Lấp đầy khoảng trống tài năng

14:53 - Thứ Hai, 15/08/2016 Lượt xem: 3637 In bài viết
Sau nhiều năm bị ngắt quãng, cùng lúc hai đề án đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt. Đây được coi là tín hiệu mừng đối với các bộ môn nghệ thuật nước nhà khi bài toán về nhân lực chất lượng cao đang có cơ hội được gỡ rối.

Đãi ngộ tài năng

Công tác đào tạo và tuyển dụng nhân lực cho nghệ thuật trong những năm gần đây gặp rất nhiều khó khăn; đặc biệt các loại hình như xiếc, múa và nghệ thuật truyền thống lại càng hiếm hoi để tìm được những người có năng khiếu bẩm sinh. Vì thế Bộ VH-TT-DL đã đưa ra nhiều giải pháp như đặt hàng đào tạo, hỗ trợ tìm kiếm, phát triển tài năng... hy vọng “gỡ rối” bài toán nhân lực.

 

Những tài năng trẻ sẽ được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết từ quý 2 và quý 3, các nhà hát nghệ thuật công lập và đơn vị đào tạo toàn quốc tổ chức tuyển sinh; trong đó tập trung tuyển các em có năng khiếu, vừa tốt nghiệp trung học cơ sở độ tuổi 14-15.

Các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống đề xuất số lượng thí sinh tuyển sinh, dựa trên nhu cầu thực tế. Học sinh sẽ được bao cấp toàn bộ kinh phí đào tạo, tiền ăn, ở và không phải đóng học phí trong suốt quá trình học tập. Sau đào tạo, các em sẽ trở thành diễn viên, nhạc công chuyên nghiệp; thí sinh được tuyển chọn ở địa phương nào phải trở về công tác tại đơn vị nghệ thuật thuộc địa phương đó.

Chương trình học được đổi mới theo hướng tinh giản, hạn chế những kiến thức hàn lâm, giảm thiểu bài giảng mang tính lý thuyết, dành nhiều thời gian cho việc học chuyên môn. Tạo điều kiện cho học sinh hoạt động thực hành biểu diễn nghệ thuật dưới sự hướng dẫn của giáo viên và các nghệ sĩ. Đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng trong công tác sử dụng trí thức, trọng dụng nhân tài, tận dụng được kinh nghiệm, khả năng chuyên môn của các nghệ sĩ lão thành, nâng cao chất lượng đào tạo các thế hệ nghệ sĩ biểu diễn kế cận...

Cùng việc tuyển sinh theo cơ chế đặt hàng, đề án đào tạo tài năng vừa được phê duyệt đã mở ra nhiều cơ hội mới đối với học sinh, sinh viên đang theo học các cơ sở văn hóa nghệ thuật trong nước có năng khiếu vượt trội về các lĩnh vực: âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, múa, xiếc và sáng tác văn học. Theo đề án này bên cạnh việc được học tập, làm việc với các nghệ sĩ, giảng viên trong nước, quốc tế uy tín, mỗi năm các em có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật âm nhạc được cử đi thực tập ngắn hạn ở các đơn vị nghệ thuật uy tín nước ngoài.

Tìm lại thời hoàng kim

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trường kỳ gian khổ, dù bộn bề khó khăn, thiếu thốn, công tác đào tạo tài năng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật được chú trọng đặc biệt. Nhiều thế hệ học sinh, sinh viên có năng khiếu ở các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đã được gửi sang học tập tại Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên và các nước thuộc khối XHCN ở Đông Âu.

Trong điện ảnh có thể ghi nhận những tên tuổi của các nghệ sĩ Bùi Đình Hạc, Nguyễn Hồng Sến, Nguyễn Hải Ninh, Đặng Nhật Minh, Trần Văn Thủy, Nguyễn Thanh Vân… Lĩnh vực âm nhạc với Tôn Nữ Nguyệt Minh và Ngô Văn Thành đạt kết quả cao tại cuộc thi âm nhạc quốc tế Tchaikovsky, Đặng Thái Sơn đoạt giải nhất cuộc thi piano thế giới mang tên Chopin… và những tên tuổi lớn như Trọng Bằng, Quang Hải, Đỗ Hồng Quân, Tạ Bôn, Ngô Hoàng Quân, Trần Thu Hà…

Mỹ thuật với những tên tuổi như: Diệp Minh Châu, Phạm Mười, Nguyễn Phước Sanh, Phan Gia Hương, Lê Huy Tiếp… Văn học với Trần Đăng Khoa, Nguyễn Đình Chiến... Những thế hệ đội ngũ cán bộ này ở đã phát huy tài năng, lao động cống hiến để tạo nên sự nghiệp văn hóa nghệ thuật phát triển nở rộ, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Song từ những năm 90 của thế kỷ trước việc đào tạo nhân lực ngành nghệ thuật ở nước ngoài bị gián đoạn vì thế đã để lại một khoảng trống trong lực lượng kế cận.

Trong một thời gian kéo dài hàng chục năm chỉ có hơn 20 người nhận được các suất học bổng đào tạo chuyên ngành ở nước ngoài. Vì thế, khi đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030 được phê duyệt với mục tiêu  lựa chọn và cử đi đào tạo ở nước ngoài gần 1.000 người cũng mở ra nhiều hy vọng mới cho các lĩnh vực âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, múa, xiếc, lý luận và sáng tác văn học... 

Theo kế hoạch, các đề án này sẽ được thực hiện từ năm 2017. Vụ Đào tạo, Bộ VH-TT-DL cho biết, các cơ sở đào tạo nước ngoài được lựa chọn trong đề án là những cơ sở uy tín, có thế mạnh đào tạo về văn hóa nghệ thuật thuộc các lĩnh vực. Như âm nhạc thì sẽ hướng tới nước Nga, Canada, Đức, Mỹ... múa thì Trung Quốc, Pháp... điện ảnh hướng tới những nước có nền điện ảnh tiên tiến như Mỹ, Australia, Hàn Quốc và một số nước khác, trong đó ưu tiên gửi đi đào tạo tái các cơ sở đã ký thỏa thuận với Bộ GD-ĐT về việc hỗ trợ kinh phí cho lưu học sinh Việt Nam. Cũng trong chiến dịch đào tạo này, lần đầu tiên, nhiều ngành học liên quan đến nghệ thuật cũng được đưa vào danh sách lựa chọn, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành trong thời kỳ mới, như chuyên ngành phục chế, bảo quản, quản trị công nghiệp sáng tạo...

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top