Khai quật khảo cổ 2 di tích lịch sử nhà Trần tại Quảng Ninh

09:32 - Thứ Ba, 26/07/2016 Lượt xem: 3895 In bài viết
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa cho phép Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội khai quật khảo cổ tại di tích lăng Phụ Sơn (lăng vua Trần Dụ Tông), lăng Tư Phúc thuộc xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh từ ngày 5/8-5/11/2016.

 
 Khai quật tại di tích lăng Phụ Sơn năm 2012.
Theo đó, khai quật khảo cổ tại di tích lăng Phụ Sơn trên diện tích 500 m². Chủ trì khai quật là ông Đặng Hồng Sơn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đồng thời, khai quật khảo cổ tại di tích lăng Tư Phúc trên diện tích 600 m². Chủ trì khai quật là ông Nguyễn Văn Anh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trong thời gian khai quật, các cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa. Những hiện vật thu được trong quá trình khai quật phải được tạm nhập vào Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh để giữ gìn, bảo quản.

Sau khi kết thúc đợt khai quật, chậm nhất 3 tháng, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Quảng Ninh và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phải có báo cáo sơ bộ và sau 1 năm phải có báo cáo khoa học gửi về Cục Di sản văn hóa. Khi công bố kết quả của đợt khai quật, các cơ quan được cấp giấy phép cần trao đổi với Cục Di sản văn hóa.

Được biết, di tích lăng Phụ Sơn là nơi an táng vua Trần Dụ Tông, vị vua thứ 7 đời nhà Trần, tên húy là Trần Hạo. Ông sinh ngày 19 tháng 10 năm Bính Tý (1336). Lên ngôi năm 6 tuổi (Tân Tỵ - 1341), ở ngôi 28 năm. Ngày 25 tháng 5 năm Kỷ Dậu (1369) băng ở chính tẩm, thọ 34 tuổi. Tháng 11 táng vào Phụ Sơn Lăng ở An Sinh, Đông Triều.

Thị xã Đông Triều được chính sử ghi là quê gốc nhà Trần, sau chuyển về Nam Định rồi phát tích đế vương từ đây. Do vậy sau này nhà Trần đã chọn vùng đất quê gốc để xây dựng lăng mộ cho 11 vị Tiên đế, như: Lăng Tư Phúc (thờ thần vị vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Phế Đế), Đồng Thái Lăng (an táng vua Trần Anh Tông và phụ táng Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng Thái hậu), Mục Lăng (an táng vua Trần Minh Tông), Ngải Sơn Lăng (an táng vua Trần Hiến Tông), Phụ Sơn Lăng (an táng vua Trần Dụ Tông), Nguyên Lăng (an táng vua Trần Nghệ Tông), Đồng Hỷ Lăng (an táng vua Trần Duệ Tông và Trần Thuận Tông) cùng nhiều công trình tín ngưỡng, tôn giáo linh thiêng khác, như: Điện An Sinh (Đền Sinh), Đền Thái (Thái miếu của nhà Trần)... Trải qua thời gian và biến động của thiên nhiên, hầu hết các khu lăng mộ trên đều bị hỏng.

Theo VGP News
Bình luận
Back To Top