Khơi dậy tình yêu văn hóa dân tộc Thái

13:56 - Thứ Năm, 06/10/2016 Lượt xem: 5027 In bài viết
ĐBP - Nhắc đến TX. Mường Lay là nhắc đến văn hóa truyền thống giàu đẹp của người Thái trắng. Trong đó không thể không kể đến kho tàng làn điệu dân ca và những nhạc đệm tính tẩu mang nét hồn dân tộc. Những điệu nhạc, lời ca ấy đã ngấm vào máu, hòa chảy trong mỗi người dân nơi đây nhưng do thăng trầm của lịch sử vùng đất đang có nguy cơ dần mai một, cần được đánh thức, khơi dậy.

Những ngày cuối tháng 9 đến các bản làng của TX. Mường Lay, khó có thể tìm gặp các cây văn nghệ bởi họ đang tạm gác việc nhà, say sưa học những bài ca, điệu nhạc theo chương trình truyền dạy nghệ thuật đàn tính và hát dân ca dân tộc Thái do Phòng Văn hóa – Thông tin thị xã tổ chức. Những người tham gia lớp học hầu hết đã bước qua tuổi tứ tuần, tóc đã hoa râm, điểm bạc nhưng nặng lòng yêu văn hóa truyền thống quê hương.

 

Nghệ nhân Mào Văn Ết bắt nhịp làn điệu dân ca “Mời rượu” cho học viên hát theo.

Lớp truyền nghề do nghệ nhân ưu tú Mào Văn Ết đến đứng lớp. Ông dạy cả 2 lớp: Đàn tính và hát dân ca. Nghệ nhân Mào Văn Ết được biết đến là người có thâm niên chế tác đàn tính tẩu có tiếng ở vùng Tây Bắc. Ông cũng là người say mê nghiên cứu, sưu tầm các làn điệu dân ca và am hiểu văn hóa truyền thống dân tộc Thái trắng. Khi đứng lớp truyền dạy đàn tính, ông tỉ mỉ hướng dẫn các học viên từng động tác tay, cách lên dây nhạc cho từng điệu tính tẩu. Điệu nào khó, ông làm đi làm lại cho học viên xem và làm theo. Học viên cũng căng thẳng không kém, ai cũng chăm chú theo dõi chuyển động từng ngón tay của thầy, lắng nghe từng tiếng nhạc rồi ghi âm lại để nhớ. Đàn tính được truyền dạy bằng cách ấy, người học phải nhìn, nghe và làm theo, không có khuông nhạc trên giấy hay bản ghi nhớ nào nên việc thuộc và nhớ bài không phải dễ. Nhưng đối với người Thái trắng ở Mường Lay, tiếng đàn tính đã quá đỗi thân thương như lời tâm tình, giãi bày mộc mạc, kể chuyện đời, chuyện bản hay thể hiện những cung bậc của tình yêu hoặc dắt người ta vào thế giới tâm linh huyền ảo với các nghi lễ, phong tục truyền thống của dân tộc nên việc học đàn như việc khơi dậy một điều vốn đã có sẵn trong mình. Vì vậy, dù chương trình chỉ có 10 buổi học nhưng nghệ nhân Mào Văn Ết đã cố gắng truyền dạy được 12 bài đàn khác nhau đệm cho các bài múa, bài ca truyền thống của dân tộc Thái trắng, như: Tó Cáy, Má Hính, múa chai, múa nón… Trong lớp học đàn tính có cả những học viên tuổi đã gần 80. Như ông Lò Văn Kính (bản Chi Luông 1, phường Na Lay) đã 76 tuổi, dù tai nghe không còn chuẩn từng tiếng nhạc, tay đã không còn linh hoạt trên những dây đàn nhưng vẫn quyết tâm theo học để góp sức bảo tồn văn hóa dân tộc. Ông Kính kể: Tôi học đàn từ khi còn trẻ. Đến giờ, thỉnh thoảng vẫn đàn trong các dịp lễ hội của bản, thị xã nhưng không biết nhiều bài tính tẩu cổ. Tuy giờ đã già rồi, các ngón tay cũng cứng lại, các bài nhạc cổ thì rất khó đánh nhưng tôi vẫn cố gắng học để về dạy lại cho con cháu biết đến loại hình nghệ thuật của ông cha.

Nếu như học viên lớp đàn tính đều là nam giới thì lớp truyền dạy dân ca dân tộc đều là nữ, hầu hết là hạt nhân văn nghệ tại thôn, bản, thuộc nhiều làn điệu dân ca của dân tộc, trong đó có người chuyên hát đối đáp xin dâu trong lễ cưới, hát trong các lễ hội, hoạt động văn hóa quan trọng của vùng. Họ cùng đến đây học những bài hát cổ để tích lũy thêm vốn văn hóa truyền thống. Buổi học đầu tiên, nghệ nhân Mào Văn Ết dạy các học viên bài Mời rượu. Bài hát lúc vui tươi, lúc khoan thai nhẹ nhàng như lời mời khó chối từ, được xướng lên khi đón khách trong các nghi thức, lễ hội của dân tộc. Với đa số học viên, đây là lần đầu được nghe làn điệu này nên họ say sưa hát, ghi nhớ từng lời ca, từng đoạn thanh nhấn nhá, trầm bổng. Giờ nghỉ giải lao, gian phòng học vẫn vang tiếng hát do các bà, các cô ôn lại bài. Cô Lò Thị Vui (48 tuổi) bản Tạo Sen, xã Lay Nưa cũng đang tập trung ghi nhớ lời bài hát. Cô chia sẻ: Lớp trẻ bây giờ không có nhiều người biết hát dân ca, không hiểu biết về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Cô sợ con cháu ngày càng quen với những thứ hiện đại mà mất đi cái gốc của mình nên tham gia lớp học để sau này có vốn văn hóa truyền dạy lại cho những người trẻ tuổi hơn.

Kho tàng nhạc, ca truyền thống của người dân tộc Thái trắng ở TX. Mường Lay rất phong phú và đa dạng với trên 20 làn điệu dân ca khác nhau, 36 điệu múa với các bài nhạc tương ứng. Số lượng tác phẩm nhiều nhưng vẫn giữ được đặc trưng riêng vừa mang âm hưởng núi rừng vừa phác họa cuộc sống sông nước, là một phần di sản văn hóa sông Đà. Vì thế mà nghệ nhân Mào Văn Ết nói với chúng tôi rằng, văn hóa truyền thống người Thái trắng như một hòn ngọc đang bị phủ mờ, cần được mài cho sáng hơn. Những năm gần đây, nhiều hoạt động bảo tồn giá trị văn hóa đã được tổ chức nhưng chưa phát huy được hết sự giàu đẹp của di sản văn hóa nơi đây, có lẽ cần thêm những lớp truyền dạy các bài nhạc, bài ca, điệu múa truyền thống được tổ chức một cách bài bản hướng tới nhiều đối tượng để khơi dậy lòng tự hào, đam mê và dòng máu văn hóa Mường Lay chảy trong mỗi người. Để qua lớp học, âm nhạc cổ tiếp tục được truyền nối, bà truyền cho cháu, mẹ truyền cho con, người này dạy cho người khác, cả cộng đồng chung tay bảo vệ nét đẹp văn hóa dân tộc.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top