Lý luận phê bình mỹ thuật trước yêu cầu đổi mới

17:04 - Chủ Nhật, 18/09/2016 Lượt xem: 3330 In bài viết

Ngày 16-9, tại Hà Nội diễn ra hội thảo "Lý luận phê bình (LLPB) mỹ thuật ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp tác động đến đời sống nghệ thuật" do Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Một lần nữa, sự kiện này đã xoáy vào những "mỏng", "yếu" cùng hàng loạt những hạn chế của đội ngũ LLPB mỹ thuật ở nước ta... 

Các nghệ sĩ nhận định, nghệ sĩ mỹ thuật ngày nay đang có sự tự do và luôn là lực lượng tiên phong trong đổi mới ngôn ngữ sáng tạo. Nhiều nghệ sĩ khát khao bước vào những thử nghiệm nghệ thuật mới và thường xa lạ với thói quen nhìn ngắm thông thường của công chúng. Khoảng cách lớn ấy lúc này rất cần đến giới LLPB. Tuy nhiên, theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến: "Thời gian qua, các nhà phê bình nghệ thuật mang giọng điệu na ná, nhợt nhạt trên nhiều bài viết phê bình. Có vẻ không ai muốn đi qua đường biên an toàn định sẵn. Lối phê bình ấy không thể theo kịp thực tế phát triển và những vấn đề mới đặt ra trong đời sống nghệ thuật, không nói đến nhiệm vụ của LLPB còn là định hướng cho nghệ sĩ và nghệ thuật".


Hội thảo cũng chỉ ra trong đời sống mỹ thuật đương đại hiện chỉ một số ít các nhà phê bình thật sự giỏi được ghi nhận như: Quang Việt, Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Hưng… Với kiến thức rộng và uyên bác, các nhà phê bình đã nêu được nhiều vấn đề và đặt ra cho xã hội những định hướng có tính liên kết với đời sống. Nhiều tác phẩm có kiến giải dễ hiểu, thú vị về nghệ sĩ và nghệ thuật Việt Nam đương đại, khuyến khích công chúng đi sâu vào thế giới tạo hình đang không ngừng đổi thay. Thế nhưng, lực lượng "mỏng" ấy chưa thể đáp ứng được nhu cầu kết nối giữa nghệ sĩ và công chúng, thậm chí còn đang bị lấn át bởi một lực lượng LLPB khác sinh ra trong thời đại số.

Cụ thể, các ý kiến đặt ra vấn đề giữa phê bình mỹ thuật trên báo chí, phê bình mỹ thuật tự phát trên mạng và phê bình học thuật trong thời đại công nghệ số. Chưa kể, hiện ít nhà LLPB mỹ thuật Việt Nam có khả năng và trình độ ngoại ngữ tốt để có thể đọc, nghiên cứu, giới thiệu các lý thuyết nghệ thuật của thế giới đến nghệ sĩ và công chúng, hay giới thiệu mỹ thuật Việt Nam cho thế giới. Kém về ngoại ngữ đã khiến khả năng cập nhật các lý thuyết phê bình hiện đại, song hành với những hình thức nghệ thuật mới trên thế giới của các nhà LLPB bị hạn chế. Do vậy, nhà LLPB khó có thể "đồng hành" với những nghệ sĩ đương đại Việt Nam mà ít nhiều trong số đó được đào tạo ở nước ngoài. Hay thậm chí không nhận ra được sự "bắt chước" xu hướng quốc tế của một vài nghệ sĩ...

Hội thảo chỉ rõ, người làm công tác LLPB mỹ thuật dù là phê bình học thuật, phê bình báo chí hay phê bình tự phát trên mạng muốn có ảnh hưởng và tham gia vào đời sống nghệ thuật chỉ có cách duy nhất là không ngừng học hỏi, lao động để đáp ứng những yêu cầu của đổi mới.

Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top