Đến với bài thơ hay

Bài thơ có năng lực thâm nhập trực giác

09:38 - Thứ Năm, 25/08/2016 Lượt xem: 3804 In bài viết

Tiếng thu

Em không nghe mùa thu

Dưới trăng mờ thổn thức.

Em không nghe rạo rực

Hình ảnh kẻ chinh phu

Trong lòng người cô phụ?

Em không nghe rừng thu

Lá thu rơi xào xạc

Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trên lá vàng khô.

                                                Lưu Trọng Lư

Lời bình:

Bài thơ chỉ là ba câu hỏi, ba câu hỏi tu từ cốt gợi chứ không đợi trả lời. Câu thứ nhất hỏi về mùa, mùa trăng. Trăng cũng là một biểu tượng của mùa thu. Nhưng ở đây tác giả không lấy ngoại cảnh thiên nhiên làm trọng, ý thơ hướng vào những vang động của lòng người trước cảnh thu. Cho nên trăng thu thường là trăng trong nhưng tác giả lại chọn một đêm trăng mờ. Vì trên cái nền mờ của trăng, người đọc dễ cảm thông với một nỗi niềm thổn thức. Nỗi niềm gì? Không rõ. Không có gì rõ nét cả trong cái ánh mờ của trăng này kể cả cảnh sắc lẫn lòng người, chỉ biết một nét gì đó động vào nơi trắc ẩn của lòng người, gợi xao xuyến cảm thương.

Bài thơ ngắn, chín câu, vẻn vẹn bốn mươi chữ, nhưng đã gây một ấn tượng không phai mờ suốt nửa thế kỷ nay trong lòng bạn đọc; nó đã trở thành bài thơ đại diện cho tài thơ Lưu Trọng Lư. Cái hay ở bài thơ này không chỉ nằm trong nghĩa chữ, nó không tác động nhiều vào lý trí mà chủ yếu tác động vào cảm giác. Một trong những tác động ấy là âm điệu. Trở lại hai cầu thơ vừa dẫn. Câu đầu toàn thanh bằng mà chủ yếu (4/5) là thanh không dấu (phù bình thanh) gợi một cảm giác chơi vơi thanh nhẹ. Câu dưới trầm xuống một chữ mờ. Trọng lượng của đoạn thơ hai câu này dồn vào chữ mờ đó. Trong giai điệu của câu thơ, chữ mờ này tự nhiên được đọc trầm và dài hơn các chữ khác và chính nó đã tạo ấn tượng cảnh thu cho đoạn thơ. Sau ấn tượng do ngoại cảnh ấy là một ấn tượng của nội tâm: thổn thức. Với tác động âm thanh rất lớn rồi đến khoảng lặng với tiếng vang trầm đục tạo nên khoảng chênh lệch về độ cao giữa câu trên và câu dưới từ thanh nhẹ chơi vơi xuống trầm đục.

Đoạn hai: “Em không nghe rạo rực // Hình ảnh kẻ chinh phu // Trong lòng người cô phụ?”. Hai từ Hán - Việt “chinh phu”, “cô phụ” gợi không khí của một thời biên tái. Họ là người không rõ ở thời nào mà thời nào cũng có, họ là nhân loại chứ đâu chỉ ở Việt Nam ta?

Đoạn ba, hoàn toàn là ngoại cảnh. Thủ pháp đóng bài bằng miêu tả ngoại cảnh khá phổ biến trong thơ trữ tình Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945. Nó có ưu thế là gợi được dư ba và tạo một sư lan tỏa rộng mở cho ý thơ, vì nó không áp đặt nhận định, kết luận mà để cảnh sắc khêu gợi, người đọc tự cảm nhận lấy tình ý bài thơ.

Bài thơ nhan đề là “Tiếng thu” nhưng đến đây ta mới thấy tiếng. Câu thơ tả tiếng xào xạc của lá, nhưng lại cho thấy một sự lắng nghe tinh tế của người. Và chính sự lắng nghe ấy lại cho thấy tư thế cảm xúc của nhà thơ, một thái độ trân trọng và tài hoa trong cảm thụ thiên nhiên, cảm thụ đã thành khám phá, phát hiện: tiếng điển hình của mùa thu chính là tiếng xào xạc của lá (rất nhẹ dưới chân nai). Qua chi tiết con nai ngơ ngác, tác giả quả đã bắt được thần thái của loài thú này, chúng hiền lành, ngây thơ, yếu ớt và gợi lên trong không gian của thiên nhiên thu có điều gì khác lạ (cũng như trong ánh trăng mờ có gì như thổn thức và trong lòng người có một nỗi niềm gì rạo rực) mà con nai cảm thấy, ngỡ ngàng và hơi e ngại. Bằng tư thế ngơ ngác của con nai vàng, tác giả phả thêm vào hương vị mùa thu một chút u ẩn gợi cảm. Cái chút ấy phải rất tinh tế mới thấy. Ba câu hỏi liên tiếp của bài đã tạo nên một sự lắng nghe. Phải lắng hồn mình lại mới nghe được tiếng thổn thức của trăng mờ.

“Tiếng thu” có thể coi là bài thơ tiêu biểu cho lối thơ gợi cảm bằng âm điệu, ngữ điệu của câu thơ. Bài thơ có năng lực thâm nhập trực giác. Sự lý giải quả là không cần thiết và để thành áp đặt nhất là khi luận về nội dung. Chúng tôi chỉ xin trình bày cách tiếp cận của mình và xin để ngỏ những gì thuộc về chủ đề tư tưởng của bài thơ...

Vũ Quần Phương
Bình luận
Back To Top