Hấp dẫn sách sử dịp lễ 2-9

10:57 - Thứ Năm, 01/09/2016 Lượt xem: 3851 In bài viết
Nhân dịp chào mừng 71 năm Quốc khánh 2-9, nhiều cuốn sách hay đã được xuất bản, tập trung chủ yếu vào đề tài lịch sử, đưa người đọc đến với những quá khứ hào hùng của dân tộc.

Sách hay sử Việt

Nhà xuất bản (NXB) Tổng hợp TPHCM giới thiệu đến bạn đọc loạt tác phẩm về đề tài lịch sử. Nổi bật trong số đó có cuốn Tưởng nhớ Bác Hồ vĩ đại của nhà nghiên cứu Thái Nhân Hòa.

 

Bìa hai cuốn sách Cuộc vận động khởi nghĩa ở Trung kỳ năm 1916 - 100 năm nhìn lại và Kể chuyện hậu phương thời kháng chiến.

Tác phẩm mở đầu bằng việc đăng đầy đủ hai tác phẩm của Bác là bản Tuyên ngôn Độc lập và bản Di chúc cuối đời của Người. Dựa trên hai tác phẩm tiêu biểu này, tác giả Thái Nhân Hòa đã tập trung miêu tả những nỗ lực của Người từ những quyết tâm được thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập đến những hoài bão, gửi gắm của Người đối với Đảng, đối với Nhân dân trước khi Người đi xa.

Ngoài ra, tác phẩm còn dành một phần quan trọng để chuyển tải đến bạn đọc những giai đoạn đặc biệt trong cuộc đời Bác như ở các chương: Hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành, Hồ Chí Minh - Chủ tịch Chính phủ lâm thời đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác xây dựng Đảng; Tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sử học…

NXB Tổng hợp dịp này cũng giới thiệu đến bạn đọc tác phẩm Cuộc vận động khởi nghĩa ở Trung kỳ năm 1916 - 100 năm nhìn lại. Đúng 100 năm trước tại vùng đất Trung kỳ đã diễn ra một sự kiện lịch sử quan trọng khi vua Duy Tân đã cùng một một số nhà cách mạng như Thái Phiên, Trần Cao Vân… dự định nổi dậy chống Pháp vào ngày 3-5-1916. Kế hoạch thất bại, vua cùng các nhà cách mạng trốn khỏi kinh thành nhưng sau đó bị bắt. Trần Cao Vân, Thái Phiên cùng nhiều người khác bị chém, vua Duy Tân bị đày đến đảo Réunion cho đến khi mất ở tuổi 46.

Tác phẩm đã dựa trên những thành tựu nghiên cứu về vua Duy Tân và cuộc vận động khởi nghĩa năm 1916, đưa ra nhiều nguồn tư liệu mới được phát hiện, cung cấp nhằm xác minh nhiều sự kiện và nhân vật, làm sáng tỏ nhiều vấn đề về cuộc khởi nghĩa mà trước đây giới nghiên cứu còn băn khoăn như: Thời gian và địa điểm gặp gỡ giữa vua Duy Tân với các nhà yêu nước bàn việc khởi nghĩa, vấn đề để lộ thông tin dẫn đến cuộc khởi nghĩa bị thất bại, về địa điểm vua Duy Tân bị bắt…

Khác với hai tác phẩm nghiên cứu trên, Kể chuyện hậu phương thời kháng chiến của cựu chiến binh Nguyễn Văn Khoan lại gây chú ý với những câu chuyện tuy nhỏ bé nhưng lại phản ánh những đặc trưng của một xã hội thời chiến.

Qua cái nhìn của một cá nhân, hậu phương lớn tái hiện lên bình dị nhưng can trường, đời thường nhưng cũng không thiếu sự anh hùng. Đây là cuốn sách được tái bản và chỉnh sửa, bổ sung nhiều chi tiết mới nhất là những chi tiết đóng góp của bạn bè, bạn đọc sau khi sách đã xuất bản những lần trước.

Hướng về bạn đọc hôm nay

Không chỉ giúp bạn đọc hiểu thêm về những nhân vật, giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước, cũng trong dịp này còn có nhiều tác phẩm góp phần phản ánh những thời kỳ lịch sử khác nhau của dân tộc, tiêu biểu trong số đó là Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam kỳ (1859 - 1954).

 

Bộ sách Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam kỳ (1859 - 1954).

Tác phẩm được thực hiện với mục đích phản ánh chính xác những điều đã diễn ra trong lịch sử, giúp bạn đọc hôm nay hiểu đúng và đầy đủ những sự kiện đã diễn ra. Như trong phần giới thiệu, các tác giả đã nhấn mạnh một thực tế là sau gần 100 năm cai trị vùng đất Nam bộ, người Pháp đã gây ra bao tội ác đối với nhân dân ta. Nhưng ngày nay chế độ thực dân Pháp đã cáo chung hơn nửa thế kỷ, những gì Pháp làm tổn hại đến nhân dân ta đã đi vào dĩ vãng. Những thế hệ sau này chỉ thấy những gì người Pháp còn để lại như các dinh thự, lâu đài nguy nga tráng lệ ở các thành thị, những tuyến đường kênh đào thẳng tắp thuận tiện cho việc lưu thông…

Vì chỉ thấy những mặt tích cực còn sót lại nên lớp người mới này đã hiểu một cách mơ hồ, thậm chí không đúng với bản chất của chế độ thực dân Pháp trong quá khứ. Vì vậy, Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam kỳ (1859 - 1954) ra đời với mục đích như thế.

Điều khác biệt lớn nhất ở tác phẩm này so với nhiều tác phẩm nghiên cứu lịch sử khác về thời kỳ này đã xuất bản là tính chính xác về mặt lịch sử của nó khi tác giả không nhận định, phê phán mà chỉ đưa đến bạn đọc một số lớn các sắc lệnh, nghị định suốt gần 100 năm của chính quyền thực dân Pháp trên đất Nam kỳ.

Các tài liệu này được lấy trực tiếp từ các thư viện của Pháp, như bộ Bulletin Officiel de la Cochinchine Française hay bộ Bulletin Administratif de la Cochinchine Française. Các văn bản này đã phản ánh chân thực nhất về những gì người Pháp đã làm ở đây. Thông qua các sắc lệnh do chính thực dân Pháp ban hành, người đọc có thể thấy rõ những gì thực dân đã làm với dân tộc, với đất nước Việt Nam khi đó.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top