Nhạc kịch Việt gian nan định hình phong cách

14:37 - Thứ Hai, 28/11/2016 Lượt xem: 4124 In bài viết

Những năm gần đây, loại hình sân khấu nhạc kịch xuất hiện khá nhiều tại Việt Nam, hàng loạt vở nhạc kịch được các đơn vị nghệ thuật nhà nước, tư nhân và các cá nhân đứng ra tổ chức thực hiện, với đủ quy mô lớn nhỏ. Tuy nhiên, quá trình hoạt động và phát triển của loại hình nghệ thuật này gặp không ít khó khăn trong việc định hình một phong cách đậm chất Việt. Chưa kể, thể loại nhạc kịch luôn đòi hỏi cao tài năng đạo diễn sân khấu, tay nghề nghệ sĩ, diễn viên cùng ê kíp thực hiện chương trình. Vì thế, chất lượng của nhiều vở nhạc kịch còn bị hạn chế, chưa phát huy hết giá trị nghệ thuật của loại hình nghệ thuật  độc đáo này.

Trăm hoa đua sắc

Cách đây vài năm, nhóm kịch trẻ Buffalo đã làm sôi nổi làng kịch giải trí bằng hàng loạt vở nhạc kịch Chicago, High school musical, Tuyết đỏ, Vũ nữ, Tuyết Sài Gòn, Tình ca phố…

Bằng phong cách trình diễn trẻ trung, sôi động, dàn diễn viên trẻ nhiệt huyết của Buffalo: Đạo diễn- diễn viên Khắc Duy, Hoàng Quân, Khả Như, Diễm Phương, Hạnh Thảo, Mỹ Hạnh, diễn viên Cát Tường… đã cùng tạo nên dấu ấn rất riêng, thu hút được sự quan tâm, chú ý của dư luận, người trong nghề và công chúng trẻ. Đặc biệt, đầu năm 2016, nhóm đã đầu tư và thực hiện vở nhạc kịch Tấm Cám, được ghi nhận là vở nhạc kịch hấp dẫn, được đầu tư công phu về kịch bản, dàn dựng, diễn viên, âm nhạc, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, phục trang… lôi cuốn người xem.

 

Cảnh trong vở nhạc kịch Tình ca phố của nhóm kịch Buffalo.

Với sự sôi động và hấp dẫn của thể loại nhạc kịch, sân khấu kịch Phú Nhuận cũng từng ra mắt vở nhạc kịch Vũ điệu dưới trăng (tác giả: Diệp Tiên - Đinh Mạnh Phúc; đạo diễn: Hòa Hiệp; cố vấn nghệ thuật: NSND Hồng Vân) để phục vụ khán giả.

Đến giữa tháng 10-2016, vở nhạc kịch Chuyện tình nàng Giáng Hương (giám đốc âm nhạc: Phương Nam, cố vấn âm nhạc: NSƯT Hoàng Điệp, biên kịch và đạo diễn: Thiên Hương, đạo diễn sân khấu: Sylvain Merille) trình làng, được đầu tư dàn dựng với kinh phí hơn 12 tỷ đồng, với sự tham gia trình diễn của ca sĩ Nam Khánh, Hoàng Kim, Thanh Nguyên, Tấn Đạt, sinh viên Nhạc viện TPHCM và sinh viên Trường ĐH VHNT Quân đội. Kịch bản của vở được viết nên từ truyện cổ tích giữa Từ Thức và nàng Giáng Hương, được kể trên nền nhạc là những ca khúc bất hủ của Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Lê Thương …

Mới đây nhất, Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM (HBSO) công diễn vở nhạc kịch La Vie Parisiene (Cuộc sống Paris) của nhà soạn nhạc vĩ đại người Pháp Jacques Offenbach, dàn dựng và chỉ huy vở nhạc kịch là nhạc trưởng người Pháp Pactrick Souillot, đạo diễn sân khấu: Tây Phong.

Đây là vở nhạc kịch thứ tư trong số những vở nhạc kịch nổi tiếng nhất trên thế giới được HBSO tổ chức, dàn dựng và biểu diễn.

Vở diễn được dàn dựng đầy đủ với thiết kế sân khấu, diễn xuất kịch, trang phục, đạo cụ và dàn nhạc giao hưởng chơi trực tiếp tại khán phòng. Cuộc sống Parisđược dàn dựng theo phong cách sân khấu hiện đại Broadway với những màn vũ đạo tưng bừng, đạt được chất lượng về âm thanh, hiệu ứng thị giác...

Nhiều chông chênh

Sự ra đời của nhiều vở nhạc kịch - một loại hình nghệ thuật mang tính giải trí cao, được công chúng đón nhận nồng nhiệt trong thời gian qua, đang dần khẳng định vị trí của thể loại sân khấu nhạc kịch trong đời sống văn hóa cộng đồng.

Thực tế cho thấy, đã có hàng loạt tác phẩm nhạc kịch được đầu tư từ vài chục triệu đồng, đến hơn chục tỷ đồng đã công diễn, một số còn là dự án, đang trong quá trình thực hiện, chuẩn bị ra mắt khán giả từ nay cho đến năm 2017. Đó chính là điểm son mang tính bứt phá về nghệ thuật và giải trí, có hoạt động và phát triển mạnh mẽ, giữa thời buổi thị trường sân khấu có nhiều bức bối, khó khăn về mặt bằng tổ chức biểu diễn, tác giả, kịch bản, lượng khán giả đến với sân khấu…

Phải nhìn nhận, để làm được một vở nhạc kịch thật không phải dễ. Thể loại nghệ thuật mang tính tổng hợp này luôn có sự đòi hỏi rất cao tay nghề của đạo diễn, diễn viên - ca sĩ, nhạc sĩ... đặc biệt là tác giả, người sáng tác thể loại nhạc kịch giỏi vô cùng hiếm. Với đạo diễn thì phải dàn dựng sao cho thật khéo để nhạc và kịch hòa hợp trong một không gian chung, thể hiện tốt thông điệp mà câu chuyện muốn gửi đến khán giả, diễn viên bên cạnh việc diễn giỏi còn phải hát hay, nhảy đẹp, năng động, nhanh nhạy, thể hiện được sức truyền cảm, lôi cuốn với người xem. Bên cạnh đó còn là sự hỗ trợ vô cùng quan trọng của âm thanh, ánh sáng - cũng là điều kiện tiên quyết góp phần tạo nên sự thành công của các vở nhạc kịch. Thế nhưng, phần kỹ thuật này, hiện nay vẫn chưa được đầu tư thật đủ chuẩn, nên hiệu quả về hiệu ứng âm thanh, ánh sáng trong các vở nhạc kịch vẫn chỉ đạt được chất lượng ở mức độ vừa phải. 

Xu thế thời đại

NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM chia sẻ: “Với thể loại nhạc kịch, nhà hát vẫn đang từng bước xây dựng, thử thách, tìm kiếm một phong cách riêng về trình diễn nhạc kịch, nỗ lực tổ chức dàn dựng thêm nhiều kịch mục để tăng dần số lượng tác phẩm trình diễn, đáp ứng nhu cầu của khán giả. Ở các vở nhạc kịch trước như Carmen, Cây Sáo Thần… nhà hát đều phải mời các nghệ sĩ, đạo diễn quốc tế cùng tham gia vào chương trình.

Nhưng đến vở Cuộc sống Paris, chúng tôi đã tự chủ động, chỉ mời duy nhất một vị chỉ huy người Pháp tham gia nhằm giữ được tính cách Pháp trong tác phẩm nhạc kịch của Pháp, ê kíp còn lại hoàn toàn là nghệ sĩ Việt Nam, vở diễn bằng lời thoại tiếng Việt. Chúng tôi cũng luôn chú trọng: nhạc kịch phải là một vở có nội dung xuyên suốt, được xây dựng bằng một kết cấu, câu chuyện kịch được diễn giải bằng âm nhạc một cách hợp lý, không thể là những bài hát lắp ráp lại, phải có dàn nhạc sống, hát sống, sân khấu, cảnh trí, ánh sáng… rất riêng của câu chuyện kể. Và chúng tôi vẫn đang từng bước học hỏi, tìm tòi cách làm nhạc kịch”.

Trên thế giới, nhạc kịch đã có cả trăm năm, là loại hình sân khấu nghệ thuật tổng hợp gần giống với điện ảnh, có sức hấp dẫn lớn, tiếp cận gần với khán giả. Vậy nên, tại TPHCM, việc các vở nhạc kịch xuất hiện ngày càng nhiều, xu hướng làm nhạc kịch được nhiều đơn vị, cá nhân đầu tư thực hiện trong thời gian qua đã giúp thể loại sân khấu năng động, sôi nổi, độc đáo này có những bước phát triển hiệu quả, được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Điều đó cũng thể hiện rõ nhu cầu của xã hội, của đời sống văn hóa tinh thần người dân hôm nay - một nhu cầu mang tính đẳng cấp của khán giả. Mặt khác, loại hình nhạc kịch phát triển tốt đẹp còn góp phần làm tươi tắn hoạt động tổ chức biểu diễn của lĩnh vực sân khấu, đa dạng hóa hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí tại TPHCM.

Tuy nhiên, để loại hình nghệ thuật mang tính giải trí cao này có nhiều cơ hội phát huy, cần lắm sự nhiệt huyết, tấm lòng, tình yêu, niềm đam mê của những người đang làm nghệ thuật. Hơn thế nữa, là phải nỗ lực tạo nên một xu thế và phong cách nhạc kịch riêng, đậm chất Việt.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top