Đừng để trò chơi ảo “xâm lăng” thế giới thực

15:44 - Chủ Nhật, 14/08/2016 Lượt xem: 2771 In bài viết
Những ngày qua, dù thời tiết nắng nóng khó chịu, nhưng giới trẻ ở Hà Nội vẫn không ngại lao ra đường để bắt những con Pokémon ảo. Một số địa điểm trung tâm thành phố lúc nào cũng nườm nượp “thợ săn”. Tay lăm le điện thoại với sự tập trung cao độ, họ phi xe lên vỉa hè, lao vào vườn hoa, thậm chí xông cả vào các cửa hàng, nhà dân để tìm bắt “thú ảo”. Cảnh này cũng đang phổ biến ở không ít địa phương, như: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ… Qua đó đủ thấy, trò chơi Pokémon GO dù mới chính thức nhập vào Việt Nam khoảng một tuần, song đã tạo cơn sốt khó tưởng tượng. Tuy nhiên, cùng với sức hấp dẫn, trò game này cũng gắn liền những ẩn họa khó lường.

Theo các nhà sản xuất game, Pokémon GO được thiết kế với chiến thuật chơi khá đơn giản, đồ họa không phải quá xuất sắc, cách tương tác với màn hình cũng không có gì mới. Nhưng điểm khác biệt làm nên sức hấp dẫn là lần đầu người chơi được tiếp cận một trò chơi sử dụng ứng dụng tương tác ảo khi thế giới trong tưởng tượng về những con thú không có thật đã được cụ thể hóa một cách sinh động, kết nối với những địa điểm ngoài đời thực, thúc đẩy tâm lý muốn cạnh tranh, chinh phục của người chơi, khiến càng chơi càng ham. Thêm nữa, hiệu ứng đám đông đã giúp thổi bùng sức lan tỏa, độ càn quét của Pokémon GO hơn bao giờ hết. Có thể Pokémon GO ban đầu xuất phát từ mong muốn tích cực của những người sáng tạo, giúp người chơi game được giải trí, vận động cơ thể, chứ không ngồi lỳ một chỗ. Tuy nhiên, khi được hưởng ứng một cách thái quá, cũng chính những yếu tố tích cực này đã làm phát sinh nhiều vấn đề khó kiểm soát mà ngay những người tạo lập game cũng không thể lường hết.

Chỉ tính riêng việc dành vài giờ một ngày săn Pokémon cũng đã dẫn đến hệ quả mất thời gian, chi phối sự tập trung của người chơi dành cho công việc, học tập, làm giảm hiệu suất lao động, gây căng thẳng thần kinh, ảnh hưởng tới sức khỏe. Diễn đàn Webtretho những ngày qua đã ghi nhận trường hợp một phụ huynh loan báo có con học lớp 7 mất tích, nhưng hóa ra vì mải lùng Pokémon nên quên giờ về nhà. Một cô giáo mầm non cũng đã bị nhà trường kỷ luật vì chơi Pokémon GO và quên đón trẻ vào lớp… Đó là chưa kể, trò chơi này đòi hỏi người chơi di chuyển nhiều trên đường phố, nhưng nhiều khi họ tập trung vào điện thoại, gây mất an toàn giao thông. Trên thực tế, nhiều game thủ vừa chơi, vừa điều khiển phương tiện đi lại. Do đó, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, như bị cướp giật, tai nạn và làm ảnh hưởng đến việc lưu thông của những người đi đường khác. Những ngày qua, trên nhiều tuyến đường, cảnh sát giao thông đã phải liên tục nhắc nhở và xử phạt nhiều người đi mô-tô, xe máy điện và người đi bộ vi phạm quy định an toàn giao thông do mải chơi Pokémon GO. 
Điều đáng nói là trước khi trò chơi này nhập vào nước ta, các báo, đài đã cảnh báo về những mặt trái và các tác động tiêu cực của nó, nhưng thực tế số vụ vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn tăng đột biến và những cảnh “chướng tai, gai mắt”, trái khoáy do người chơi thiếu ý thức gia tăng, nhất là ở các địa điểm công cộng, gây phiền nhiễu, làm xáo trộn cuộc sống và sinh hoạt, thậm chí xâm phạm đời tư của người dân. Cụ thể là việc nhiều game thủ cùng tập trung “săn thú”, tranh giành nhau ồn ào ở cùng một địa điểm, khó kiểm soát an ninh và dễ dẫn đến xô xát... Pokémon GO còn trở thành miếng mồi béo bở để một số kẻ trục lợi qua việc bán tài khoản game hay vận hành dịch vụ “săn thú” thuê.
Chính vì những tác động tiêu cực nêu trên mà nhiều nước trên thế giới như: Nga, I-xra-en, I-ran... đã có lệnh cấm toàn diện hay một phần đối với Pokémon GO. Ở nước ta, một số cơ quan như trường học, bệnh viện… cũng quy định cấm cán bộ, nhân viên chơi Pokémon GO. Về bản chất, Pokémon GO chỉ để giải trí, nếu biết chơi đúng lúc, đúng chỗ, người chơi sẽ được hưởng lợi từ các giá trị tích cực của game. Nguy hiểm chỉ phát sinh khi người chơi không thể làm chủ bản thân, bỏ qua các nguyên tắc tự bảo vệ chính mình và những người chung quanh do quá mải mê chơi. Các ban, ngành chức năng, đặc biệt là nhà trường, gia đình cần đưa ra các khuyến cáo và định hướng hành vi đối với giới trẻ, giúp họ nhận ra mức độ tương tác với game thế nào là hợp lý và chơi game một cách có văn hóa và an toàn. 
Một trò chơi lên tới đỉnh cao rồi cũng sẽ đến lúc thoái trào. Nhưng việc cảnh báo, đưa ra những lời khuyên đối với những người chơi Pokémon GO vẫn là điều cần thiết, nếu chúng ta không muốn chứng kiến những sự cố đáng tiếc.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top