Điện ảnh và mỏ vàng văn học

15:53 - Thứ Hai, 24/10/2016 Lượt xem: 3608 In bài viết
Sau thành công vang dội của bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, một tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là Cô gái đến từ hôm qua cũng đã được chuẩn bị để lên phim. Với sự nổi tiếng của tác phẩm văn học, bộ phim được cho là có cơ hội nối tiếp chuỗi thành công trong việc đưa các bộ sách văn học lên màn ảnh.

Sách, phim đồng hành

Bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ công chiếu năm 2015 có thể xem là một trong những bộ phim có tầm ảnh hưởng trực tiếp nhất trong vài năm gần đây của điện ảnh Việt Nam. Không chỉ là số lượng khán giả, doanh thu mà cả hiệu ứng xã hội bộ phim này mang lại. Sau khi phim được chiếu, tình hình khách du lịch đổ về thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên tăng vọt, bởi nơi đây có nhiều cảnh quay trong phim.

 

Cảnh trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (ảnh lớn) và bìa sách cùng tên (ảnh nhỏ).

Không những thế, bộ phim trên còn được đánh giá là ví dụ điển hình nhất của việc song hành giữa phim và sách. Cái tên nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã quá quen thuộc với nhiều thế hệ bạn đọc và rất nhiều người trong số đó đã cố gắng đi xem một bộ phim được dựng từ tác phẩm của ông. Ngược lại, dù tác phẩm văn học đã ra đời từ năm 2010 và được đánh giá cao về mặt văn chương nhưng phải chờ đến khi phim được chiếu, những hình ảnh làng quê trong truyện mới gây ấn tượng mạnh đến khán giả.

Việc chuyển thể tác phẩm văn học lên phim không phải là điều xa lạ gì ở trong nước. Vừa qua, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi, người ta nhắc nhiều đến tác phẩm Đất rừng phương Nam của ông. Trong một cuộc khảo sát về nhà văn Đoàn Giỏi, đây là tác phẩm của ông được bạn đọc biết đến nhiều và cũng nhờ tác phẩm này, Đoàn Giỏi trở thành một trong các nhà văn có tỷ lệ bạn đọc biết đến cao nhất hiện nay, vượt qua cả một số nhà văn nổi tiếng khác.

 

Ekip thực hiện Cô gái đến từ hôm qua tại lễ đóng máy bộ phim. Phim chuyển thể từ truyện dài cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh dự kiến ra rạp vào mùa Valentine 2017.

Lý do chính của việc biết đến này là từ ảnh hưởng của bộ phim truyền hình Đất phương Nam chuyển thể từ tác phẩm Đất rừng phương Nam. Phim được chiếu từ năm 1997 và cho đến nay, sau gần 20 năm, bộ phim vẫn được chiếu trên các kênh truyền hình toàn quốc và vẫn được nhiều thế hệ khán giả cả nước yêu thích.

 

Cảnh trong bộ phim từng làm mưa làm gió một thời Đất phương Nam - phim chuyển thể từ tác phẩm Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi.

Cái khó của làm phim từ sách

Ngay khi bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được công chiếu, rất nhiều khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ đã cho rằng phim có cảnh quay đẹp, lãng mạn, nhẹ nhàng nhưng thiếu mất cái hồn của tác phẩm văn học. Đặc biệt là thiếu cái chất dí dỏm, cách kể chuyện giản dị, gần gũi vốn là thương hiệu riêng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Tuy nhiên, nếu khán giả - bạn đọc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có phần dễ tính với phim thì bộ phim Quyên lại gặp nhiều khó khăn hơn. Là một trong các tác phẩm văn học hiếm hoi viết về người Việt tại Đông Âu trong giai đoạn đầy biến động của lịch sử, bản thân tác phẩm gốc đã là một sự phức tạp và khi chuyển qua ngôn ngữ điện ảnh đòi hỏi rất nhiều sự thay đổi. Kết quả bộ phim nhận nhiều lời chê trách, phê phán vì đã không giống tác phẩm gốc dù chính tác giả, nhà văn Nguyễn Văn Thọ phải nhắc đi nhắc lại rằng mọi người xem phim xin đừng so sánh với sách.

 

Bìa tiểu thuyết Quyên (trái) và diễn diên Ngọc Anh với vai Quyên trong phiên bản điện ảnh.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có kể rằng khi Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh chiếu ra mắt, ông được mời đi xem và khi kết thúc mọi người đều hỏi ý kiến ông về bộ phim, nhà văn đã từ chối trả lời trực tiếp. Theo ông, phim dù là làm từ tác phẩm văn học thì thực tế vẫn là một sáng tác mới, tác phẩm văn học là của nhà văn còn tác phẩm điện ảnh là của đạo diễn, mỗi người tự chịu trách nhiệm với sáng tác của mình.

Sức hấp dẫn của phim từ sách

Nhà thơ Cao Xuân Sơn, Trưởng Chi nhánh NXB Kim Đồng tại TPHCM, trong buổi tọa đàm về Đoàn Giỏi cho biết mảng sách văn học Việt Nam là một kho vàng với điện ảnh. Lấy ví dụ bộ sách về thiên nhiên hoang dã của nhà văn Vũ Hùng, không có nội dung phức tạp về tư tưởng, tâm lý nhưng đầy xuất sắc ở việc miêu tả thiên nhiên, từ thực vật đến các loại động vật. Nếu Đoàn Giỏi đưa Nam bộ đến với bạn đọc miền Bắc khi ấy (thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước) thì Vũ Hùng là người mang Tây Nguyên đến với bạn đọc đồng bằng. Khán giả đã từng mãn nhãn với cuộc sống, thiên nhiên Nam bộ qua những Đất phương Nam, Mùa len trâu, của vùng núi phía Bắc với Chuyện của Pao thì không lý gì Tây Nguyên hùng vĩ lại không có thể thành công.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top