Thực hiện QĐ 401/2013/QĐ-UBND, Đề án Bảo tồn văn hóa các DTTS

Bảo tồn văn hóa - nói dễ hơn làm

09:08 - Thứ Năm, 15/09/2016 Lượt xem: 4556 In bài viết
ĐBP - Thấm thoát đã hơn 3 năm trôi đi kể từ ngày UBND tỉnh ban hành Quyết định số 401/QĐ-UBND ngày 12/6/2013, về việc phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Nhìn lại chặng đường phấn đấu, bên cạnh những thành công đáng phấn khởi cũng còn không ít điều tồn tại cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm với tinh thần cầu thị chân thành nhất và sâu sắc nhất...

 

Mâm cơm cúng trong tín ngưỡng đa thần của người Thái trắng, thị xã Mường Lay.

Là một thành viên trong ban soạn thảo lúc Quyết định số 401/QĐ-UBND còn là “Đề án”, ông Nguyễn Đăng Quang - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Điện Biên - cho biết: Điện Biên là tỉnh miền núi có 19 dân tộc cùng sinh sống, các dân tộc thiểu số chủ yếu sống ở vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, có vị trí chiến lược đặc biệt về chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái. Văn hoá các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên là bộ phận cấu thành của văn hoá vùng Tây Bắc thuộc cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam, góp phần làm cho nền văn hoá Việt Nam phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hoá các dân tộc thiểu số là tài sản quý giá góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng mà thống nhất của văn hoá Việt Nam. Giữ gìn bản sắc và sự đa dạng của văn hoá các dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chính trị xã hội to lớn. Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp và xây dựng, phát triển những giá trị mới về văn hoá, văn học, nghệ thuật, đặc biệt là hỗ trợ sự phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc thiểu số; có chính sách và giải pháp cụ thể xây dựng đội ngũ tri thức trong các dân tộc thiểu số; phát hiện bồi dưỡng tổ chức lực lượng sáng tác, sưu tầm nghiên cứu văn hoá nghệ thuật dân tộc thiểu số là việc làm ý nghĩa và hết sức cần thiết.

Với địa bàn miền núi, biên giới giáp với 2 nước láng giềng (Lào và Trung Quốc) nên các dân tộc thiểu số tỉnh ta đang còn những khó khăn, thách thức rất lớn, trong đó, phải kể đến điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, bị chia cắt lớn; dân cư sống phân tán; cơ sở hạ tầng lạc hậu, kinh tế chậm phát triển; đời sống vật chất và tinh thần còn thấp kém, nguy cơ tụt hậu và mất dần bản sắc ở một số dân tộc là đáng lo ngại. Do vậy, sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi với các khu vực khác trong cả nước đang ngày càng có xu hướng gia tăng.

Nghệ nhân ưu tú Mào Văn Ết (trú tại tổ dân cư số 6, phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ), cho rằng: Một trong những căn cứ để xây dựng “Đề án”, ở tầm vĩ mô, đó là Nghị định số 05/NĐ-CP ngày 14 tháng 1 năm 2011 của Chính phủ, về chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa. Tại đó, Điều 13, ghi rõ: Hỗ trợ việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trong cộng đồng dân tộc Việt Nam; hỗ trợ việc giữ gìn và phát triển chữ viết của các dân tộc có chữ viết. Các dân tộc thiểu có trách nhiệm gìn giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình phù hợp với pháp luật; xây dựng, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; hỗ trợ việc đầu tư, giữ gìn, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng. Đồng bào dân tộc thiểu số được ưu đãi trong hưởng thụ văn hóa; hỗ trợ xây dựng, khai thác sử dụng có hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, định kỳ tổ chức ngày hội văn hóa thể thao dân tộc theo từng khu vực hoặc từng dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong vai trò người đứng đầu ngành Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh nhà, ông Phạm Việt Dũng - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh, nêu nhận xét: Sự nhất quán trong nhận thức và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trong những năm qua đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, phát triển đời sống văn hóa trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Trước hết, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về văn hóa nói chung, văn hóa dân tộc thiểu số nói riêng được nâng lên một bước. Từ các chủ trương, chính sách chung của Đảng, Nhà nước, ngành Văn hóa - Thể thao & Du lịch Điện Biên đã cụ thể hoá thành các chiến lược, chương trình, dự án để triển khai thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng.

 

Phục dựng trò chơi dân gian dân tộc Lào, bản Na Sang, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên.

Đối với việc ưu tiên bảo tồn văn hóa truyền thống, phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngành Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, trong đó tập trung thực hiện các dự án trọng điểm: Điều tra, nghiên cứu bảo tồn một số làng bản tiêu biểu và lễ hội truyền thống đặc sắc của dân tộc ít người; sản xuất và cung cấp sản phẩm văn hóa thông tin phù hợp cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; hỗ trợ bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ văn hóa xã đặc biệt khó khăn; phối hợp xây dựng đời sống văn hóa tuyến biên giới, hải đảo; cấp trang thiết bị, phương tiện hoạt động cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; cấp ô tô chuyên dụng cho huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa; cấp trang thiết bị, phương tiện hoạt động cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; hỗ trợ phương tiện, tập huấn cho đội chiếu bóng lưu động phục vụ miền núi.

Theo ông Phạm Việt Dũng, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Quyết định 401/QĐ-UBND, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, bên cạnh đó là sự quan tâm chỉ đạo về chuyên môn của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, tỉnh ta đã lần lượt xếp hạng bổ sung 23 điểm di tích thành phần của Di tích cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, xếp hạng thêm 9 di tích, trong đó có 5 di tích cấp quốc gia và 4 di tích cấp tỉnh; nhiều di tích cấp quốc gia đã được trùng tu, tôn tạo như di tích thành Sam Mứn (huyện Điện Biên), tháp Mường Luân và tháp Chiềng Sơ (huyện Điện Biên Đông)... Công tác điều tra khảo cổ học trên địa bàn tỉnh được chú trọng, quan tâm triển khai; công tác sưu tầm hiện vật, cổ vật được tổ chức với nhiều hình thức linh hoạt, năng động và hiệu quả. Riêng với công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, trên địa bàn tỉnh có 16/19 dân tộc được kiểm kê, đánh giá hiện trạng văn hóa phi vật thể, đạt 80,4% và vượt 30,4% so với mục tiêu 50% của Đề án.

Bên cạnh đó, tuy đã lập được 10 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể của 4 dân tộc (đạt 21%), song chưa đạt mục tiêu 50% của Đề án; trong 10 hồ sơ có 9 di sản đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 1 hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Toàn tỉnh có 7 đơn vị hành chính cấp huyện được hỗ trợ phát triển các di sản (huyện Mường Nhé, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên, Mường Ảng và Nậm Pồ). Và như vậy, chưa đạt mục tiêu đặt ra trong Đề án là 10 huyện, thị, thành phố được hỗ trợ để phát triển, nâng tầm các di sản văn hóa phi vật thể.

Chặng đường phía trước còn rất dài và công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số nói thì rất dễ nhưng làm cực khó. Một mình ngành Văn hóa - Thể thao & Du lịch với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, giả sử được cấp “một núi tiền” cũng không thể thành công vì đây là công việc thuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, của các cộng đồng dân cư theo địa giới hành chính, vùng miền, cộng đồng dân cư theo từng dân tộc và nhóm dân tộc, từng dòng họ, từng gia đình và từng cá thể con người. Hẳn chúng ta đều biết: Văn hóa là một khái niệm “đa nghĩa”, vô cùng rộng lớn, vô cùng bao hàm và thậm chí vô cùng phong phú, linh hoạt trên rất nhiều phương diện, dạng thức, bản thể... Mỗi dân tộc có những nét đặc trưng về kiến trúc nhà cửa, tập quán canh tác, ngôn ngữ, ăn uống, trang phục, cưới hỏi, ma chay, lễ hội, diễn xướng, trò chơi dân gian... cho đến cách mời nhau uống rượu, cách trai gái tỏ tình, cách đặt tên cho đứa trẻ mới chào đời, cách cho sản phụ uống thứ nước lá gì và uống vào lúc nào (1 giờ, 3 giờ hay 1 ngày, 5 ngày...) sau khi sinh nở... tất cả đều là văn hóa với những hình thái biểu hiện khác nhau và chính điều đó làm nên bản sắc, làm nên sự đa dạng rất cần được đầu tư nghiên cứu, tập hợp, bảo tồn, chỉnh lý và phát huy trong cuộc sống đương đại...

Bài, ảnh: Thu Loan
Bình luận
Back To Top