Đến với bài thơ hay

10:43 - Thứ Năm, 20/10/2016 Lượt xem: 5091 In bài viết

Nói với con chồng

Nguyễn Thị Mai

Sao con không nói một câu

Như lời nũng mẹ từ lâu chẳng còn?

Sao con không thể xưng “con”

Để dì cảm thấy ấm hơn căn nhà?

Cứ lầm lũi bước vào, ra

Cho dì tủi phận “mẹ gà, con... ngan”.

Đời dì quá buổi, chợ tan

Nhà con “xẻ nghé tan đàn” khổ đau

Dì không hoa trắng cài đầu

Về nhà con chỉ cơi trầu nồng cay...

Con là con gái thơ ngây

Đàn ông, cha chẳng bù đầy được đâu

Dạy con kết tóc, gội đầu

Nấu ăn, giặt giũ, vá khâu áo quần

Bàn tay hiền dịu, tảo tần

Bưng cơm, rót nước ân cần trước sau...

Dì không mang nặng đẻ đau

Dứt dây mà xót thương bầu, bí ơi!

Kệ cho bánh đúc mấy đời

Người ăn người lại nói lời nghiệt cay.

Sang ngang một chuyến đò đầy

Sông sâu run cả vòng tay đôi bờ.

 

Đêm nay cánh cửa khép hờ

Dì không ngủ được, nằm chờ bước con...

                                         20.5.1994

Báo Phụ nữ Việt Nam – số 3 – ngày 16.01.1995)

Đằm thắm Nguyễn Thị Mai

Tôi hân hạnh được biết nữ sĩ Nguyễn Thị Mai trong một khung cảnh thật tình cờ nhưng lại rất thi vị. Đó là Lễ trao giải cuộc thi Thơ “Viết về người phụ nữ trong tình yêu và cuộc sống gia đình” do Báo Phụ nữ Việt Nam tổ chức sáng thứ 5, ngày 19/01/1995 (tức ngày 19/12 năm Giáp Tuất), tại trụ sở Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (số 39, Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội). Đó là một cô giáo quê chính gốc Thủ đô nghìn năm văn hiến, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, học tiếp lên Thạc sỹ Văn khoa năm 26 tuổi. Tác phẩm “đưa” Nguyễn Thị Mai đến với Lễ trao giải cuộc thi Thơ đầu xuân năm ấy, là giải Ba dành cho bài thơ lục - bát với tiêu đề rất giản dị: “Nói với con chồng”. 

Quả thật, đúng như tiêu đề, bài thơ được mở đầu bởi một chuỗi “độc thoại” trong tâm trạng cô đơn, khắc khoải và bất định của người dì. Sự lặp đi lặp lại sao con không thế này, sao con không thế kia... thực ra là người dì đang tự hỏi chính lòng mình, đang thương cho chính cuộc đời mình. “Đời dì quá buổi, chợ tan // Nhà con xẻ nghé tan đàn khổ đau”, tuy hai cảnh ngộ nhưng chung một nỗi đau tương đồng, vậy thì ta hãy cúi xuống đời nhau, san sẻ cho nhau, bù đắp cho nhau, giúp nhau khỏa lấp những dở dang phận số. Dì về làm bạn với bố con bởi cái nghĩa “trăm chắp nghìn nối”, chứ có đòi hỏi gì đâu ngoài cơi trầu nồng cay? Đơn giản thế vì chín bỏ làm mười, vì thương nhau nên “một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”. Không rõ trước khi tái giá, người chồng có bao nhiêu đứa con riêng với vợ trước và trong đó có bao nhiêu con gái? Tuy nhiên, điều chúng ta biết chắc là anh ấy có ít nhất một cô con gái và tuổi còn nhỏ. Phải, con gái thì mới “kết tóc” và tuổi nhỏ mới cần người dạy cho việc kết tóc. Và thế là số phận đã không chỉ trao cho người đàn ông dở dang một người vợ phúc hậu, chu đáo mà còn trao cho cô con gái riêng của anh một người mẹ (dì ghẻ) hiền thục, ân cần. 

Dù không mang nặng đẻ đau nhưng khi đã thương yêu thì người mẹ kế tự mình nhận lấy thiên chức làm mẹ. Đúng vậy, để chăm sóc, dạy dỗ con gái thì bố không thể bằng mẹ, nhất lại với những việc không thuộc sở trường của cánh đàn ông; đó là: Kết tóc, gội đầu, nấu ăn, giặt giũ, vá khâu áo quần, bàn tay tảo tần bưng cơm rót nước khi cha đau mẹ yếu... Qua 3 cặp lục bát chuẩn xác về vần luật, người đọc thấy hiện lên một bà mẹ không có hình hài nhưng rất rõ tính cách, cặm cụi lo toan, vượt lên định kiến nhân gian: “Kệ cho bánh đúc mấy đời // Người ăn người lại nói lời nghiệt cay”. Chị thừa biết “chuyến sang ngang” này là rất mạo hiểm, đò thì đầy, sông thì sâu mà sóng lại to, gió lại lớn... Ngay cả khi đò đã sang sông nhưng mười hai bến nước biết cặp bến nào, mà thôi, trong nhờ đục chịu đành phó thác cho số kiếp nổi trôi. Lấy chồng phải chiều chồng đã đành một lẽ, nhưng còn phải lựa ý của con chồng nữa cơ và trong nhiều trường hợp, con chồng mới là “trở ngại” lớn nhất, phức tạp nhất, gây nhiều nông nỗi nhất mà không phải người mẹ kế nào cũng có thể dễ dàng vượt qua. Bài thơ khép lại bằng một cặp câu không chỉ sâu sắc về ý mà còn hoàn chỉnh về thủ pháp nghệ thuật: “Đêm nay cánh cửa khép hờ // Dì không ngủ được, nằm chờ bước con”. Hẳn là phải yêu thương đứa con chồng nhiều lắm, người dì mới thắc thỏm nằm chờ con như thế. “Cánh cửa khép hờ” có nghĩa là lòng dì luôn luôn mở, hơn thế, có nghĩa là quan hệ “dì ghẻ - con chồng” mỗi ngày một ấm hơn lên, đang dần vượt qua những “vật cản” ban đầu đến mức xưng “con” mà cũng khó khăn...

Như nhiều người từng nhận xét: Sở trường của Nguyễn Thị Mai là thể thơ lục bát mang hồn cốt dân tộc. Rất nhiều câu thơ có thể nói chị làm dễ như chơi vậy: “Dù anh biển rộng trời xa // Cũng không bước nổi qua tà áo em” (Anh và em); hoặc: “Nhà quê còn chút mẹ già // Đêm thâu thức giấc, canh gà ho khan” (Nhà quê); lại có những câu thơ nhuốm mà cổ điển: “Mỹ nhân nghiêng nước Ninh Kiều // Người không tiếc bạc mà chiều hồng nhan” (Đêm qua phà sông Hậu)... Không những thế, trong khá nhiều bài lục bát, chị tỏ ra rất nhuần nhuyễn, rất linh hoạt, tài tình trong việc vận dụng ca dao (đồng dao, thành ngữ, tục ngữ...). Có câu ca dao chị lấy trọn vẹn, nhưng nhiều trường hợp chỉ lấy một phần hoặc lấy từng ý, thậm chí chuyển từ trường nghĩa này sang trường nghĩa khác mà người đọc vẫn nhận ra khi thưởng thức những điều thú vị, bất ngờ mang đúng phong cách của một cô giáo Văn khoa, không chỉ duyên dáng trong thơ mà rất đằm thắm ngoài đời, thủy chung trong tình thơ, tình bạn, tình người...

Qua gần hai chục tập thơ đã trình làng, ta thấy Nguyễn Thị Mai dành nhiều tâm huyết cho những bài thơ về tình yêu, về tình người, tình ruột thịt; về nỗi vất vả mưu sinh, về sự lênh đênh phận số, dang dở nhân duyên. Nguyễn Thị Mai có nhiều bài thơ viết về phụ nữ mà nhân vật là những người bà, người mẹ, người chị, người vợ, chị công nhân cả những phụ nữ không có tên tuổi làm nghề khuân thuê vác mướn tại các chợ đêm Hà Nội... Theo cảm nhận chủ quan của tôi, dường như Nguyễn Thị Mai thành công hơn cả khi chị viết về nỗi đau, nỗi buồn, nỗi nhớ. Đọc những câu thơ: “Bấy giờ đang cuối mùa xuân // Hoa xoan lã chã từ sân ra vườn” (Nỗi niềm ngày giỗ mẹ), chúng ta không chỉ xúc động mà bỗng chạnh nhớ nhà thơ chân quê Nguyễn Bính, với những câu thơ tài hoa về hoa xoan và về mùa xuân vùng châu thổ sông Hồng...

Hiện nay, Nguyễn Thị Mai đang ở “độ chín” của tài năng, sau những năm dài tích lũy, trải nghiệm và cả những va đập cuộc đời. Trước khi khép lại bài viết đơn sơ trong khuôn khổ hạn chế của trang in, xin chúc cho chị rồi đây có nhiều bài thơ lục bát xúc động hơn nữa, ám ảnh hơn nữa và nhất là đằm thắm hơn nữa...

Trương Hữu Thiêm
Bình luận
Back To Top