Đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp: Thiếu và yếu!

16:18 - Thứ Hai, 28/11/2016 Lượt xem: 4548 In bài viết
Trong khi xu hướng đào tạo âm nhạc không chuyên nở rộ thì đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp lại đang đứng trước nhiều thách thức, một số chuyên ngành đào tạo âm nhạc ở các trường giảm dần về số lượng người theo học…

Từng đào tạo rất nhiều nghệ sĩ tài năng, trong đó có nhiều người đã trở thành phó giáo sư, giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo ưu tú, nghệ sĩ biểu diễn nổi tiếng với không ít giải thưởng trong và ngoài nước nhưng khoa Kèn – Gõ của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đang đối diện với khá nhiều vấn đề.

 

Đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, đặc biệt là biểu diễn nhạc cụ chuyên nghiệp đang gặp nhiều khó khăn hiện nay.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Phương Đông cho biết, nhiều năm gần đây, vấn đề tuyển sinh là câu chuyện nhiều nan giải cho khoa Kèn – Gõ cũng như các khoa nhạc cụ khác tại Học viện.

Không nhiều học sinh muốn theo học chuyên nghiệp các chuyên ngành nhạc cụ phương Tây kinh điển. Lý do là những chuyên ngành này yêu cầu phải được đào tạo rất cơ bản và công phu, thời gian học kéo dài nhiều năm, dễ làm nản lòng người học.

Người theo học cũng cần sự đầu tư khá dài hạn của các gia đình. Khi ra trường, người được đào tạo không có nhiều cơ hội phát huy khả năng cũng như kiếm thu nhập vì không có nhiều cơ quan tuyển dụng, lương bổng lại ít…

Công tác đào tạo và thực hành cũng có nhiều vấn đề phải bàn. Tại các nước có các cơ sở đào tạo các nhạc cụ phương Tây, nhất thiết phải có dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc thính phòng cho học sinh, sinh viên thực tập và thực hành.

Thậm chí, tại các trường âm nhạc lớn trên thế giới, mỗi trường còn có đến 3, 4 dàn nhạc cho sinh viên hoạt động, luyện tập, thực hành, biểu diễn báo cáo trong các năm học. Nhưng, dàn nhạc giao hưởng sinh viên tại Học viện đã không còn hoạt động từ năm 2010…

Với sự đầu tư về đào tạo âm nhạc như ngày nay thì chất lượng đào tạo các nhạc cụ phương Tây sẽ rất khó cạnh tranh với khu vực và châu Á.

Chưa kể, việc tuyển không được nhiều học sinh và nhiều chuyên ngành chỉ tuyển được số lượng ít học sinh dẫn đến việc không đủ biên chế xây dựng các nhóm Ngũ tấu kèn gỗ, Ngũ tấu kèn đồng, trong khi, các nhóm này là bộ khung cho các dàn nhạc thính phóng, giao hưởng trong tương lai.

Việc các dàn nhạc giao hưởng tại Việt Nam đã đủ biên chế dẫn đến việc sinh viên của Học viện không được mời cộng tác, không có cơ hội thực hành. Tình hình nhạc cụ cũ, chất lượng kém sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Đội ngũ giảng viên chưa thường xuyên được thực tập nâng cao tay nghề và bổ sung kiến thức âm nhạc mới, đặc biệt là âm nhạc đương đại…

Với ngành chỉ huy hợp xướng, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Cầm cũng chia sẻ rằng so với khu vực và thế giới, vì nhiều lý do chủ quan và khách quan, trình độ hợp xướng của Việt Nam còn non yếu. Số lượng tác phẩm hợp xướng Việt Nam còn quá ít, không đủ để giảng dạy trong toàn khóa học (4 năm).

Về thể loại cũng chưa đa dạng, còn nhiều tác phẩm với những thủ pháp chưa chuẩn mực, rất ít tác phẩm phù hợp dùng để giảng dạy những kỹ thuật chỉ huy khác nhau…

Với nhạc cụ dân tộc, tình hình cũng không mấy khả quan. Theo  giảng viên Nguyễn Thị Thanh Tâm, trong khối di sản văn hóa to lớn của âm nhạc truyền thống Việt Nam thì nhạc cụ truyền thống góp phần không nhỏ trong việc tạo nên những hình thức âm nhạc khác nhau và đòi hỏi phải có một quá trình đào tạo công phu, khoa học, kết hợp với việc duy trì, bảo tồn, phát triển liên tục.

Tuy nhiên, các chương trình đào tạo của chúng ta vẫn thiếu hấp dẫn, chậm đổi mới, trong khi thị hiếu khán giả, các điều kiện xã hội, nhu cầu mới trong xu hướng hội nhập phát triển ngày một cao, đa dạng.

Vị trí vai trò, sức ảnh hưởng của âm nhạc truyền thống đang chịu sức ép rất lớn từ những dòng nhạc, phong cách âm nhạc hiện đại cả trong nước, nước ngoài. Đã có nhiều cuộc hội thảo khoa học được mở ra xung quanh vấn đề đầy cấp thiết này, song kết quả đem lại chưa được là bao.

Thực tế đặt ra cho người làm nghề là phải có sự đổi mới thật sự mới hy vọng hòa nhập được với đời sống âm nhạc đương đại… Chưa kể, việc đào tạo này mới chỉ có khung chương trình mà chưa có một hệ thống giáo trình cụ thể, thống nhất cho mỗi cây đàn…

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam chia sẻ rằng, khoa Nhạc cụ truyền thống của Học viện hiện nay đang đào tạo 8 chuyên ngành: Bầu, Nhị, Sáo, Nguyệt, Tỳ bà, Tam thập lục, Thập lục, Gõ dân tộc.

Đây là những nhạc cụ cơ bản, đặc trưng của dân tộc Kinh. Nhưng nếu giảng dạy nhạc cụ truyền thống mà chỉ xoay quanh các nhạc cụ của người Kinh thì vẫn chưa đủ vì dân tộc thiểu số có nhiều nhạc cụ dân tộc rất đặc trưng...

Tìm giải pháp cho đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp nói chung, đào tạo tài năng âm  nhạc nói riêng trong xu thế hội nhập, Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Văn Thành cho rằng, rất cần tìm ra những cách đi mới, chính sách mới, quy trình mới, phương pháp mới để tạo ra động lực mới cho sự nghiệp đào tạo.

Nhà nước nên tập trung kinh phí cho các ngành đào tạo tài năng mũi nhọn, có nhu cầu trình độ cao, không dàn trải nguồn kinh phí cho mục tiêu đào tạo đại trà.

Cần có thêm  nhiều trung tâm đào tạo tài năng trẻ được Nhà nước tạo điều kiện cơ chế, chính sách, tài chính, chế độ đãi ngộ xứng đáng cho đội ngũ giảng viên, học sinh tài năng, mở thêm nhiều cuộc thi chuyên nghiệp cấp quốc gia và thế giới…

Theo CAND
Bình luận
Back To Top