Đưa di sản lên “bảo tàng” 3D

09:12 - Thứ Hai, 19/12/2016 Lượt xem: 7487 In bài viết

Trăn trở khi thấy kho tàng di sản văn hóa đồ sộ của Việt Nam chưa được nhiều người biết đến, Nguyễn Trí Quang (18 tuổi, trú tại số nhà 96, ngõ Linh Quang, Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội) đã dùng công nghệ VR3D đưa hàng trăm linh vật, công trình di tích lên trang web vr3d.vn. Nhờ sự sáng tạo này, người yêu di sản có thể tìm hiểu, khám phá thế giới di sản sống động bằng cách… nhấn chuột.

 

Cùng bố mẹ đến nhiều di tích khắp mọi miền đất nước tìm hiểu về các mẫu tượng phục vụ cho nghề thủ công mỹ nghệ của gia đình từ khi còn nhỏ, tình yêu di sản trong Nguyễn Trí Quang lớn dần. Càng đi nhiều, hiểu nhiều, chàng trai trẻ Hà thành càng xót xa khi chứng kiến nhiều công trình di tích, nhiều hiện vật có giá trị bị mai một, xuống cấp hoặc bị lãng quên. 

Vốn đam mê công nghệ, Nguyễn Trí Quang mày mò nghiên cứu và “ngộ” ra, công nghệ VR3D với những ưu điểm về tốc độ, sự chính xác và khả năng tương thích với các thiết bị, rất phù hợp cho việc quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ của gia đình; đồng thời có thể giúp chàng trai trẻ thỏa sức lưu trữ, mô tả, giới thiệu các công trình, hiện vật yêu thích. Nghĩ là làm, Nguyễn Trí Quang dành trọn thời gian cho những niềm đam mê.

Hiện “bảo tàng” di sản online của Nguyễn Trí Quang, gồm “kho tư liệu” về linh vật Việt, di sản văn hóa, đồ mỹ nghệ... đã đi vào hoạt động ổn định. Khám phá “bảo tàng” độc nhất vô nhị này, công chúng thích thú khi thấy những hiện vật, công trình như hiện hữu trước mắt. Như đình Tiền Lệ, xã Tiền Yên (Hoài Đức), ngôi đình nhuốm màu thời gian, mang phong cách kiến trúc đặc trưng của đình truyền thống vùng Đồng bằng Bắc Bộ được mô tả chi tiết từ không gian xung quanh đến những viên ngói xô lệch, các họa tiết, hoa văn đặc trưng kèm theo chú giải về lịch sử di tích và chức năng của đình làng Việt.

Tương tự, những linh vật tiêu biểu trong kiến trúc Việt truyền thống như rồng đá thềm Điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long; bệ sư tử đá chùa Bà Tấm (Gia Lâm); nghê ở Đại Nội Huế, ở Thái Miếu nhà Lê ở TP Thanh Hóa (Thanh Hóa), ở lăng Dinh Hương (Hiệp Hòa, Bắc Giang); sư tử (chùa Phật Tích, Bắc Ninh)… đã được mô tả chân thực từng chi tiết nhỏ. 

Nguyễn Trí Quang cho biết, khác với công nghệ 3D thông thường, công nghệ VR3D dùng máy quét 3D để quan sát, nắm bắt mọi góc cạnh, đường nét, hoa văn của các công trình, hiện vật. Với công nghệ này, người xem cũng có thể tương tác với hiện vật bằng cách xoay hiện vật theo góc nhìn của mình và có thể tìm hiểu về di sản ở mọi chỗ, mọi nơi, trên mọi phương tiện số mà không bị giới hạn bởi thời gian, không gian. Nhờ đó, các di sản sẽ được lưu trữ vĩnh viễn, còn người làm công tác quản lý, tu bổ di tích sẽ có tham chiếu chính xác ngay cả khi di tích thực đã hạ giải. Mọi sự sai lệch, biến dạng khi sửa chữa, trùng tu di tích cũng sẽ dễ dàng được phát hiện, điều chỉnh. 

Hỗ trợ Nguyễn Trí Quang trong việc phục dựng, chú thích một số linh vật Việt, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho hay, rất nhiều linh vật đã được bảo tàng hóa là linh vật quý hiếm, mang đậm phong cách kiến trúc, văn hóa Việt Nam, được sưu tầm từ nhiều di tích trên cả nước chứ không phải là hiện vật trưng bày trong bảo tàng. “Trước tình trạng sử dụng linh vật ngoại lai tràn lan, những mẫu linh vật này là một trong những cơ sở khoa học quan trọng để phục hưng linh vật Việt”, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế phân tích. 

Chưa hài lòng với những gì đã làm được, Nguyễn Trí Quang tiếp tục hành trình đến các di tích và sử dụng vốn kiến thức, sự sáng tạo của mình làm phong phú thêm kho tàng di sản số. Ngoài ra, chàng thanh niên Hà thành đang từng bước hiện thực hóa ý tưởng 3D các mẫu trang phục dân tộc thiểu số bị mai một. Với cách nghĩ, cách làm sáng tạo mà thiết thực, chắc chắn bảo tàng di sản online đầu tiên tại Việt Nam sẽ trở thành tổng kho di sản số của Việt Nam trong tương lai không xa.

Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top