Văn học thiếu nhi - Khoảng trống khó lấp

15:03 - Thứ Hai, 12/12/2016 Lượt xem: 3701 In bài viết
Liên tiếp nhiều năm, mảng văn học thiếu nhi của các tác giả trong nước bị đánh giá là “mất mùa” với lượng sách xuất bản chỉ chiếm khoảng 20% tổng số sách thiếu nhi được xuất bản. Đó là chưa tính tới đa số trong đó là sách thành hình do nỗ lực của các đơn vị xuất bản trong nước nhằm ủng hộ các cây bút Việt hơn là thực sự xuất bản theo nhu cầu của thị trường.

Thiếu ý tưởng

Vừa qua, nhà văn Lê Hữu Nam giới thiệu lại tác phẩm viết cho thiếu nhi của mình với nhan đề Cuộc phiêu lưu kỳ thú của ếch xanh. Nam được đánh giá là cây bút nhiệt thành viết cho thiếu nhi hiện nay, trước đó, tác phẩm Mật ngữ rừng xanh của Nam cũng hướng đến bạn đọc nhỏ tuổi đã giành giải thưởng văn học của Hội Nhà văn TPHCM năm 2015.

 

Bạn đọc nhỏ tuổi tham gia các trò chơi tại một cuộc giao lưu về sách thiếu nhi.

Tác phẩm của Nam được đánh giá cao ở nội dung khi đưa bạn đọc nhỏ tuổi đến với thiên nhiên, với ý thức bảo vệ môi trường. Thế nhưng, ở góc độ hình thức thể hiện, các tác phẩm của Nam thực sự chưa mang tính đột phá đáng kể nào mà vẫn theo mô típ quen thuộc của các tác phẩm thiếu nhi Việt Nam.

Có một nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi cho rằng không thể buộc nhà văn viết những đề tài mà họ không am hiểu hay không thích và rằng với người sáng tác không nên định hướng đề tài mà cần có sự tự do sáng tác. Điều này không sai nhưng nó chỉ giới hạn ở người sáng tác. Còn nếu nhìn nhận ở tổng thể thị trường sách thì nếu hầu hết các tác phẩm chỉ theo cùng một dạng thể hiện thì rõ ràng đó là sự đơn điệu cho người đọc. Đây là một thực tế trong lĩnh vực xuất bản.

Tại các hội thảo về sáng tác cho thiếu nhi, thực trạng thiếu người viết, thiếu tác phẩm luôn được xem là trở ngại lớn nhất cho sự phát triển văn học thiếu nhi Việt Nam hiện nay. Nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi nhưng thực chất là để người lớn đọc, bởi thiếu nhi trong sách là của 30 - 40 năm về trước, cả người viết lẫn người đọc đều sống trong hoài niệm về thời tuổi thơ đã qua.

Hỗ trợ sáng tác quá hiếm hoi

Cách đây vài năm, khi nhắc đến sáng tác văn học trong nước, những cảnh báo tập trung vào các tác phẩm dành cho lứa tuổi từ thiếu nhi đến thanh thiếu niên. Thế nhưng hiện nay, cảnh báo chỉ còn ở mảng sách thiếu nhi, mảng sách thanh thiếu niên thời gian qua đã có sự khởi sắc rõ rệt, nhiều tác phẩm ra mắt, đề tài ngày càng phong phú và đa dạng, nội dung gắn liền với đời sống bạn đọc trẻ hôm nay. Sự thành công đó một phần đến từ chính các tác giả trẻ, những người có một ưu thế lớn khi viết cho bạn đọc đồng trang lứa hay ít nhất cũng là lứa tuổi họ vừa đi qua.

Viết cho thiếu nhi lại khó khăn hơn rất nhiều, thiếu nhi dĩ nhiên rất khó để sáng tác văn học, lứa tuổi trưởng thành ngại viết cho thiếu nhi bởi tính hạn chế trong dòng sáng tác này như phải bảo đảm tính giáo dục, phải có chất văn trong sáng… Lứa nhà văn gạo cội thì như đã nói ở trên, không còn nắm bắt được nhu cầu của bạn đọc nhỏ tuổi hôm nay. Chính vì thế, ngày càng nhiều cây bút viết cho thiếu nhi như Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Thuần, Châu Giang, Phương Huyền… từng thành công, giành giải thưởng với văn học thiếu nhi, đến giờ, người gác bút, người chuyển qua viết cho người lớn. Thậm chí ngay cả các giải thưởng tác phẩm viết cho thiếu nhi gây được tiếng vang vừa qua như Cả làng biết bay của nhà văn Thu Trân (giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM 2013), Mật ngữ rừng xanh (giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM 2015) cũng được xem là những tác phẩm bộc phát của các tác giả chứ không phải dòng sáng tác chủ lưu của họ.

Tác giả ít, tác phẩm ít và cả giải thưởng cũng ít đến mức gần như không có. Sau một thời gian giải tán - sáp nhập, Ban Công tác Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam mới được lập lại nhưng hoạt động vẫn chỉ là cầm chừng, chưa có dấu ấn nào nổi bật. Giải thưởng cho người sáng tác văn học thiếu nhi vẫn năm có năm không, không có giải riêng nào mảng sách này.

Không phải cứ có tiền là có sách hay

Theo con số thống kê từ các đơn vị xuất bản đến các nhà phát hành thì trong suốt 10 năm qua, mảng sách thiếu nhi luôn là mảng sách có số lượng sách xuất bản lớn nhất nước (không tính sách giáo khoa). Thế nhưng nếu phải điểm danh đội ngũ nhà văn chuyên sáng tác cho thiếu nhi trong nước chỉ có vỏn vẹn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là thường xuyên có tác phẩm mới. Hầu hết những tác giả viết cho thiếu nhi được xuất bản vừa qua đều là những tay ngang, thi thoảng nhảy qua viết một vài tác phẩm thiếu nhi để tự làm mới chính mình.

Điều đáng nói là khoảng trống sáng tác cho thiếu nhi không có dấu hiệu sẽ thu nhỏ lại. Người viết đã hiếm mà còn hiếm hơn nữa là cơ hội để tác phẩm có dịp trình diện bạn đọc. Các đơn vị xuất bản dù có lòng nhưng áp lực kinh doanh cũng khiến họ khó có thể trở thành kênh giới thiệu tác phẩm cho những cây bút mới chưa kể dòng sách dịch dễ thực hiện, dễ bán luôn được các đơn vị xuất bản ưa chuộng hơn. Mạng xã hội từng được xem là kênh giới thiệu sách trẻ hiệu quả lại không thích hợp với sách thiếu nhi. Các tạp chí dành cho thiếu nhi vừa ít lại phải tập trung vào những đề tài nóng, hấp dẫn bạn đọc hơn là làm vai trò sân chơi cho sáng tác văn học thiếu nhi...

Một nhà văn nổi tiếng với những sáng tác văn học kinh điển cho thiếu nhi trong nước đã từng có khẳng định gây sốc: “Nếu trao giải thưởng một tỷ đồng thì sách thiếu nhi sẽ hay ngay”. Dĩ nhiên, một giải thưởng tiền tỷ cho văn học có lẽ quá xa vời, chưa kể không phải cứ có tiền là có ngay sách hay!

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top