Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Đừng bắt thiếu nhi phải hát nhạc của người lớn!

15:03 - Chủ Nhật, 18/12/2016 Lượt xem: 4833 In bài viết

Sở hữu một kho tàng âm nhạc khổng lồ với khoảng 700 tác phẩm, trong đó có nhiều ca khúc viết cho thiếu nhi, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã từng được người yêu nhạc đặt cho cái tên dễ mến “nhạc sĩ của tuổi thơ”. Những ca khúc viết cho thiếu nhi của ông không những được nhiều thế hệ trẻ em yêu thích như: Tiến lên đoàn viên, Chiếc đèn ông sao, Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Cánh én tuổi thơ, Trường của cháu là trường mầm non, Chú voi con ở bản Đôn... mà nhiều bài trong đó đã vượt biên giới đến với trẻ em quốc tế. Ngày 14-1-2017, nhạc sĩ Phạm Tuyên sẽ tròn 88 tuổi, nhưng tình yêu dành cho thiếu nhi của ông dường như vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu.

Phóng viên: Các sáng tác về thiếu nhi của ông không chỉ nhiều về số lượng mà mỗi ca khúc đều có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Điều gì đã giúp ông sáng tác được nhiều tác phẩm được thiếu nhi yêu mến như vậy?

 
Nhạc sĩ Phạm Tuyên. 
Nhạc sĩ PHẠM TUYÊN: Để viết được ca khúc thiếu nhi, ngoài sự yêu mến trẻ thơ, người sáng tác phải hiểu sâu sắc tâm lý của chúng. Cách tư duy của trẻ em ngày nay khác trước rất nhiều. Một số người viết cho thiếu nhi nhưng còn chung chung quá nên tác phẩm của họ ở lại trong đời sống các em không bền lâu. Mỗi nấc tuổi lại có một đời sống tâm, sinh lý khác nhau. Trước khi viết, hãy là người bạn biết lắng nghe các em nhỏ, rồi tự khắc giai điệu cất lên.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Để có được nhiều ca khúc viết về trẻ em như vậy cũng có một công lớn nhờ vợ tôi, PGS - TS Nguyễn Ánh Tuyết. Bà vừa là nhà giáo vừa là nhà nghiên cứu tâm lý học trẻ em. Tôi không chỉ chịu ảnh hưởng bởi cách suy nghĩ, nhìn nhận của bà về trẻ nhỏ mà chính bà ấy còn là người đã thổi hồn, đã thẩm định những tác phẩm viết cho thiếu nhi của tôi. Từ bà, tôi đã hiểu thêm về thế giới trắng trong mà muôn vàn màu sắc, tưởng như giản đơn mà vô cùng phong phú của con trẻ. Ca khúc đầu tiên cho lứa tuổi mầm non của tôi được ra đời do sức ép của vợ và con gái, nhưng đó cũng là sự khởi đầu suôn sẻ của nhiều ca khúc cho lứa tuổi này khi ấy.

Ông có thể nói rõ hơn về hoàn cảnh ra đời của ca khúc đầu tiên dành cho các bé tuổi mầm non?

Khi con gái đi học mẫu giáo, cô giáo biết tôi là nhạc sĩ bèn đề nghị con tôi về nói với bố sáng tác tặng trường một bài. Mặc dù tôi khi ấy đã sáng tác rất nhiều nhạc thiếu nhi nhưng nhạc dành cho các cháu mẫu giáo thì chưa làm bao giờ. Lưỡng lự vì đề tài khó quá, nhưng một phần vì bà xã động viên, phần sức ép lớn hơn là con gái dọa nếu bố không có bài hát cho con thì con không đi học nữa nên tôi đã tập trung sáng tác. Và sau đó những câu đầu tiên của bài hát “Ai hỏi cháu, cháu học trường nào đấy/ Bé nào ngoan thì múa hát thật hay...” đã ra đời trong hoàn cảnh “ngặt nghèo” như vậy. Tôi cũng không ngờ sức lan tỏa của bài hát lại lớn và lâu bền đến vậy. Đến bây giờ khi mà nhân vật chính của bài hát (tức con gái nhạc sĩ - PV) đã ở tuổi U50 nhưng bài hát vẫn được phổ biến trong nhiều trường mẫu giáo trên cả nước. Thậm chí lời của bài hát đôi lúc còn được thay đổi để trở thành bài “trường ca”.

Bí quyết dưỡng sinh nào giúp ông ở tuổi xưa nay hiếm mà trí tuệ vẫn mẫn tiệp?

Chẳng có bí quyết nào đặc biệt ngoài việc tôi luôn dành thời gian ít nhất 3 giờ mỗi ngày để đọc sách.

Ông có nhận xét gì về thế hệ nhạc sĩ trẻ hiện nay?

Thế hệ nhạc sĩ trẻ hiện nay được đào tạo kỹ về chuyên môn âm nhạc, nhưng tiếc thay nhiều người trong số đó lại có phông về văn hóa mỏng quá. Trong thời gian vừa rồi, tôi cũng có nghe nhiều sáng tác của các bạn trẻ, trong đó có nhiều ca khúc nửa tây, nửa ta… tôi không hiểu là âm nhạc kiểu gì. Tôi không phản đối việc du nhập âm nhạc vì âm nhạc của giới trẻ ngày nay là phải có tiết tấu sôi động, mạnh mẽ… nhưng không vì tiết tấu mà coi nhẹ phần lời, nói năng nhăng cuội… Đã một vài lần trong các cuộc tọa đàm, thảo luận về âm nhạc tôi cũng nói rõ rằng các hội, các nhà quản lý cần phải tìm cách động viên các bạn nhạc sĩ trẻ cần phải tự bồi đắp nền tảng văn hóa mỗi ngày. 

Riêng đối với các gameshow ca nhạc, đặc biệt là các cuộc thi hát trên truyền hình dành cho trẻ em, tôi đã góp ý với lãnh đạo nhà đài rằng đừng bắt các cháu trở thành người lớn sớm quá, đừng bắt các cháu hát bài hát của người lớn. Có cháu nào biết gì về Thị Mầu không mà lại bắt chúng hát bài về Thị Mầu lên chùa? Không chỉ thế khi xem các cuộc thi gần đây của thiếu nhi tôi có cảm giác các cháu nhỏ giống như là diễn viên diễn xuất trên sân khấu để làm người lớn vui…

Cũng chính từ trăn trở này, trong khi các nhạc sĩ trẻ chưa mặn mà với việc sáng tác các ca khúc dành cho thiếu nhi thì Hội Nhạc sĩ Hà Nội đã đứng ra tập hợp các bài hát dành riêng cho thiếu nhi, giúp các em có những lựa chọn phù hợp hơn với lứa tuổi của mình.

Được biết, trong đêm nhạc kỷ niệm ngày sinh lần thứ 88 của ông, mảng ca khúc thiếu nhi cũng sẽ chiếm một vị trí đáng kể?

Thực chất, tôi mặc dù là nhân vật chính của đêm nhạc ấy nhưng kết cấu chương trình ra sao, có những ca khúc nào tôi vẫn bị nhà sản xuất giấu kín. Song tôi tin đó sẽ là một mảng ấn tượng của đêm nhạc bởi nhiều ca khúc thiếu nhi đã tồn tại và có sức sống lâu bền trong suốt nhiều năm qua.

Xin cảm ơn nhạc sĩ!

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top