Những nỗ lực bền bỉ

08:56 - Thứ Năm, 18/08/2016 Lượt xem: 3996 In bài viết
ĐBP - Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, xếp hạng một di tích cần rất nhiều thời gian và công sức từ nghiên cứu, thẩm định… đến lập hồ sơ khoa học. Đằng sau những hiện vật, danh lam thắng cảnh được công nhận là di sản cấp tỉnh, cấp quốc gia không thể không nhắc đến sự đóng góp không nhỏ của những người nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học.

 

Người dân tham quan hang động Há Chớ, xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo sau khi được công nhận là di tích cấp quốc gia.

Sau nhiều năm nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ di tích danh lam thắng cảnh, thời gian qua, các hang động: Chua Ta (xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên), Khó Chua La (xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa), hang Há Chớ (xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo)... đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) thẩm định, quyết định xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia; Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm được công nhận di tích cấp tỉnh… Đó chỉ là một vài ví dụ nhỏ trong số rất nhiều hồ sơ đã được lập, nghiên cứu trên địa bàn tỉnh trong những năm qua. Việc lập hồ sơ khoa học để xếp hạng những di tích này do Bảo tàng tỉnh thực hiện. Trải lòng với chúng tôi về công việc của mình, chị Trịnh Thị Mai, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Theo quy định của Bộ VH-TT&DL, hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh phải đáp ứng nhiều yêu cầu. Trong đó, việc xếp hạng di tích trải qua nhiều quy trình, như: Có đơn đề nghị xếp hạng di tích của các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, đề nghị xếp hạng theo thẩm quyền. Bước tiếp theo là tiến hành lập lý lịch di tích, bản đồ vị trí và đường chỉ dẫn đến di tích. Ngoài ra, còn hoàn thiện bản vẽ kỹ thuật về di tích, tập ảnh màu và hiện vật thuộc di tích, thống kê hiện vật thuộc di tích, biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích...

Chỉ liệt kê bấy nhiêu quy trình thôi mới thấy để một di tích được xếp hạng thì những người làm công tác nghiên cứu như chị Trịnh Thị Mai đã phải tham gia rất nhiều phần việc. Nhớ lại quá trình lập hồ sơ khoa học đối với hang Há Chớ (xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo), không ít lần những cán bộ trực tiếp làm nghiên cứu như chị Mai đã gặp nhiều trở ngại trong quá trình khảo sát, sưu tầm tư liệu liên quan đến hang động này. Trong khi đó, giao thông đến điểm di tích hầu như chưa có mà phải băng rừng, lội suối mới có thể đến địa điểm di tích cần xếp hạng. Trong lần đi làm nương, người dân đã phát hiện một hang động hoang sơ nằm lưng chừng núi ở bản Đề Chia, xã Pú Nhung. Nhận được tin báo, năm 2014, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với các phòng chức năng huyện Tuần Giáo và UBND xã Pú Nhung khảo sát hang động. Song đường dẫn đến hang không dễ bởi xung quanh hang là nương đá dốc dựng đứng. Mùa mưa vắt, muỗi nhiều vô kể. Để lập hồ sơ, đơn vị phải chia thành các nhóm, không quản ngại mưa nắng đi điền dã nhiều ngày về cơ sở, thu thập tư liệu. Nhóm khảo sát đã nhiều lần đi rồi lại về. Đi mãi, đường đến hang cũng trở thành lối mòn. Do hang động Há Chớ là nơi hội tụ tính chất đa dạng thiên nhiên, như: địa chất, địa mạo, địa hình, sinh thái và cảnh quan môi trường, nằm trong dãy núi đá vôi, được hình thành do quá trình kiến tạo địa chất của trái đất cách đây hàng triệu năm nên ít có ai vào trong hang. Đã có lần nhóm khảo sát hoảng sợ khi nhìn thấy trăn, rắn bởi đây cũng là môi trường sống lý tưởng của các loài bò sát. Sau quá trình nghiên cứu, nhận thấy tầm quan trọng của động đối với việc khai thác, phát triển du lịch, đơn vị đã lập hồ sơ khoa học di tích. Cán bộ tham gia lập hồ sơ phải đọc nhiều tài liệu liên quan thì mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Nhờ vào đóng góp không nhỏ từ những cán bộ nghiên cứu, cuối năm 2015, hang động Há Chớ được xếp hạng là di tích cấp quốc gia danh lam thắng cảnh. Đến nay, vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ với sự ưu ái của thiên nhiên. Bên cạnh đó, hang động Há Chớ còn chứa đựng giá trị lịch sử văn hóa, bởi từ năm 1950 - 1953, nơi đây là một trong những cơ sở hoạt động cách mạng của bộ đội và nhân dân xã Pú Nhung thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Không chỉ riêng cán bộ làm công tác sưu tầm ở Bảo tàng tỉnh mà cán bộ Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nơi lưu giữ hơn 3.000 tài liệu, hiện vật liên quan đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, cũng rất nỗ lực, cố gắng khi làm công tác sưu tầm hiện vật. Do yêu cầu độ chính xác cao về hiện vật nên công tác nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học luôn được đặc biệt quan tâm. Là một trong những “cánh tay” đắc lực của đơn vị, cán bộ Phòng Nghiệp vụ (Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ) thường xuyên tiếp xúc, nghiên cứu đủ các chất liệu từ giấy, gỗ, kim loại khác nhau liên quan đến Chiến dịch Điện Biên Phủ... Chị Hoàng Thị Thoa, Phó phòng Nghiệp vụ (Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ), chia sẻ: Trong quá trình sưu tầm hiện vật, bằng chuyên môn, nghiệp vụ, sau khi xác định chính xác nguồn gốc thì hiện vật được mang về bảo quản và tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học. Mỗi hiện vật đều gắn liền với những nội dung lịch sử của mỗi không gian, thời gian, địa điểm riêng. Bởi vậy, căn cứ từ những thông tin trong quá trình sưu tầm, từng hiện vật sẽ được mô tả hình dáng, kích cỡ, màu sắc cũng như xuất xứ, thời gian xuất hiện và niêm yết thông tin với thực tế lịch sử của nó. Quá trình này đòi hỏi người nghiên cứu phải am hiểu về cổ vật, lịch sử của chiến dịch, đặc biệt là có kỹ năng phân tích, đánh giá và tư duy logic mới đem lại độ chính xác cao.

Khác với những hiện vật có nội dung thông tin chính xác gần như tuyệt đối, quá trình nghiên cứu, lập hồ sơ đối với những tài liệu, hiện vật được sưu tầm từ cựu chiến sỹ, thương binh, dân công, thanh niên xung phong lại không dễ dàng xác định. Đây là một trong những khó khăn của cán bộ nghiên cứu khi lập hồ sơ khoa học. Bởi vậy, đã có không ít hồ sơ khoa học hiện vật phải nghiên cứu trong thời gian dài. Do được thu lượm lại từ chiến trường sau khi chiến tranh kết thúc hoặc nghe kể lại từ ông, cha nên những cán bộ nghiên cứu ở Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ không thể chỉ căn cứ vào lời kể này để lập hồ sơ. Để thu thập thông tin chính xác, đầy đủ, họ còn phải tiếp cận những nhà nghiên cứu và nhiều nhân chứng khác nhau, thậm chí là tiến hành hội thảo khoa học chuyên môn mới có thể lập hồ sơ khoa học. Nhờ vào hồ sơ chính xác, đầy đủ đó, đến Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, khách tham quan mới có thể nghe đúng, đủ thông tin về hiện vật qua thuyết minh viên...

Công tác lập hồ sơ khoa học không dễ dàng song nhờ tâm huyết, sự nỗ lực của những cán bộ nghiên cứu như chị Mai, chị Thoa mà rất nhiều hồ sơ khoa học đã được nghiên cứu, lập và hoàn thiện mang nội dung sâu sắc, có giá trị lưu giữ và trưng bày, bảo tồn lâu dài, từ đó, góp phần không nhỏ vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Đỗ Quyên
Bình luận
Back To Top