Nghị quyết số 09 - NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh

Góp phần bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số

08:37 - Thứ Sáu, 26/08/2016 Lượt xem: 4375 In bài viết
ĐBP - Thực hiện Nghị quyết số 09 - NQ/TU, ngày 20/12/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, khóa XII về “Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”; những năm qua, cấp ủy, đoàn thể chính trị, xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động xây dựng kế hoạch, quán triệt, triển khai Nghị quyết tới cán bộ, đảng viên và nhân dân... Từ đó, góp phần bảo tồn và phát triển những nét văn hóa độc đáo, đặc trưng, đậm đà bản sắc của cộng đồng 19 dân tộc anh em.

 

Thầy mo cầu khấn xin thần linh che chở cho dân bản tại Lễ hội “Kin Pang Một” của người Thái trắng ở Tủa Chùa.

Văn hóa truyền thống của cộng đồng 19 dân tộc anh em tỉnh ta từ lâu được xem là niềm tự hào với nét đẹp tinh túy, mộc mạc, hội tụ nhiều yếu tố độc đáo... Đã có 14 lễ hội dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng của các dân tộc thiểu số được sưu tầm, nghiên cứu, tư liệu hóa. Điển hình, như: Lễ Gạ Ma Thú (lễ cúng bản, tết cổ truyền dân tộc Hà Nhì); Nào Pê Chầu (dân tộc Mông); lễ cưới của dân tộc Hoa (ngành Xạ Phang); Lễ Cầu mưa của dân tộc Thái (ngành Thái đen)... 4 lễ hội dân gian được phục dựng: Lễ Zù Su (cúng dòng họ của người Mông tại huyện Tủa Chùa); Lễ hội Đua thuyền đuôi én (TX. Mường Lay)... Phát huy nét đẹp văn hóa tinh túy đã tồn tại trong cộng đồng các dân tộc thiểu số hàng ngàn năm, việc biên soạn, lưu giữ, giới thiệu các loại hình di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số trong tỉnh được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các huyện, thị xã, thành phố và hội chuyên ngành tích cực triển khai. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được nghiên cứu, tư liệu hóa và giới thiệu tới đông đảo người dân và các nhà nghiên cứu khoa học. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xuất bản và phát hành 10 đầu sách có giá trị bảo tồn: “Vài nét chân dung dân tộc Xinh Mun tỉnh Điện Biên”; “Dân tộc Kháng tỉnh Điện Biên”; “Dân tộc Hà Nhì tỉnh Điện Biên”, “Dân tộc Xạ Phang tỉnh Điện Biên”... Sưu tầm, bảo quản 308 sách cổ của các dân tộc (Thái, Dao, Lự, Lào). Thông qua việc nghiên cứu nội dung sách cổ đã góp phần tìm hiểu về các mối quan hệ xã hội, kiến thức về thời tiết, chọn đất canh tác, dược liệu và cách chữa bệnh, kinh nghiệm ứng xử xã hội, sách giáo huấn răn dạy đạo đức của các dân tộc. Đặc biệt, tỉnh ta đã lập 10 hồ sơ di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể của 4 dân tộc (trong đó, 9 di sản đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia); hoàn thành công tác kiểm kê toàn diện 2 dân tộc rất ít người cần được bảo tồn là Cống và Si La với nhiều lễ hội và phong tục tập quán đặc sắc).

Cùng với đó, việc xây dựng hương ước, quy ước đã được thực hiện theo đúng quy trình soạn thảo, lấy ý kiến rộng rãi của người dân trước khi trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tính đến hết năm 2015 đã có 749 hương ước, quy ước được phê duyệt và phổ biến đến cộng đồng dân cư. Hương ước, quy ước được đa số người dân đồng thuận, chấp hành nghiêm túc, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, mê tín dị đoan, góp phần xây dựng nếp sống văn minh. Đặc biệt, nhiều phong tục, hủ tục rườm rà, lạc hậu đang dần được xóa bỏ; các nghi thức, nghi lễ được rút ngắn đảm bảo trang trọng, lịch sự, phù hợp với phong tục tập quán của địa phương, bản sắc văn hóa đặc trưng của từng dân tộc.

Thông qua việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số đã tạo ra nguồn lực góp phần phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội. Giai đoạn 2013 - 2015, du lịch Điện Biên đón trên 1.225 nghìn lượt khách. Trong đó, trên 210 nghìn lượt khách quốc tế. Thu nhập từ du lịch đạt trên 1.490 tỷ đồng, góp phần tạo cơ hội việc làm cho cộng đồng các dân tộc tỉnh, thay đổi cơ cấu và nâng cao trình độ tay nghề của người lao động tại khu vực, tạo điều kiện đẩy mạnh giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, thúc đẩy giao lưu kinh tế, tạo ra cơ hội phát triển kinh tế ở các vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục phát huy và bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, đặc biệt là đánh thức vai trò chủ thể của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, trong việc bảo tồn DSVH dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện kiểm kê và lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh; tiếp tục triển khai các dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi, phát huy giá trị các di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia. Tăng cường công tác giáo dục, giới thiệu các DSVH tiêu biểu của các dân tộc cho học sinh; duy trì việc đưa các làn điệu dân ca, trò chơi dân gian vào chương trình giáo dục chính khoá, ngoại khóa và các hoạt động tập thể. Đồng thời, nghiên cứu, triển khai các dự án bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH phi vật thể của tỉnh Điện Biên thuộc Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia; tập trung truyền dạy kỹ năng, bí quyết và quảng bá sản phẩm du lịch; bảo tồn DSVH những dân tộc có số dân dưới 10.000 người (Si La và Cống) ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp về DSVH. Đẩy mạnh huy động nguồn vốn xã hội hóa, nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước...

Với những giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, tin tưởng sẽ là “cú hích” mạnh mẽ để du lịch phát triển xứng tầm. Từ đó, góp phần đưa Điện Biên trở thành điểm đến lý tưởng thu hút khách trong và ngoài nước.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top