Chọi dê ở Tủa Chùa, đa dạng sắc màu văn hóa

09:14 - Thứ Năm, 08/12/2016 Lượt xem: 5861 In bài viết
ĐBP - Chọi dê là trò chơi dân gian thường tổ chức ở nhiều địa phương thuộc khu vực miền núi phía Bắc vào các dịp đầu xuân. Những con dê to, khoẻ được tuyển chọn từ các hộ gia đình để đại diện cho đàn dê của xã, bản tham gia thi đấu. Tại cuộc thi, ban tổ chức sẽ tìm ra những con dê chiến thắng để trao thưởng cho chủ nhân nhằm khích lệ các hộ chăn nuôi trong cộng đồng dân cư. 

Tháng 10/2016, lần đầu tiên chọi dê được đưa vào nội dung thi đấu chính thức trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Tủa Chùa. Đây được coi là điểm nhấn mới lạ, ấn tượng đối với đồng bào các dân tộc huyện Tủa Chùa và du khách.

 
Tủa Chùa là nơi có nền văn hóa đa dạng, phong phú với các lễ hội gắn với phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc địa phương. Với 3/4 diện tích tự nhiên là núi đá, do vậy việc phát triển kinh tế của đồng bào nơi đây luôn gắn liền với chăn nuôi, phát triển đàn gia súc, gia cầm. Trong đó, phát triển đàn dê luôn được coi là thế mạnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên. Bên cạnh những giá trị kinh tế mà đàn dê mang lại, mới đây, huyện Tủa Chùa đã đưa nội dung chọi dê vào chương trình chính thức trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc của huyện. Hội chọi dê đã để lại ấn tượng tốt với người dân và góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa mang đậm dấu ấn trên vùng cao nguyên đá.

 

Một pha tranh tài quyết liệt của hai đấu sỹ dê.

Để tạo không khí vui nhộn, Ban tổ chức đặc biệt chú ý công tác thuyết minh để các trận đấu hay, hấp dẫn với lời bình luận thú vị. Việc gọi tên những chú dê khi thi đấu như thế nào cũng là vấn đề Ban tổ chức đưa ra bàn bạc kỹ, nếu như hội chọi trâu thì gọi là “ông” trâu, dê thì phải gọi như thế nào để vừa có tính trang trọng lại vừa hấp dẫn và tên gọi được thống nhất là “đấu sĩ dê”.

Đây là lần đầu tiên hội chọi dê tổ chức trên địa bàn huyện nhưng đã tạo sức hút rất lớn. Đây cũng là nội dung thu hút đông đảo người dân theo dõi với nhiều tràng vỗ tay không ngớt cùng tiếng reo hò thích thú. Bà con đứng kín quanh “sàn đấu” để được tận mắt xem từng pha ra đòn của các "đấu sĩ". Trong sân đấu, các đấu sĩ dê ngoài thể hiện những thế võ, miếng võ như ghè, khóa sừng, húc… còn có một “thế võ lạ” và “độc” là dùng sức mạnh 2 chân trước nâng đầu lên thật cao, lấy hai chân sau làm trụ, bật lên rồi bổ nhào vào đối thủ rồi dùng cặp sừng rắn chắc của mình chọi thật mạnh vào đầu đối thủ. Những cú va chạm mạnh tạo nên âm thanh chan chát, đối thủ nào không chịu được, bỏ chạy là thua cuộc. Mỗi lần chủ động tấn công như vậy, đấu sỹ dê sẽ được 1 điểm, khi hết thời gian thi đấu, bên nào nhiều điểm sẽ thắng cuộc. Anh Quách Văn An, khu Đồng Tâm, thị trấn Tủa Chùa chia sẻ: Tôi vẫn nhớ như in cảm giác phấn khích khi lần đầu xem chọi dê. Được tận mắt chứng kiến những con dê trên “sàn đấu”, chỉ xem một lần là mê ngay. Thích nhất là đòn bật nhảy rồi bổ nhào vào đối phương. Âm thanh phát ra từ 2 cặp sừng khi chúng từ trên cao bổ nhào xuống va vào nhau tạo nên những tiếng “cắc cắc” rất vui tai. Hy vọng sẽ có nhiều cuộc thi như vậy được tổ chức trong các dịp lễ Tết để người dân được tham gia.

Ông Lò Văn Thiện, bản Cáp, thị trấn Tủa Chùa, là chủ của đấu sĩ dê được xã chọn đi thi đấu tại hội thi chia sẻ: Để có được một chú dê thi đấu tốt, phải chú trọng ngay từ khâu chọn dê đến quá trình chăm sóc, đặc biệt là khâu huấn luyện phải được thực hiện thường xuyên. Hội thi lần này đã thu hút được 18 chú dê đến từ 13 đội tham gia thi đấu. Kết quả, cả 2 đấu sĩ dê của đội Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đoạt giải nhất ở cả 2 hạng cân: dưới 35kg và trên 35kg. Với tiềm năng và thế mạnh chăn nuôi dê vốn có của địa phương, cộng với thành công ban đầu mà hội chọi dê mang lại, huyện Tủa Chùa đang tiếp tục đẩy mạnh nâng cao số lượng và chất lượng đàn dê để phát triển kinh tế. Khuyến khích người dân nuôi dê và chọn lọc ra những con dê có phẩm chất tốt để huấn luyện, phục vụ thi đấu trong các dịp lễ hội làm phong phú thêm sắc màu văn hóa. Lần đầu tổ chức, hội chọi dê đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người xem. Tới đây, hội chọi dê sẽ còn được duy trì và mở rộng đến các địa phương trong huyện để tạo nên những hoạt động mang đậm nét văn hóa của đồng bào các dân tộc và góp phần phát triển du lịch, thu hút du khách đến với địa phương.

Bài, ảnh: Văn Thành Chương – Thu Trang
Bình luận
Back To Top