Người Dao Huổi Só “giữ hồn” văn hóa

08:57 - Thứ Năm, 11/08/2016 Lượt xem: 3555 In bài viết
ĐBP - Không giống như nhiều dân tộc thiểu số khác ở vùng cao, dù có sự giao thoa giữa các nền văn hóa và lối sống hiện đại song những chị, em dân tộc Dao (ngành quần chẹt) từ trẻ nhỏ đến các cụ già ở Huổi Só, huyện Tủa Chùa vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc mình. Đặc biệt là việc may vá, thêu hoa văn trên những tấm áo chàm...

 

Bà Phàn Thị Ọi và con gái dệt vải làm trang phục.

Trên con đường rải cấp phối dẫn đến trung tâm xã Huổi Só, chúng tôi gặp từng tốp phụ nữ dân tộc Dao, có nét đặc biệt là dù từ trẻ nhỏ đến người già đều mặc trang phục truyền thống dân tộc mình. Khác với người Dao đỏ, Dao tiền… đồng bào Dao ở Huổi Só thuộc ngành quần chẹt, bởi chiếc quần thường người dân mặc theo kiểu bó ống. Ghé thăm một gia đình có nhóm chị em đang tỉ mẩn, cẩn thận từng động tác trên khung dệt. Bà Phàn Thị Ọi (thôn 2, xã Huổi Só) dừng đưa thoi và nói về công việc của mình: Người Dao quần chẹt đến nay vẫn còn giữ được nhiều phong tục tập quán từ ngàn xưa, thể hiện triết lý sống cao đẹp với các nghi lễ, phong tục truyền thống đặc sắc. Hầu hết phụ nữ Dao quần chẹt vẫn mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt hàng ngày, trong khi nam giới hầu như không còn giữ được nét văn hóa này. Trong dòng họ, gia đình, các mẹ, các bà là người truyền nghề dệt, thêu thùa cho con cháu. Vì vậy, phụ nữ có vai trò quan trọng, trực tiếp gìn giữ, lưu truyền nét đẹp truyền thống. Đặc biệt, từ bé, các em nhỏ đã được bà, được mẹ dạy may vá, thêu thùa, đến tuổi trăng tròn thì đã có thể tự may trang phục cho bản thân. Vì thế, tôi cũng truyền dạy cho các con gái từ cách se chỉ, luồn kim, đưa thoi… đến khi làm ra thành phẩm. Ngắm sản phẩm của cô con gái Lý Thị Gậy, gương mặt bà Ọi rạng rỡ hẳn lên. Bà khoe: Nó là con gái lại vừa là học trò của tôi đấy. Trong gia đình, các con, cháu đều do tôi dạy cả, đứa nào cũng khéo tay nên học nhanh và làm đẹp lắm. Năm nay, tuy bà đã bước qua tuổi thất thập nhưng đôi tay vẫn chưa muốn nghỉ ngơi. Đôi mắt vẫn dõi theo từng đường kim mũi chỉ của các con, các cháu.

Không cầu kỳ như trang phục của người Dao tiền, Dao đỏ với nhiều hoa văn thêu hình hoa lá, muông thú, chim chóc hay chiếc khăn quấn quanh đầu màu đỏ sặc sỡ, trang phục của người Dao quần chẹt ở Huổi Só giản đơn và gắn với thực tế cuộc sống hàng ngày. Thân áo lấy màu chàm làm chủ đạo được cắt đuôi tôm, trước ngực có tua chỉ hồng và sườn trái đính hàng khuy, cúc bạc kín đáo. Kết hợp với chiếc quần dài bó ống thuận tiện cho di chuyển, sinh hoạt. Bao đời nay, tấm vải chàm đã gắn liền với cuộc sống người Dao, trở thành nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc nơi đây. Vào mùa xuân, trai gái trong bản rủ nhau lên nương gieo hạt bông. Đến mùa thu hoạch, những gùi bông lại được mang về để kéo sợi, xe tơ, dệt nên những tấm vải vuông vắn. Đôi trai gái gặp nhau vào vụ bông, rồi bông đậu quả, nở trắng cũng là lúc họ nói lời yêu thương. Qua bao lần ước hẹn, khi bông đã được kéo thành sợi, dệt thành tấm vải, thêu thành áo, thành khăn thì họ cũng nên duyên vợ chồng. Chính vì vậy mà tấm vải chàm được ví như là sợi dây tơ hồng kết nối những mối lương duyên ở Huổi Só.

Đi khắp các thôn, bản ở Huổi Só, đâu đâu cũng nghe lách cách tiếng thoi đưa trên khung cửi. Dù hiện nay, nguyên liệu bán ở chợ song người Dao Huổi Só không thích mua vải có sẵn mà dệt theo cách thủ công rồi nhuộm chàm. Tuy trang phục không cầu kỳ về hoa văn họa tiết nhưng để hoàn thành một bộ lại rất kỳ công, mất nhiều thời gian. Một bộ trang phục như vậy, chị em phải làm từng bước, từ se sợi rồi dệt vải, sau đó mới cắt, may, thêu hoa văn. Để có chàm nhuộm vải, phải ngâm trong nước, để cho lắng lọc mới gạn được cao chàm. Trước khi cho vải vào nhuộm, phải ngâm vào nước lã rồi mới ngâm nước chàm khoảng nửa giờ và đem phơi. Làm như vậy nhiều lần đến khi nào được màu vải ưng ý mới thôi. Trong các công đoạn trên thì thêu là khó nhất, đòi hỏi sự tinh tế, khéo léo. Chỉ cần nhìn vào những hoa văn trên trang phục là biết ngay người con gái đó có khéo léo, đảm đang hay không. Từ mảnh vải nhuộm chàm thô ráp, qua đôi tay khéo léo của các chị, em mà trở nên đặc sắc với những hoa văn tinh tế. Những họa tiết này không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn ẩn chứa trong đó ước vọng làm chủ thiên nhiên, khao khát cuộc sống ấm no, hạnh phúc.Trang phục của người Dao quần chẹt chủ yếu được thêu hoa văn ở tà, lưng, gấu và cổ áo. Người thêu không thêu theo hình mẫu có sẵn mà thêu theo trí tưởng tượng, có khi là cả một vạt rừng hay bạt ngàn bãi lúa nương ngô... Ở Huổi Só không chỉ bà Phàn Thị Ọi mà còn nhiều mẹ, nhiều chị khác đã gắn bó với nghề dệt 20, 30 năm nay.

Bà truyền nghề cho mẹ, mẹ lại truyền nghề cho con... Cứ thế, từ đời này sang đời khác, đồng bào dân tộc Dao ở Huổi Só đã lưu giữ, bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đặc biệt là nghề dệt, may trang phục, đây cũng là cách để các thế hệ con cháu ngành Dao quần chẹt tiếp nối truyền thống văn hóa dân tộc.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top