Sự tích lễ Vu Lan

09:11 - Thứ Năm, 18/08/2016 Lượt xem: 3770 In bài viết
ĐBP - Theo sách “Phật học phổ thông” của cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa, thì Đại đức Mục Kiền Liên là đồ đệ của Phật Thích Ca, có bà mẹ tên là Thanh Đề bị bệnh nặng lâu ngày, thuốc thang mãi không khỏi, thân gầy chỉ còn da bọc xương. Đại đức Mục Kiền Liên được Phật cho hay mẹ ông do lòng dạ độc ác tham lam mà bị ác giả ác báo, tuy ông là người con đại hiếu thảo với bà, nhưng mình ông không thể xoay chuyển được tình cảnh, ông phải nhờ oai thần của chúng tăng trong mười phương mới cứu độ được mẹ ông. Nghe lời Phật dạy, đến ngày Chư Tăng hoàn thành ba tháng an cư, Mục Kiền Liên thành tâm kính lễ trai tăng (lễ mời các sư ăn cơm chay) và được các sư cứu mẹ thoát nạn - Lễ này được gọi là lễ Vu Lan (phiên âm từ tiếng Phạn: Sancrit Ullambana, dịch chữ Hán là Đảo huyền, nghĩa đen là cởi trói cho người có tội bị treo ngược lên cành cây, một hình phạt xưa ở ấn Độ, ý nói bà mẹ Mục Kiền Liên bị trọng bệnh đau đớn không khác gì bị treo ngược cành cây).

Thời Phật tại thế không có chùa như ngày nay, các sư phải đi khắp nơi giảng đạo. Vào những tháng mùa mưa, đường sá ngập lụt, các sư phải tìm nơi cao ráo tập trung để học tập, gọi là An Cư. Lệ ba tháng an cư của các sư được duy trì cho đến nay (ở Việt Nam, từ 15/4 đến 15/7 âm lịch hàng năm, ở ấn Độ mùa mưa kết thúc chậm hơn vào 15/9). Vu Lan là lễ báo hiếu tổ tông, ông bà, cha mẹ. Lời Phật dạy Đại đức Mục Kiền Liên về việc báo hiếu này gọi là “Kinh Vu Lan”. Sự báo hiếu không chỉ vào dịp lễ Vu Lan hàng năm mà phải thực hiện hàng ngày, ghi tạc công ơn trời bể của cha mẹ khi còn sống cũng như đã chết. Việc báo hiếu phải thành tâm, quan niệm báo hiếu của Phật học không phải đợi lúc cha mẹ ông bà chết mới phô trương ma chay, cúng giỗ, mà phải săn sóc quan tâm đến cha mẹ khi cần, vâng lời cha mẹ, không làm điều gì khiến cha mẹ nghĩ ngợi.

Tổ tiên ta tiếp nhận những tích truyện này trên cơ sở sáng tạo, biến thành lễ “Xá tội vong nhân”. Không chỉ là dịp để tỏ lòng thành kính với các bậc sinh thành mà cúng tất cả các cô hồn đơn chiếc nói chung. Người ta cho rằng những ai khi sống thất đức, phạm nhiều tội ác thì chết xuống âm phủ linh hồn sẽ bị xiềng xích, đày ải nơi chín tầng địa ngục. Tuy nhiên, mỗi năm đến dịp rằm tháng Bảy, xiềng xích được mở để mọi cô hồn có dịp trở về dương thế gặp lại người thân, nhận tiền vàng, đồ ăn và quần áo. Mỗi năm một lần, mọi linh hồn bất kể khi sống độc ác thế nào, đến ngày đó vẫn được “xá tội”, được hưởng sự tha thứ, yêu thương của đồng loại. Nhà nhà mua sắm đồ vàng mã, nấu cháo loãng, rang bỏng ngô chuẩn bị cúng ngoài trời để đãi các “ma đói” - những cô hồn vật vờ không có người thân cúng giỗ.

Như vậy, ngày Rằm tháng Bảy không chỉ là đại lễ để con cháu báo hiếu với tổ tông, ông bà, cha mẹ mà còn là ngày bỏ qua những ân oán, hướng về việc thiện. Tương truyền, vào dịp lễ Vu Lan, ai còn mẹ thì cài lên ngực áo bông hồng đỏ, ai không còn mẹ thì cài lên ngực áo bông hồng trắng...

O. T. R
Bình luận
Back To Top