Công tác khai quật, sưu tầm và trưng bày cổ vật trống đồng

Quảng bá cho văn hóa - lịch sử

09:29 - Thứ Năm, 04/08/2016 Lượt xem: 8757 In bài viết
ĐBP - Gần 10 năm rồi mà trung tá Phạm Hồng Sơn - Đội trưởng Đội Hình sự - Kinh tế, Công an huyện Mường Ảng - vẫn nhớ như in vụ anh cùng đồng đội khám phá chuyên án thu hồi trống đồng cổ do Công an huyện Mường Ảng thực hiện (02/2008). Anh bảo: Cũng vì đó là chuyên án điển hình, liên quan đến di vật cổ và loại án này không nhiều. Nếu là án kinh tế hay án ma túy, khó mà nhớ nổi dù chỉ một cái tên đối tượng...

Câu chuyện của trung tá Phạm Hồng Sơn đưa tôi về vùng quê thuộc bản Co Sáng, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng; đó là một triền đồi mang địa danh tiếng Thái đen là “Pá Ban”. Phiên âm sang tiếng phổ thông “Pá Ban” có nghĩa là “Rừng Ban”, tuy nhiên, khi chúng tôi tới thì khắp triền đồi phơi ra một màu đất đỏ, không còn bóng dáng bất kỳ một cây ban nào, dù nhỏ. Thời gian trôi đã khá lâu và thời gian xóa đi mọi thứ, đến nỗi chính trung tá Phạm Hồng Sơn cũng chỉ nhớ mang máng chỗ mà anh cùng Ban chuyên án phát hiện một số đối tượng săn tìm cổ vật đến từ các tỉnh bắc miền Trung.

 

Một số trống đồng cổ phát hiện trên địa bàn Điện Biên, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Dân tộc tỉnh.

Trong hồ sơ lưu trữ của Công an huyện Mường Ảng, còn đó Báo cáo số 145/BC-CAH ngày 22/4/2008 của Công an huyện Mường Ảng, về kết quả phát hiện và thu giữ trống đồng cổ tại khu vực đồi Pá Ban, xã Ẳng Nưa. Theo đấy, ngày 26/02/2008, Công an huyện Mường Ảng nhận được tin báo ông Lò Văn Mụ ở bản Co Sáng, xã Ẳng Nưa, đào được 2 chiếc trống đồng cổ, tại khu vực đồi Pá Ban xã Ẳng Nưa. Cùng ngày, Công an Mường Ảng bàn giao 2 chiếc trống đồng cho Bảo tàng Dân tộc tỉnh xử lý theo thẩm quyền. Tiếp đó, ngày 28/02/2008, Công an Mường Ảng nhận được tin báo có kẻ đào trộm trống đồng tại khu vực đồi Pá Ban, gần nơi trước đó ông Lò Văn Mụ đào được 2 trống đồng. Xác minh nguồn tin cho thấy tại khu vực đồi Pá Ban bản Co Sáng, có 2 hố đất dấu đào bới rất mới. Qua đấu tranh, phát hiện 6 đối tượng tại bản Co Sáng xã Ẳng Nưa, có hành vi đào trộm trống đồng.

Hơn một tháng sau, ngày 03/4/2008, Công an huyện Mường Ảng nhận được tin báo của công dân Lò Văn Phinh ở bản Co Sáng, xã Ẳng Nưa, về việc chính ông Lò Văn Phinh đào được trống đồng. Công an huyện đã phối hợp với chính quyền xã xác minh sự việc trên, kết quả là ông Lò Văn Phinh đã tự nguyện giao nộp hiện vật cho cơ quan chức năng. Sự việc chưa dừng lại, ngày 09/4/2008, Công an huyện Mường Ảng tiếp nhận tin báo có 3 đối tượng đã mang máy dò kim loại vào tìm trống đồng trên đồi bản Co Sáng. Ngay lập tức Công an huyện đã yêu cầu 3 đối tượng trên về trụ sở Công an huyện để làm rõ. đồng thời yêu cầu họ rời khỏi địa bàn. Tuy nhiên, ngày 13/4/2008, Công an huyện Mường Ảng lại nhận được tin báo của chính quyền xã Ẳng Nưa, về việc dư luận nhân dân cho biết 3 đối tượng vẫn tiếp tục dùng máy dò kim loại và đã khoanh vùng, định vị được các điểm có trống đồng. Trong lúc Công an huyện và chính quyền xã Ẳng Nưa đang kiểm tra, thì có đoàn sưu tầm cổ vật tỉnh Thanh Hóa và Hội Di sản Văn hóa Việt Nam xin vào khảo sát, nghiên cứu tại khu vực có trống đồng. Song Công an huyện đã mời họ ra khỏi khu vực trên, vì chưa có sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền. Tính đến ngày 14/4/2008, Công an huyện Mường Ảng đã phát hiện và thu giữ tổng số 12 trống đồng cổ và chuyển giao cho Bảo tàng Dân tộc tỉnh theo luật định.

Trong một tài liệu nghiên cứu, PGS. TS Trịnh Sinh - Viện Khảo cổ học Việt Nam, cho biết: Xét về thuật phong thủy, sườn đồi Pá Ban, xã Ẳng Nưa là nơi an táng khá đẹp theo đúng mô hình “tả thanh long, hữu bạch hổ”, phía trước lại có “minh đường”, nghĩa là đặt người chết tựa lưng vào sườn núi, bên trái có rồng xanh, bên phải có hổ trắng là những gò đống hay núi non ở cạnh, trước mặt lại có nguồn nước như khe lạch, suối, sông. Tại khu mộ cổ Làng Vạc (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An), người ta cũng tìm được những trống đồng thời văn hóa Đông Sơn, với những thế an táng như vậy. Có cơ sở để kết luận rằng các khu mộ nổi tiếng với những trống đồng tùy táng, nhìn chung có quy luật lưng tựa núi, mắt nhìn sông, như thuật phong thủy đã dạy.

Vẫn theo PGS. TS Trịnh Sinh: Các trống đồng phát hiện ở Pá Ban (Mường Ảng) còn giữ được những nét hoa văn của trống Đông Sơn (hoa văn ngôi sao nhiều cánh, vòng tròn đồng tâm, gạch ngắn song song, hình chim và người múa hóa trang cách điệu...). Điều đó được xem như một bằng chứng cho kết luận dạng trống này bắt nguồn từ trống đồng Đông Sơn. Tuy vậy, nhóm trống ở đây đã mang những yếu tố của trống đồng loại II Hê gơ, như sự xuất hiện hoa văn tam giác ở chân, hoa văn ô trám. Bên cạnh những yếu tố bảo lưu của trống Đông Sơn, trống ở Pá Ban còn có những yếu tố chuyển tiếp giai đoạn sang trống đồng loại III Hê gơ. PGS. TS Trịnh Sinh cho rằng: “12 chiếc trống đào được từ lòng đồi Pá Ban là bộ sưu tập rất có giá trị, không chỉ về mặt cổ vật với các đường nét hoa văn thẩm mỹ, mà còn giúp các nhà khoa học dựng lại bức tranh thời cổ ở một vùng Tây Bắc biên cương Tổ quốc”.

 

Bảo tàng Dân tộc tỉnh, nơi đang triển khai nhiều công trình nghiên cứu liên quan tới di vật trống đồng cổ.

... Lại nhớ hồi “Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ” chưa được đầu tư xây mới như hiện giờ, thỉnh thoảng tôi vào thăm và thấy một nhóm gồm 3 chiếc trống đồng cổ trong đó. Lần này, với ý định chụp ảnh những chiếc trống đồng cổ ấy, tôi lại tới “Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”. Nhưng thay vì thấy 3 chiếc trồng đồng cổ, thì tôi được thấy tận mắt 1 chiếc trồng đồng mới nguyên, màu đồng vàng xuộm, để trong phòng làm việc của ông Vũ Nam Hải - Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ. Ông Vũ Nam Hải cho biết: Đây là phiên bản của trống đồng Ngọc Lũ (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam), do Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Lam Kinh - Thanh Hóa, tặng tỉnh ta ngày 19/7/2014. Được biết phiên bản trống đồng Ngọc Lũ có đường kính 70cm tượng trưng cho 70 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (1944 - 2014), trên thân trống khắc nổi 5 hình ảnh tiêu biểu cho cuộc đời và những hoạt động có tính dấu mốc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cùng với phiên bản trống đồng Ngọc Lũ, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Lam Kinh - Thanh Hóa còn tặng một khẩu thần công đúc bằng đồng dài 60cm tượng trưng cho 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2014), một kiếm lệnh dài 65cm được đúc bằng đồng mạ vàng, tượng trưng cho 65 năm Đại tướng Võ Nguyên Giáp giữ ngôi Tướng lệnh.

Mới đây, như chúng ta đều biết: Ngày 17/7/2016, nhân dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh liệt sỹ (7/1947 - 7/2016), đoàn công tác tỉnh Thanh Hóa do đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - làm trưởng đoàn đã đến dâng hương, viếng các nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Điện Biên. Cũng chuyến thăm này, một lần nữa đoàn công tác tỉnh Thanh Hóa trao tặng Điện Biên chiếc trống phiên bản của trống đồng Đông Sơn (Thanh Hóa). Trống có chiều cao 60cm, đường kính 60cm, nặng 50kg, do các nghệ nhân của làng nghề truyền thống Đông Sơn chế tác, với những hoa văn trang trí mang đặc trưng của trống đồng cổ cũng như nền văn hóa Đông Sơn. Đáp lại thịnh tình của bạn, thay mặt lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Điện Biên, đồng chí Lê Thành Đô - ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - tặng đoàn công tác tỉnh Thanh Hóa bức tranh 3D mang chủ đề: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm Điện Biên”.

Để khép lại bài viết này, xin được dẫn quan điểm của bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Phòng Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Điện Biên - rằng: Tìm hiểu không gian phân bố trống đồng ở Điện Biên nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung, là việc làm cần thiết nhằm bổ sung những di vật đặc sắc và quý giá vào kho tư liệu vốn đã khá phong phú ở Bảo tàng tỉnh Điện Biên. Sau khi bảo quản, nghiên cứu, các di vật trống đồng sẽ được trưng bày nhằm quảng bá cho văn hoá - lịch sử của Điện Biên, góp phần tuyên truyền, giáo dục văn hoá truyền thống với đồng bào các dân tộc tỉnh nhà. Đó chính là mục tiêu xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, như Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã chỉ ra”...

Bài, ảnh: Thu Loan
Bình luận
Back To Top