Truyện ký

Một chuyện nhỏ xúc động

09:06 - Thứ Năm, 08/12/2016 Lượt xem: 3325 In bài viết

ĐBP - “Đừng định kiến với cách sinh hoạt của con trẻ bây giờ” - Người lính già thủ trưởng cũ của tôi nói như vậy. Cụ bảo:

- Cậu còn nhớ không? Ngày cậu vào học lớp Quân y sỹ khóa 5, cậu là học viên trẻ nhất lớp, 20 tuổi, mình nhìn cậu và tác phong sinh hoạt của cậu không cảm tình chút nào, dân thành phố, đầu tóc bù xù, quần áo luộm thuộm, luôn bị trực ban nhắc, cậu chỉ cười trừ và xin lỗi rồi chuyện đâu vẫn cứ thế. Mình mở hồ sơ cá nhân của cậu ra đọc, thằng quỷ, nó là học trò, tình nguyện đi lính trước tuổi, có thành tích trong chiến đấu nên được đơn vị cho về học.

Trầm ngâm một lát rồi ông nói tiếp:

- Thời gian học bị rút ngắn để có cán bộ đưa đi phục vụ chiến trường. Cả lớp Y 5 của cậu đều chịu khó học, nhiều cậu học rất giỏi, các cậu được đưa trở lại chiến trường, cậu nào cũng thể hiện bản lĩnh vững vàng và có chuyên môn tốt, được thương binh quý mến và tin tưởng. Thế hệ của các cậu là niềm tự hào của lớp thanh niên thời chống Mỹ!

Tôi thấy vui khi nghe thầy nhắc lại kỷ niệm ngày tôi được quân đội đào tạo trở thành thầy thuốc chiến sỹ. Có một chuyện mà thầy không biết. Cứ đến chủ nhật được nghỉ học thì nhóm học viên cùng quê lại ra khu vực bản Ban, nơi các cơ quan của huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) sơ tán để ăn một bát phở “không người lái’ và tìm đến nhà cụ Cầm Thì Niền, ở đây họ gọi cụ là Nàng Niền, sống độc thân. Cụ có một cuộc sống tao nhã, đạm bạc. Cánh lính chúng tôi gọi cụ là Êm Niền (mẹ Niền). Khi lên sàn được cụ cho uống cà phê do cụ trồng ngay tại vườn nhà và nghe cụ đọc “Truyện Kiều”, “Sống chụ xon xao” cho nghe. Kể cũng lạ, ở cái xứ Thái xa xôi này lại có một bà cụ thuộc Truyện Kiều của Nguyễn Du và giảng giải về Truyện Kiều thâm thúy như thầy Nhất Linh dạy văn cho chúng tôi tại Trường Lương Văn Tụy (tỉnh Ninh Bình). “Sống chụ xon xao” là điều mới lạ, một truyện tình đầy tính sử thi của dân tộc Thái vùng Tây Bắc - Việt Nam.

Nhớ lần đến thăm cụ, chúng tôi gặp cụ bà Bua Chăn (bạn của cụ Niền) từ bên Siềng Khọ (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) sang thăm. Chúng tôi được hai cụ kể cho nghe về phong tục, tập quán sinh hoạt của dân tộc Thái và dân tộc Lào. Qua câu chuyện, các cụ biết chúng tôi đã từng chiến đấu tại Siêng Khoảng và Sầm Nưa (Lào), hai cụ rất quý chúng tôi, coi như con, có ngày nghỉ hai mẹ còn vào tận trường, nơi sơ tán thăm chúng tôi tại bản Co Sâu, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn. Thế rồi cũng đến ngày ra trường, chúng tôi lại ba lô, cơm nắm theo những đoàn quân chinh chiến lên đường chiến đấu tại chiến trường Nậm Bạc (Lào).

Năm 1976 tôi chuyển ngành về Điện Biên công tác, đất nước có nhiều thay đổi, đã lâu lắm, mấy chục năm rồi tôi mới được gặp lại người thủ trưởng của mình, cụ Đào Ngọc Giản, nguyên phó viện trưởng Quân Y viện 6 - Quân khu Tây Bắc. Năm ấy cụ Đào Ngọc Giản, đã 87 tuổi, lên thăm Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng Điện Biên Phủ (1954- 2014). Tôi tha thiết mời người chỉ huy già năm xưa về nhà riêng của mình, cả nhà tôi quây quần bên mâm cơm để được trò chuyện với cụ. Cụ rất minh mẫn, nói: “Mình ở đây ngày mai thôi, ngày kia lại trở về Hà Nội vì tuổi đã cao xa nhà lâu ngày không tiện”. Cụ kể: “Năm ngoái có một hôm mình đi khám bệnh tại Bệnh viện Tai Mũi Họng (Hà Nội). Bác sỹ kê đơn, mình đang xếp hàng mua thuốc thì có một thanh niên (trạc 25 - 26 tuổi) đứng trước mình bỗng lùi lại, nói với mình một cách rất lễ phép: “Mời cụ lên mua trước con”. Mình cảm ơn, nhưng khi mở ví lấy tiền thì thiếu tiền, mình nói thôi để ngày mai tôi đến mua vậy. Người thanh niên ấy lại kéo tay mình và nói “Con còn tiền đây, con biếu cụ để cụ mua”. Mình rất ngạc nhiên, vì mình có quen biết thanh niên này đâu? Mình bảo nhà tôi ở Hà Nội thôi mà, để ngày mai tôi đi mua cũng được. Anh thanh niên khẩn khoản: “Con giúp cụ thật lòng mà, cụ tuổi đã cao đi lại nhiều lần ảnh hưởng tới sức khỏe”. Tôi hỏi tên anh là gì, đang sống ở đâu? Anh thanh niên cười và nói có gì đâu, con giúp cụ một chút thôi mà và kiên quyết không nói tên...

Mua xong thuốc mình quay ra cứ như mất cái gì. Mình quay lại nơi bán thuốc thì gặp anh thanh niên đang đi với bố, mình gặng hỏi thì được bố anh cho biết tên người thanh niên đó là Đàm và đang sinh sống ở thành phố Điện Biên Phủ, mình đã ghi tên và địa chỉ vào mảnh giấy, định có dịp lên Điện Biên thì ghé vào thăm Đàm. Trước khi đi mình tìm mảnh giấy ghi địa chỉ, nhưng tuổi già lẫn cẫn, tìm mãi không thấy tờ giấy ghi địa chỉ Đàm ở đâu. Dịp này về Hà Nội, mình tìm lại nếu thấy thì mình gọi lên nhờ chú đến thăm Đàm và thay mình cảm ơn cậu ấy nhé!”.

Sáng ngày hôm sau, theo yêu cầu của cụ, vợ chồng tôi đưa cụ đến Nghĩa trang Liệt sỹ Tông Khao (Điện Biên). Qua chỉ dẫn của người quản trang, cụ tìm thấy ngay hai ngôi mộ của bạn mình ở hàng đầu những ngôi mộ trong nghĩa trang. Thắp hương cho các liệt sỹ tại nghĩa trang xong, cụ sang thắp hương bên Nghĩa trang Liệt sỹ Độc Lập rồi đi thăm bản Pe Luông, thăm cánh đồng Mường Thanh. Người lính già chia tay Điện Biên với lời chào mãn nguyện.

Về đến Hà Nội ít hôm, cụ tìm thấy mảnh giấy ghi tên Phan Văn Đàm, nhà ở phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ. Với tâm trạng vui mừng, cụ gọi điện báo tin cho tôi. Qua tổng đài bưu điện, tôi được biết số điện thoại nhà Đàm, tôi tìm đến nhà, Đàm có một cửa hàng nhỏ bán vật liệu sinh hoạt gia đình tại phố cũ, hai vợ chồng trẻ từ Khoái Châu - Hưng Yên lên Điện Biên lập nghiệp. Tôi nói với Đàm thay mặt bác Đào Ngọc Giản chân thành cảm ơn cháu. Đàm nói: “Có gì đâu chú, nếu cháu không giúp cụ thì cũng có người khác giúp thôi, cháu chỉ tiếc là không được đón cụ về thăm nhà cháu”.

Tôi thầm nghĩ vẫn còn một “thế hệ vàng” nên càng vững tin vào ngày mai tươi sáng, trong chế độ ưu việt của chúng ta...

Phạm Tiến Bình
Bình luận
Back To Top