đó trách nhiệm và xử lý đều nằm ở phía gia đình. Gia đình không uốn nắn hay đặt quá nhiều sự kỳ vọng, bon chen, áp đặt sẽ đều gây nên những tác động tiêu cực. Cũng vì gia đình mà nhiều em mắc bệnh ngôi sao”, bà Bích Liên nói. Theo bà Liên, sở dĩ các chương trình dành cho đối tượng nhí có sức hút đến như vậy bởi bản thân các em cũng như gia đình là những người được hưởng lợi rất nhiều. Các em được tự tin trước công chúng, khám phá năng khiếu nghệ thuật, được nhiều người biết đến, thậm chí giải thưởng tiền mặt cũng không hề nhỏ.

Liên quan đến yếu tố gia đình, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt, cho rằng đối với các em nhỏ, hoạt động học tập, vui chơi và rèn luyện mới là chủ đạo: “Thế giới showbiz không phải là mục tiêu, điểm đến để chúng ta cho con em mình quyết tâm bằng mọi giá bước vào đó. Có chăng đó chỉ là ước mơ của riêng ba mẹ”. Không ít ông bố bà mẹ vì mục tiêu của cá nhân mình mà cho con cái tham gia từ cuộc thi này đến cuộc thi khác và biến nó trở thành “cuộc chiến của người lớn” nhưng cuối cùng, các em chính là nạn nhân. Dù phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng bài học từ trường hợp của Phương Mỹ Chi cho đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị đối với bất cứ gia đình nào khi muốn con em mình tham gia truyền hình thực tế.  

“Khi các em đi thi chắc chắn việc học cũng như sức khỏe sẽ ảnh hưởng ít nhiều. Nếu các chương trình đều được tổ chức vào dịp hè sẽ là điều tốt nhất. Việc thi thố là sân chơi để cọ xát, để các em khám phá ra tài năng của mình và quan trọng hơn, để mang giá trị nghệ thuật đến cho công chúng chứ không phải để hơn thua”, bà Bảo Trâm nhận định. Trăn trở của bà Trâm cũng là câu hỏi được đặt ra từ rất lâu. Đơn cử nếu nhìn vào lịch phát sóng của Giọng hát Việt nhí 2016 - thời điểm khi các em mới bước vào năm học mới, với sức ép cuộc thi, có ai dám chắc nó không ảnh hưởng đến chuyện học hành?

Xin được kết lại bài viết bằng câu chuyện ca sĩ Thái Thùy Linh khi từng chứng kiến về một tài năng nhí: “Con đến sân khấu giống như robot vì phải chạy liền 4 - 5 show trong khi ba mẹ đi theo có nhiệm vụ cầm đĩa, ngồi quạt mát... Thậm chí khi ngồi uống sữa hay lên sân khấu, mọi thứ hoàn toàn vô thức. Thử hỏi, với tình trạng chạy show như thế, làm sao để tập trung vào việc học? Tôi luôn chủ trương các bé không học theo nghệ thuật khi nước mắt cứ lã chã rơi”.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top