Đề án Bảo tồn văn hóa các DTTS gắn với phát triển kinh tế - xã hội

Những điều kỳ vọng

14:13 - Thứ Sáu, 23/09/2016 Lượt xem: 3928 In bài viết
ĐBP - Với quan điểm chỉ đạo bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội (giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025), đề án được giao cho ngành chức năng là Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch nghiên cứu, xây dựng và tổ chức lấy ý kiến một số ban, ngành, UBND cấp huyện trước khi thông qua tại các kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới. Để giúp bạn đọc nắm thêm thông tin, chúng tôi có buổi làm việc với ông Phạm Việt Dũng - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh...

Từ những lập luận của ông Phạm Việt Dũng, chúng tôi hiểu công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu: xây dựng tỉnh Điện Biên thành tỉnh phát triển trung bình trong vùng trung du và miền núi phía Bắc. Để tiếp tục chủ trương xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đương nhiên cần tiếp tục bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc phù hợp với điều kiện thực tế từng địa bàn, từng dân tộc.

 

Màn nghệ thuật tổng hợp trong Lễ hội Hoa ban 2016.

Về văn hóa vật thể, vấn đề đặt ra trong đề án là cần tiếp tục thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ và phục dựng một số di tích thành phần thuộc di tích quốc gia đặc biệt - Di tích chiến trường Điện Biên Phủ (Khu trung tâm đề kháng Him Lam; Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ - giai đoạn II). Lập và triển khai các dự án bảo quản, tu bổ và phục dựng các di tích (Trung tâm  Tập đoàn cứ điểm - giai đoạn II; Trận địa bao vây tấn công của bộ đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ; Khôi phục bản Thái cổ; đồi Độc Lập...). Hoàn thiện hồ sơ khoa học, khoanh vùng, cắm mốc bổ sung và đầu tư các hạng mục phụ trợ tại các di tích thành phần thuộc di tích chiến thắng Điện Biên Phủ. Thực hiện kiểm kê và lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh; tiếp tục triển khai các dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi, phát huy giá trị các di tích, danh thắng đã được xếp hạng cấp quốc gia gắn với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó là xúc tiến việc nghiên cứu, đầu tư và triển khai các dự án: Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (tại đồi E2); Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ; Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ trên đồi A1 và Trung tâm Đề kháng Him Lam; Khu lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tại Mường Phăng); đầu tư xây dựng địa điểm tổ chức Xên Mường Then tại thành phố Điện Biên Phủ; Tượng đài Thanh niên xung phong tại địa bàn huyện Tuần Giáo. Tập trung triển khai công tác sưu tầm hiện vật, tài liệu đặc biệt là các hiện vật liên quan đến Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.

Lĩnh vực bảo tồn văn hóa phi vật thể, được biết ngành Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh nhà đang chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa việc kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Xây dựng hồ sơ đề cử quốc gia: “Then Tày, Nùng, Thái Việt Nam”, di sản Kéo co, nghệ thuật Xòe Thái đề nghị UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại (thuộc Danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Nghiên cứu và triển khai các dự án bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Điện Biên thuộc danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (trong đó tập trung truyền dạy kỹ năng, bí quyết và quảng bá, giới thiệu giá trị). Thực hiện việc xét chọn theo định kỳ các nghệ nhân đủ điều kiện đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể”, đặc biệt chú trọng tới các nghệ nhân cao tuổi, sức khỏe yếu. Tiếp tục tăng cường công tác bảo tồn tiếng nói của dân tộc ít người và chữ viết của những dân tộc có chữ viết riêng, tập trung vào dạy và học cho chính người dân tộc thiểu số. Xây dựng và triển khai dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Si La và dân tộc Cống.

Là người được giao đặc trách công tác bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa các dân tộc trong tỉnh, ông Nguyễn Đăng Quang - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch - cho biết: Đến thời điểm này toàn tỉnh có 46/130 xã (phường, thị trấn) có nhà văn hóa (đạt 35,4%), vượt 20,4% so với mục tiêu Đề án là 15%; 342/1.776 thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa đạt 19,25% (mục tiêu Đề án 20%); có 473/1.776 thôn, bản, tổ dân phố được gắn biển tên đạt 26,6%, chưa đạt mục tiêu Đề án đề ra (mục tiêu Đề án 100%). Thống kê cho thấy 100% xã (phường, thị trấn) trên địa bàn tỉnh có cán bộ văn hóa, trong đó 121/130 xã có cán bộ văn hóa - xã hội là người dân tộc thiểu số đạt 93%, vượt 53% so với mục tiêu Đề án đề ra (mục tiêu Đề án 40%). Nhờ đó phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa thực hiện có hiệu quả. Việc xây dựng và tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào các dân tộc được quan tâm; phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh cả về số lượng diễn viên và chất lượng biểu diễn.

 

Tiết mục múa “Mời rượu” của dân tộc Thái đen, được trình diễn bởi các hạt nhân văn nghệ quần chúng xã Thanh Luông, huyện Điện Biên.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đăng Quang, những năm tới để phát huy hơn nữa giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trong đời sống văn hóa - tín ngưỡng các dân tộc thiểu số trong tỉnh, quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân tỉnh là tiếp tục nâng tầm công tác bảo tồn, phục dựng và tổ chức duy trì hoạt động thường xuyên, tại một số di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc thiểu số để phát triển du lịch. Đó là lễ hội Xên Mường Thanh tại huyện Điện Biên; lễ hội đua thuyền tại thị xã Mường Lay; lễ kin lẩu nó của dân tộc Thái đen; lễ hội tung còn của cộng đồng Thái nói chung; Tết cổ truyền của dân tộc Mông; bảo tồn dân ca, dân vũ, những trò chơi truyền thống các dân tộc thiểu số; đặc biệt là duy trì hoạt động chợ phiên tại các địa bàn vùng cao: Tả Sìn Thàng, Xá Nhè, Huổi Só (huyện Tủa Chùa) và chợ Vàng Lếch (xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ).

Để triển khai thực hiện được những nhiệm vụ mà Đề án đặt ra, điều vô cùng quan trọng đó là nguồn lực đầu tư với tổng kinh phí dự kiến xấp xỉ 119 tỷ đồng (chính xác là là 118 tỷ 910 triệu đồng - Một trăm mười tám tỷ, chín trăm mười triệu đồng). Phân kỳ giai đoạn 1 (2015-2020) là 54 tỷ 300 triệu đồng và giai đoạn 2 (2021-2025) là 64 tỷ 610 triệu đồng. Giải pháp thực hiện là tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, giới thiệu các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc cho học sinh, duy trì việc đưa các làn điệu dân ca, các trò chơi dân gian của dân tộc vào chương trình giáo dục chính khoá, ngoại khóa và các hoạt động tập thể. Hỗ trợ phát triển nghề dệt thổ cẩm dân tộc Thái, dân tộc Lào; nghề thêu của dân tộc Mông; nghề mây, tre đan của một số dân tộc; nghề làm giấy dó truyền thống của dân tộc Mông, Dao; nghề đan túi từ nguyên liệu dây sắn rừng của dân tộc Si La...

Điều khiến những cán bộ ngành Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh nói riêng và những ai quan tâm đến công tác bảo tồn văn hóa truyền thống nói chung, có thể hy vọng là việc quy hoạch, đầu tư xây dựng trụ sở làm việc và nhà trưng bày của Bảo tàng tỉnh Điện Biên đã được đề cập. Nếu mọi việc diễn ra như ý, thì trong tương lai chúng ta sẽ có một nơi xứng tầm cho nhiệm vụ lưu giữ, khảo cứu tại địa phương; trưng bày, giới thiệu những giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học về di sản văn hóa tiêu biểu các dân tộc, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tham quan, tìm hiểu của khách du lịch cũng như các nhà khoa học trong và ngoài nước. Cùng với đó là ý tưởng đầu tư cho Đoàn Nghệ thuật tỉnh (thường gọi Đoàn Nghệ thuật Hoa ban trắng) theo quy mô một Đoàn Nghệ thuật ca - múa - nhạc vừa dân tộc vừa hiện đại với các chương trình nghệ thuật không chỉ hấp dẫn mà còn độc đáo; hỗ trợ kinh phí để các nhạc sỹ thực hiện việc sưu tầm và chỉnh lý dòng nhạc dân gian; đồng thời tiến tới xây dựng dàn nhạc mang đậm bản sắc cộng đồng các dân tộc Điện Biên...

Bài, ảnh: Thu Loan
Bình luận
Back To Top