Nghĩ về tâm, đức

09:04 - Thứ Năm, 03/11/2016 Lượt xem: 9428 In bài viết
ĐBP - Nói đến cái tâm của con người, mệnh đề đó đã được chúng ta mặc định là lòng nhân ái, lòng tốt, thương người, làm điều gì cũng hướng về cái thiện. Từ đó, cái tâm của con người được hiểu theo nghĩa rộng là đức độ, là phẩm chất tốt đẹp. Nếu ai có suy nghĩ, lời nói, việc làm trái với đạo lý, đi ngược thuần phong mỹ tục, gây tổn hại về vật chất và tình cảm của cộng đồng, của người khác, thì đó là người không có tâm.

Cái tâm gắn liền với cái đức; tâm sáng thì đức tốt đẹp, tâm tối thì thất đức. Để có được cái tâm trong sáng, tốt đẹp, từ thuở ấu thơ cần có sự giáo dục, dạy dỗ, bồi đắp của gia đình, xã hội. Cùng với đó là sự tiếp thu, nhận thức, rèn dưỡng của cá nhân, biết đặt cái tâm, cái đức lên hàng đầu trong cuộc sống; biết nhận, biết trao, biết hy sinh, dâng hiến, thì mới có tâm trong, đức sáng.

Cái tâm, cái đức của mỗi người không phụ thuộc vào địa vị to hay bé, chức tước lớn hay nhỏ, giàu sang hay nghèo khó, dáng vẻ bề ngoài đẹp hay xấu; mà nó được quyết định tự tấm lòng, sự chân thành, nhân ái. Trong bất cứ xã hội nào, thời đại nào, tâm - đức cũng được đề cao, tôn vinh. Bởi cái tâm, cái đức là bản ngã của con người, chi phối mọi suy nghĩ và hành động; người có tâm - đức làm việc gì cũng luôn hướng về cái thiện, phụng sự lợi ích cho cộng đồng, xã hội. Người có tâm trong, đức sáng sẽ hướng tài năng của mình vào mục đích cao thượng, đẹp đẽ, và phát huy tài năng ấy cho đời. Ngược lại, người thiếu cái tâm thì dẫu có tài năng, cũng chỉ nhằm phục vụ những lợi ích hẹp hòi, xấu xa, thấp hèn, gây khó khăn, cản trở cho xã hội.

Có những người dân nghèo mà sáng ngời cái tâm, cái đức với những việc làm rất bình dị như: nhường đường, nhường chỗ ngồi trên xe, thu nhặt mảnh sành, gai nhọn trên lối đi, giúp đỡ người khốn khó, yếu thế... với cả tấm lòng thiện nguyện mà không cần một sự ghi nhớ, đền đáp nào. Có những đại gia giàu có, sang trọng, mang tiền bạc, ủng hộ nơi này nơi kia, xây dựng những công trình xã hội hoặc chỉnh trang đền chùa, miếu mạo... mong khi sống được người đời mang ơn, khi chết muốn được lên thần lên thánh. Nhưng trong khối tài sản đại gia ấy có, phần lớn là thu được từ mánh lới làm ăn, gian dối chất lượng, bớt xén vật tư, quỵt tiền công người làm... Vậy đại gia ấy có tâm trong, đức sáng, hay việc làm của họ chỉ là để phô trương thanh thế, mưu cầu danh lợi? Có những thương nhân mua bán lừa lọc, làm hàng giả, dùng chất kích thích, hoá chất độc hại ngâm tẩm rau quả, thực phẩm; tái chế đồ ôi thiu, kiếm lời cao. Thế mà tuần rằm, tết nhất, lại sắm sanh lễ vật rất hậu, đốt nhang, cúng tiến, cầu mong thần phật ban phúc lộc mọi bề.

Lại có những gia đình, khi bố mẹ già nua bệnh tật, nghễnh ngãng, lẩn thẩn, con cái đùn đẩy nhau, tị nạnh trong việc báo dưỡng. Thế mà khi các cụ từ trần, lại tổ chức ma chay linh đình, mời thấy cúng tế rùm beng để tỏ lòng hiếu đễ, thể hiện tâm đức với thế gian...

Cái tâm, cái đức mỗi người còn được thể hiện rõ nét qua cách hành xử, thái độ đối với người khác. Người càng giữ vai trò, cương vị, trọng trách cao, càng phải tu dưỡng, bồi đắp cho tâm trong, đức sáng; vì tâm, đức của họ sẽ tác động, tạo hiệu ứng rất lớn tới mọi người trong cơ quan, đơn vị, sẽ ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến tình hình đơn vị. Người lãnh đạo có tâm đức trong sáng, sẽ làm cho cấp dưới khâm phục, tôn trọng, thân yêu, quý mến, tự giác thực thi nhiệm vụ. Nếu bản thân còn thiếu sót, sơ xuất, khi được phê bình, góp ý, sẽ thành thực tiếp thu, sửa chữa một cách cầu thị. Lãnh đạo mà tâm đức kém; quản lý, điều hành đơn vị gia trưởng, thì cấp dưới sẽ sợ sệt bên ngoài, nhưng bên trong lại khinh ghét, coi thường, nội bộ bất ổn. Người lãnh đạo có tâm, có đức, bên cạnh những kỹ năng, phương pháp quản lý, điều hành, chỉ đạo, phải tôn trọng cấp dưới, nhân ái, chân tình, đối xử công bằng, bình đẳng với mọi người; không xun xoe nịnh bợ cấp trên; độc đoán, chuyên quyền, nghiệt ngã với cấp dưới.

Trong đời sống xã hội hiện nay, tác động của nền kinh tế thị trường, những truyền thống văn hoá, giá trị nhân văn, bản sắc tốt đẹp của dân tộc đang bị xâm thực; đó đây cái tâm, cái đức của chúng ta bị mai một, nguỵ biện thì cái tâm, cái đức của mỗi người càng cần phải khơi dậy, bồi đắp, phát huy.

Mỗi cá nhân, gia đình, tới cộng đồng, xã hội, hơn lúc nào hết, phải đề cao, chăm lo dưỡng dục, bồi đắp cái tâm, cái đức. Chúng ta cần có sự quan tâm cổ vũ, nêu gương, tôn vinh kịp thời, nhân lên những con người tâm, đức; đồng thời kịch liệt phê phán những hành vi vi phạm đạo đức, pháp luật; xây dựng xã hội ngày càng đẹp tươi, văn minh.

Trọng Luân
Bình luận
Back To Top