Độc đáo chợ phiên Xá Nhè

08:59 - Thứ Tư, 14/12/2016 Lượt xem: 4906 In bài viết
ĐBP - Chợ phiên Xá Nhè, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa cứ 6 ngày họp 1 lần nhưng được tổ chức lùi ngày, nếu tuần này họp vào ngày thứ 4 thì tuần sau sẽ là thứ 3 và tuần kế tiếp sẽ vào thứ 2... Có mặt tại chợ phiên Xá Nhè, từ sớm các sạp hàng của người dân địa phương, của tư thương được bày khá đông. 

Khắp các ngả đường từ bản đến các xã lân cận Mường Đun, Tủa Thàng, Mường Báng... người dân từ trẻ nhỏ, các đôi trai gái tới các cụ già xúng xính, rực rỡ trong sắc phục dân tộc xuống chợ. Khi mặt trời vượt khỏi đỉnh núi thì cả một khoảng đất rộng đã đông nghịt người bán kẻ mua, ngập tràn màu sắc và rộn rã tiếng nói cười, khuôn mặt ai cũng tươi cười như trút bỏ những vất vả cực nhọc của cuộc sống lao động thường ngày.

 
Hàng mang xuống chợ trao đổi chủ yếu là nông sản do những người dân trong vùng tự sản xuất như: Lợn “cắp nách”, gà “chạy bộ”, măng khô, mật ong, nhộng ong và rau, củ, quả… Có lẽ ấn tượng hơn cả là rượu Mông Pê, đây là loại rượu nổi tiếng của vùng được chưng cất từ ngô và ủ bằng men lá, rượu có mùi thơm nồng, khi uống say êm không sốc. Hay những sạp bày bán hàng thổ cẩm rực rỡ đa chủng loại sắc màu với những họa tiết hoa văn tinh xảo, tỉ mỉ cầu kỳ đến từng đường nét. Chợ phiên Xá Nhè không phục vụ hàng ngày nên hàng quán chỉ là những dãy nhà tre thấp, lợp gianh, hoặc căng tạm bạt hay thậm chí hàng hóa được bày bán trên một chiếc bao, người bán hàng vừa ngồi bán hàng vừa tự che ô cho mình.

 

Một góc chợ phiên Xá Nhè.

Chợ phiên không những giúp đồng bào trong vùng trao đổi, tiêu thụ hàng hóa, thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần xóa đói giảm nghèo, mà đặc biệt đó còn là nơi giao lưu tình cảm, sinh hoạt văn hóa, là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Những chàng trai, cô gái Mông gặp gỡ làm quen, trò chuyện, mến nhau thì hẹn phiên chợ tới gặp lại, nhiều đôi nên nghĩa vợ chồng từ đây. Đàn ông kéo bạn bè vào quán lá với một vài món đơn giản cùng bát rượu ngô họ có thể trao đổi thông tin, tâm sự hàn huyên sau một tuần lao động vất vả, thậm chí có người cao hứng hát hò, thổi khèn vang một góc chợ. Còn các cô, các chị thì từng tốp dăm ba người vừa mua hàng vừa nói chuyện bên sạp hàng váy áo hoặc đồ dùng gia đình... Ở góc khác một đám quây tròn giữa bãi đất trống đang hò reo cổ vũ cho những trận chọi gà.

Dạo một vòng quanh chợ, người bán kẻ mua tấp nập, tiếng nói cười rộn rã, nhưng để lại ấn tượng trong tôi đó là hình ảnh ông cụ người dân tộc Mông khoảng ngoài 60 tuổi, cổ đeo vòng bạc sáng loáng, mái tóc đã bạc phơ, bày bán “dao Mèo” - một loại dao nhọn do người dân tộc Mông tự làm theo hình thức thủ công, bên cạnh là cái radio đang phát những bài hát tiếng dân tộc. Qua chuyện trò được biết cụ là Giàng A Dinh, nhà ở xã Sính Phình. Cụ Dinh chia sẻ: Nhà tôi có nghề truyền thống làm “dao Mèo” từ thời các cụ để lại. Mấy năm nay tôi đã có tuổi, không còn làm được nữa mà truyền nghề lại cho con trai, tôi chỉ mang dao đi bán ở chợ phiên. Tủa Chùa có 3 chợ phiên, cứ đến phiên chợ nào thì tôi mang dao đến chợ đó. Mỗi con dao có giá từ 40.000 - 200.000 đồng tùy theo loại to nhỏ. Trung bình mỗi phiên chợ tôi bán được 15 - 20 con... Ông Dinh cũng cho biết: Chợ phiên bây giời cũng khác trước nhiều. Các mặt hàng phong phú hơn, có thêm những hàng băng đĩa, điện thoại di động, quần áo, đồ dùng sinh hoạt gia đình... do các tư thương từ thành phố đem vào nên người mua không chỉ còn là người dân bản địa như trước kia...

Mặt trời xế bóng, cũng là lúc chợ tan. Sau một ngày vui vẻ, mọi người lại trở về nhà bắt đầu công việc lao động sản xuất thường ngày và rồi đến hẹn lại lên, người bán, người mua, khách tham quan lại tiếp tục xuống chợ phiên kỳ sau để trao đổi, buôn bán, giao lưu gặp gỡ...

Bài, ảnh: Tuấn Anh
Bình luận
Back To Top