Suối Nậm Chia lại chảy xuôi dòng...

08:46 - Thứ Năm, 11/08/2016 Lượt xem: 3243 In bài viết
ĐBP - Trên vùng cao Nậm Chia cái rét mùa đông năm nay cứ như cái dây rừng kéo dài mãi. Mặt trời đi vắng, chỉ có sương mù gió núi. Có ngày rét đến thấu xương, chân tay cóc cáy tê buốt. Con trâu ngủ đêm phải “đắp chăn” cho nó, người già cả ngày không ra khỏi nhà. Ông Sùng A Sinh cũng vậy, nhìn ông như bó củi khô ngồi thu lu trên chiếc ghế mây bên bếp lửa.

Người Mông trên vùng đất Nậm Chia này coi ông như cây lim, cây táu khô giữa rừng già, là già làng già bản đứng đầu dòng họ. Từ việc xích mích nhỏ nhoi: con gà, con chó, quả trứng, lá rau... người già người trẻ trong bản đều tìm đến ông, hỏi ông cách giải quyết thế nào cho mọi người sống với nhau có tình dân nghĩa bản, đoàn kết vui chung giữa các dòng họ.

 

Người dân vùng đất Nậm Chia tôn trọng ông Sùng A Sinh ngoài chuyện tuổi tác còn có nhiều lý do khác nữa. Đó là chuyện họ Sùng nhà ông đã đến định cư định canh trên vùng đất này gần bốn đời người, có nhiều công khai hoang dựng bản. Ông thường kể với con cháu rằng: các cụ ta ngày xưa đến đây là một đầm cỏ môi cỏ lác ngút ngàn. Trên là cỏ dưới là nước là bùn sâu. Con trâu con ngựa không dám vào ăn cỏ. Loài trăn đất về đây làm tổ sinh ra nhiều trăn con lắm, nhưng không ai dám vào bắt nó đâu. Được sống trên vùng đất Nậm Chia lâu năm, nên ông Sùng A Sinh biết chắc chỗ nào là nước độc rừng thiêng. Theo ông thì vùng đất này màu mỡ lắm, dễ làm ăn lắm. Trồng cây ngô bắp to, hạt mẩy như viên sỏi. Một khóm lúa cho ăn đến mười bông gạo ngon cơm dẻo. Những năm Chính phủ chưa có lệnh cấm, gieo cái hạt xuống gặp trời mưa là cây thuốc phiện lên tốt nhiều đấy, mấy năm nay thì nhổ hết đi rồi. Con trâu, con ngựa, con dê... ăn cái cỏ vùng đất này lớn nhanh, đẻ được nhiều con lắm đấy.

Nước từ trong các khe núi chảy về tạo thành con suối Nậm Chia trong mát quanh năm. Con gái Mông tắm nước suối Nậm Chia da trắng như cái măng bóc nõn, mười một mười hai tuổi cái ngực đã như quả bứa quả vả, con trai thích đến tìm về làm vợ. Con trâu con ngựa tắm nước suối Nậm Chia, da lông mượt mà nhìn rất bắt mắt và cao giá nhất vùng đấy. Mỗi mùa thu hoạch nhà ai nhà nấy chất đầy thóc lúa, ngô đậu vàng rực trên nương... của ăn của để không biết cái đói là gì. Vì thế mà người Mông ở nhiều nơi về đây làm ăn lập nghiệp sinh sống mỗi năm một đông thêm, vui thêm. Mỗi mùa xuân về, cả một vùng Nậm Chia này rực lên màu hoa mận, hoa đào ai nhìn cũng thấy vừa con mắt. Bánh dầy mật ong thơm nức cả bản. Trai gái gọi nhau đi chơi xuân, đánh cù, đánh yến, lảy đàn môi, thổi khèn, thổi sáo gọi bạn tình, tưng bừng nhảy múa đông vui lắm, thiết tha lắm.

Vùng đất Nậm Chia có hai dòng họ: họ Sùng và họ Và. Người đứng đầu họ Sùng là ông Sùng A Sinh. Người đứng đầu họ Và là ông Và Trống Lềnh. Sống với nhau lâu thân thiết như một nhà nên bà con dân bản thường gọi là ông Và Lềnh. Thời thơ ấu ông Sùng A Sinh và ông Và Lềnh là hai người bạn như hai ngón tay trên bàn tay. Chăn trâu chung một cái nương cái ruộng. Nuôi con chim Lục pít chung một cái lồng. Củ sắn củ khoai bẻ làm đôi, và chung sức chung tay giúp nhau cây gỗ, phên tranh dựng cái nhà mới. Khi hai người trưởng thành có vợ có con, họ còn hứa với nhau: sau này thằng Và Lú con trai ông Và Lềnh biết đi cày cái ruộng cái nương, biết cầm súng lên rừng săn con gấu con nai sẽ lấy cái Seo Pàng con gái ông Sùng A Sinh. Hai dòng họ kết thành thông gia bó bện lấy nhau như cái thừng cái chão bằng dây lanh bền chặt mãi mãi. Con trai con gái họ nhiều người được thành vợ thành chồng xây đắp cho mảnh đất Nậm Chia này thật giàu, thật đẹp mãi lên.

Cuộc sống đang bình yên no ấm cho người Mông, cho hai dòng họ thì nước suối Nậm Chia như... chảy ngược lại. Ông Sùng A Sinh cứ buồn rười rượi. Nhìn dáng vẻ ngồi thu lu bên bếp lửa, nét mặt trầm tư đủ thấy trong đầu ông đang có nhiều điều suy nghĩ mông lung lắm, day dứt lắm. Nhiều lúc ông còn tỏ vẻ lạnh nhạt với ông Và Lềnh. Ông suy đoán: “Cái bụng của Và Lềnh nó không tốt với ta nữa rồi. Không giữ đúng lời hứa kết bạn với nhau ngày xưa nữa rồi. Nó đang định gây ra cái chuyện động trời ở cái vùng đất Nậm Chia này hay sao? Sùng A Sinh và Và Lềnh đều là hai quả núi vùng đất này, chưa biết núi nào cao núi nào thấp?”.

Vào một ngày ông Sùng A Sinh đi làm nương đầu vụ cái tai đã nghe được mấy người già bàn tán: Và Lềnh che giấu cho kẻ xấu bụng lén lút truyền đạt sai cái lý của Nhà nước mình. Nó nói: người Mông đi theo Mo Vàng, trồng ngô bắp to như bắp chuối, hạt mẩy to bằng cái móng chân con nai con hoẵng. Mo Vàng là người trời xuống cai quản người Mông cả phần xác lẫn phần hồn?... Sùng Chô con trai ông Sùng A Sinh đang cày nương hớt hải chạy về gọi bố:

- Bố ơi, bên bản Pua Xa có hơn mười nhà thịt hết gà chó, đốt quần áo bàn thờ và bỏ đi từ lúc ông mặt trời sắp khuất núi từ hôm qua rồi, có cả người họ Sùng nhà mình nữa đấy!

Nghe Sùng Chô nói, mặt ông Sùng A Sinh như tức giận lắm. Ông nói với Sùng Chô:

- Thế này thì rừng lại nổi gió bão rồi. Mày đi báo ngay cho xã biết và về đây ngay đưa tao sang bên đó thăm hỏi bà con xem sao?

Hai bố con ông Sùng A Sinh lưng đeo dao, vai khoác súng kíp vượt qua các sườn núi sang bản Pua Xa. Từ mé núi bên kia thấy một tốp người đang ngồi dưới nắng. Ông khum hai bàn tay gọi to, âm thanh vọng vào vách núi:

- Bà con ơi đừng đi nữa! Hãy quay về với cái bản cái nương thôi! Tôi là Sùng A Sinh sang thăm, sang đón bà con đây!

Khi tiếp cận, Sùng A Sinh được bà con kể cho nghe: Và Lềnh nó bảo có người nói rằng cuộc sống thiên đường của người Mông ta là ở phía mặt trời lặn. Đến đấy Mo Vàng cho ăn ngon, mặc quần áo người Mông thật đẹp. Mo Vàng còn cho mỗi người lớn một cái đài, đi nương tha hồ nghe người Mông từ xa hát hay lắm.

Như bức màn che phủ bọn xấu bụng dần dần được vén lên. Ông Sùng A Sinh hỏi mấy già bản:

- Và Lềnh có về cùng với bà con dân bản, hay nó đi đường nó rồi?

- Ôi, chúng ta chả biết nữa. Bà con bảo: cái mắt Và Lềnh nó bị mù, cái đầu Và Lềnh có đầy phân ngựa, ăn phải bả của ké xấu bụng nên óc mới tối như óc con bò cái ấy.

Hai bố con ông Sùng A Sinh dẫn bà con trở lại bản cũ, cùng với cán bộ xã bảo mọi người sắp xếp, quét dọn nhà, bày lại bàn thờ. Xã tạm cấp gạo, cấp muối cho bà con. Ông Sùng A Sinh nói với mọi người từ nay về sau chớ nghe bọn xấu bụng bỏ nhà bỏ bản ra đi là đói khổ lắm đấy! Còn Và Lềnh cứ để đấy, ông sẽ có cách thuyết phục nó. Theo ông Sùng A Sinh nghĩ thì Và Lềnh là người tốt bụng đi theo Chính phủ gần hết cuộc đời. Và Lềnh đã một thời cùng với Sùng A Sinh cầm súng đánh phỉ bảo vệ căn cứ cách mạng, không lẽ bây giờ nó lại đi sai đường? Nhất định ta phải đi tìm bằng được Và Lềnh, nói cho nó biết điều hay lẽ phải theo cái lý của Mông ta.

Mặt trời đang dần khuất núi phía tây, nắng quái chiều hôm vàng rực trên các triền núi óng ánh như mặt gương. Trên đường về tâm trạng ông Sùng A Sinh có cả cái vui, cái buồn. Ông vui vì bà con dân bản Pua Xa đã thấy âm mưu thâm độc của kẻ xấu bụng, quay về bản cũ sinh sống làm ăn, ông buồn vì kẻ xấu bụng vẫn còn giấu mặt. Từ trên triền núi nhìn về bản, Sùng A Sinh thấy nhà mình đang đỏ lửa, có lẽ vợ Sùng Chô và con Seo Pàng đã đi nương về. Trên đỉnh núi Pú Cài vẫn còn những tia nắng vàng nhạt.

Giờ thì suối Nậm Chia lại chảy xuôi dòng...

Truyện ngắn của Nguyễn Anh Quốc
Bình luận
Back To Top