Vài nét về văn hóa cổ truyền của người Thái Mường Thanh

09:01 - Thứ Năm, 15/12/2016 Lượt xem: 5574 In bài viết
ĐBP - Nếu không kể đến Mường Then hay Mường Thanh (lòng chảo thuộc thung lũng huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ hiện nay) được nhắc đến trong các huyền thoại, truyền thuyết nói về nguồn gốc người Thái chẳng những ở Việt Nam, Bắc Lào và Vân Nam (Trung Quốc), tên gọi (Mường Then hay Mường Thanh) được ghi chép lần đầu tiên trong các tư liệu vào thế kỷ XI - XII, lúc Lạng Chượng đưa cuộc di dân Thái đen cùng đoàn quân chinh chiến của mình từ Mường Lò (Nghĩa Lộ) tới, vẫn tồn tại đến ngày nay. 

Hệ thống tổ chức xã hội Mường Thanh trước đây cũng là hệ thống tổ chức mường mang tính cổ truyền, phổ biến ở người Thái Tây Bắc nước ta. Nó cũng là châu, mường nằm trong khu vực 16 châu Thái (Xíp hốc chậu Tay) cổ xưa, gồm nhiều mường nhỏ hợp lại, mỗi mường nhỏ lại gồm nhiều bản hợp lại.

 
Bản, nói chung là đơn vị cơ sở xã hội mang tính chất láng giềng, gồm những gia đình thường là những gia đình nhỏ thuộc các dòng họ khác nhau, trong đó có một, hai đến ba dòng họ lớn. Các dòng họ lớn ấy chính là dấu vết của sự tan rã các gia đình lớn phụ hệ (gọi là đẳm) thành những tiểu gia đình. Thường thì việc hình thành các bản lúc đầu do một dòng họ lập nên.

 

Vòng xòe đoàn kết của đồng bào dân tộc Thái trong ngày hội văn hóa tại huyện Điện Biên.

Sự hình thành các bản người Thái là một quá trình lâu dài, còn được ghi chép trong nhiều tư liệu lịch sử. Sau khi tiến vào lòng chảo Mường Thanh, Lạng Chượng tổ chức các đợt di chuyển đồng bào mình đến những nơi có thể lập bản cùng dân cư bản địa, đất dù hẹp, dù nhỏ cũng đưa người tới ở. Ruộng toàn mường để dân mường cấy cày. Trải ra toàn ruộng dân, bên cạnh sự ghi chép về bản có thể nói là lần đầu tiên đó, còn có những ghi chép khác cũng khá quan trọng. Theo một số cuốn gia phả họ Lò ở Pa Pe (xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên) đã miêu tả quá trình lập bản như sau:

“Thoạt tiên những người đứng đầu (Phủ cốc đẳm) đi tìm chọn chỗ đất tốt, bằng phẳng có nhiều thuận lợi cho việc khai phá ruộng, dựng bản. Điều cần thiết nhất là phải có nguồn nước tưới ruộng và cung cấp cho đời sống hàng ngày.

Khi tìm chọn được đất, người đứng đầu đẳm cùng với anh, em của mình phát quang một chỗ trung tâm, chôn một cái cọc bằng gỗ xuống gọi là “Tok lắc” (Cắm cột) sau đó lấy áo của người đứng đầu đẳm mắc lên đỉnh cọc gọi là “Pắc sửa” (mắc áo). Cái áo là tượng trưng cho linh hồn, làm xong việc đó cũng có nghĩa là người “Trưởng cốc” đã đại diện để đưa hồn đẳm nhập vào vùng đất nước. Rồi toàn đẳm hợp lực đưa trâu đực tới buộc vào cột áo (Lắc sửa) để chém và tế các thần đất và thần nước (Châu nặm đin). Người đứng ra làm lễ tế cầm mảnh tre tung sấp - ngửa để tìm ý thuận - nghịch cho việc khai thiên lập địa. Từ đó chỗ cắm cọc trở thành chỗ cúng bản hàng năm và cột đó cũng được gọi là cột trâu (Lắc quái), người đứng đầu đẳm đem các mảnh đan mắt cáo (ta leo) cắm xung quanh phạm vi bản, thoạt tiên đất bản được gọi là vùng đất trong áo (Nặm đi cuông sửa), dần dần mới quen là đất bản.

Đây là hình thức lập bản cổ xưa của người Thái khi họ đến Mường Thanh khai phá đất đai, mà đẳm là đơn vị xã hội thực hiện. Từ đó đến nay, nhiều đổi thay quá trình xã hội đã diễn ra nhất là trong quan hệ gia đình. Nhưng đời sống quần chúng vẫn gắn bó chặt chẽ với tổ chức xã hội đẳm. Từ đẳm có nhiều nghĩa nhưng xưa kia đẳm là gia đình lớn phụ hệ về sau là một nhóm gia đình thân thuộc chung một đẳm hay là những gia đình chung một ông tổ đẳm, bảy đời gọi là “vả”. Rồi do những nhu cầu về sản xuất, xã hội trước hết là hôn nhân, bản có thêm những gia đình thuộc các dòng họ khác, dẫn đến tình trạng một bản không chỉ có một dòng họ đông người, mà hai hoặc ba dòng họ đông người. Cho nên, từ lâu ở Điện Biên Phủ, hầu như không còn bản nào chỉ có một dòng họ với tính chất là một đẳm hay một vả. Trong lịch sử, ngoài những lớp cư dân Thái đầu tiên đến làm ăn sinh sống ở đây, thường xuyên có những người từ nơi khác đến làm cho tính chất láng giềng của các bản tăng lên và điều đó làm cho mường này có những nét riêng trong quan hệ xã hội so với những mường khác.

 

Trong các dịp lễ, tết đồng bào dân tộc Thái thường chơi trò “Tó má­­ lẹ”.

Có thể thấy rõ rằng, trong quá trình thiên di tìm những nơi lập quê hương mới, người Thái cũng như các cư dân khác thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái với những truyền thống nông nghiệp ruộng nước lâu đời của mình, thường tìm đến các vùng không những nhiều đất đai mà còn sẵn nước để khai phá ruộng. Vì đơn vị xã hội để hoàn thành những công việc này, xưa kia là đẳm, nên ruộng được khai phá cũng là tài sản chung của bản, vì lúc đầu bản chỉ do một đẳm sáng lập. Về sau, nếu bản có thêm những người khác họ đến cùng cư trú, thì họ vẫn chịu sự chi phối của người đứng đầu đẳm đã lập ra bản, hay người đứng đầu bản. Vai trò người đứng đầu đẳm lập ra bản, hay là người đứng đầu bản được duy trì lâu dài, mặt khác tính chất láng giềng của bản tăng lên; có thể đó là những cơ sở xã hội của các quá trình biến ruộng đẳm thành ruộng mường. Song các quá trình đó, cũng như sự tập hợp bản thành mường và mường nhỏ thành mường lớn, là quá trình phát triển kinh tế - xã hội lâu dài, trong đó con cháu của những người lập ra bản trước đây đã kế thừa được địa vị ông cha, là những người có uy thế hay “quý tộc” hoặc sau trở thành “quý tộc” (tạo phìa) giữ vai trò chủ đạo. Quý tộc đã thống trị bản mường và cũng chi phối về tôn giáo.

Nổi bật lên trong các quan hệ xã hội vẫn là tính cộng đồng những gia đình cùng chung một không gian sinh tồn của nền sản xuất vật chất. Đất đai của bản, ngoài đất ở là đất sản xuất và núi rừng mà vi phạm của nó được xác định với nhiều tính chất quy ước, được các thành viên của bản biết rõ và giữ gìn, được các thành viên của bản làng khác tôn trọng. Ruộng đất bản nào thuộc quyền sử dụng của bản đó. Người dân bản này không thể sản xuất trên đất đai cũng như thu hái sản vật trên rừng thuộc bản khác. Người di cư đi nơi khác không còn có quyền lợi về đất đai ở bản cũ.

Bên cạnh ruộng nương thuộc quyền chiếm hữu của từng gia đình, thì núi rừng cũng như nguồn lợi tự nhiên trên đó thuộc quyền sử dụng chung của mọi người theo tập tục. Tại Mường Thanh, một nơi trước đây ruộng đất tương đối nhiều, người chưa đông, có lúc ruộng bỏ hoang không có người làm, tính cộng đồng của bản còn khá bền vững thì những vi phạm tập tục về sử dụng đất đai của cải tự nhiên trên núi rừng ít xảy ra, Hơn nữa tinh thần giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và sinh hoạt hàng ngày rất được đề cao với những hình thức đơn sơ nhưng đem lại hiệu quả rõ rệt. Đó là tục “mời làm giúp” (vàn) trong sản xuất, cưới xin, làm nhà mới, cần nhiều sức lao động trong một thời ngắn. Việc cho nhau vay thóc và của cải cũng phải tính toán chi phí về thời gian trả và nói chung không có lời lãi.

Việc giúp đỡ nhau trong sản xuất với hình thức đổi công tự nguyện khá phổ biến. Tiến hành đổi công cho nhau trong cày, bừa, cấy, làm cỏ, gặt lúa lần lượt từ nhà này sang nhà khác theo yêu cầu của từng gia đình với số công như nhau. Hết vụ sản xuất và gia đình nào chưa kịp trả hết công cho người khác có thể để lại vào dịp khác. Đáng lưu ý là đổi công cho nhau như vậy người ta đều làm tận tình hết sức như ở nhà mình. Đôi khi những người quá neo đơn có thể mời bà con làm giúp một buổi, hai buổi mà không cần trả công và chủ nhà chỉ cần đền đáp bằng một bữa cơm thân mật sau mỗi ngày làm việc. Khi người ta dựng nhà mới hay có việc lớn như: Ma chay, cưới hỏi thường được bà con giúp đỡ hết sức tận tình và việc trả công cũng không cần tính đến. Thái độ khôn vặt hay thờ ơ không có cơ sở tồn tại trong quan hệ bản mường, không những thế người ta vẫn thường chia sẻ cho nhau những thứ mình làm ra hay kiếm được chẳng hạn: Làm cốm, bắn được thú, lấy được tổ ong non thì nhà này thường biếu nhà kia và trước đây ăn cắp của nhau không mấy khi xảy ra.

Cùng với việc đổi công, hợp tác giúp đỡ nhau, những quy định chung trong sinh hoạt bản cũng được tôn trọng. Chẳng hạn trước đây khi bắt đầu vụ sản xuất, người ta thường nhắc nhở nhau bảo vệ mùa màng, không để gia súc phá hoại ruộng nương, hoặc không được phá rừng hái măng, ngoài những ngày quy định của bản, bẫy thú phải đánh dấu và chỉ đặt bẫy ở những nơi xa bản, giữ gìn vệ sinh bến nước... Dư luận lên án những người vi phạm các quy định sinh hoạt chung của bản một cách gay gắt, có khi còn phạt vạ...

Bài, ảnh: Lò Ngọc Duyên
Bình luận
Back To Top