Tranh đồ họa Việt Nam trong cuộc chơi khu vực

09:30 - Thứ Ba, 20/12/2016 Lượt xem: 4954 In bài viết
Triển lãm Tranh đồ họa ASEAN 2016 vừa diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phần nào định vị thể loại tranh này của Việt Nam trong khu vực với nhiều suy ngẫm.

Sự vượt trội của các họa sĩ Thái Lan cả về kỹ thuật và nghệ thuật thể hiện ở khả năng sử dụng thuần thục nhiều kỹ thuật mới và lạ như nhận xét của ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTT&DL).

 

Tác phẩm "Thẳm sâu trong tâm hồn" của tác giả Praween Piangchompoo - Thái Lan.

Bằng mắt thường, có thể nhiều người sẽ nhầm tác phẩm đồ họa "Thẳm sâu trong tâm hồn" của tác giả Praween Piangchompoo - Thái Lan là một bức tranh màu nước. Thế nhưng đây là một tác phẩm đồ họa khắc gỗ, miêu tả sự trong lành của buổi sáng sớm, trong chiều sâu và chiều rộng vô cùng của không gian. Thông thường, với kĩ thuật khắc gỗ, người xem sẽ cảm nhận được những đường nét đen, sắc, dày nhưng ở đây hiệu ứng mà tác giả đem đến cho người xem lại là sự mềm mại, mịn màng trong đường nét.

Chia sẻ về cách thức thực hiện bức tranh "Thẳm sâu trong tâm hồn", họa sĩ Praween Piangchompoo cho biết: "Tôi đã lấy giấy nhám tác động lên bề mặt gỗ và sau đó khắc. Công đoạn này khó khăn đòi hỏi mình phải kiên nhẫn. Khi in, tôi đã in bức tranh này hơn 10 lần với nhiều lớp, nhiều màu khác nhau. Đây là một kĩ thuật khó, tinh xảo, tuy không phải là kĩ thuật mới nhưng tôi phải kết hợp khắc gỗ, cạo một cách tỉ mỉ để miêu tả sự trong lành của buổi sáng tinh mơ, thể hiện sự hài lòng với những gì mình có".

So sánh với Triển lãm Tranh đồ họa ASEAN 2012 có những thử nghiệm in ấn trên vỏ cây của các họa sĩ Indonesia, Malaysia, họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Đồ họa (Hội Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng triển lãm đồ họa lần này cho thấy không có sự giới hạn trong sáng tạo của các nghệ sĩ.

"Các nghệ sĩ Thái Lan, Indonesia, Philippines đã chế bản lên gạch xây nhà sau đó rồi in ra. Đó là một điều rất lạ và cho chúng ta thấy được rằng phương tiện để sáng tác gần như không giới hạn. Ngoài ra các họa sĩ của ASEAN còn cho ra những tác phẩm in bằng màu 3D, có nghĩa là khi xem, chúng ta phải đeo kính 3D mới thấy hết được hiệu ứng trên tác phẩm”, ông Phương đánh giá.

 

Tác phẩm “Công trình cho con” của tác giả Nguyễn Khắc Hân (Việt Nam) trong Triển lãm Tranh đồ họa ASEAN 2016.

So sánh tương quan với các nước trong khu vực, Triển lãm Tranh đồ họa ASEAN 2016 là cơ hội để các nghệ sĩ Việt Nam học hỏi, thay đổi tư duy sáng tạo tranh đồ hoạ. Bởi như chia sẻ của ông Wattana Chot Tungateja, chuyên gia đồ họa của Thái Lan: Các họa sĩ đồ họa Việt Nam thường sử dụng chất liệu và kỹ thuật tương đối truyền thống như khắc gỗ, khắc kẽm, khắc đồng rồi thạch cao... còn họa sĩ các nước ASEAN hiện nay đã có rất nhiều kỹ thuật, chất liệu ít được biết đến ở Việt Nam.

Họa sĩ Lê Huy Tiếp, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Đồ họa (Hội Mỹ thuật Việt Nam) dẫn chứng thêm: Chúng ta thường nói khắc gỗ là truyền thống của Việt Nam nhưng trong triển lãm lần này có những tác phẩm khắc gỗ với kĩ thuật không chỉ là khắc mà lại nằm ở phần quan trọng là in, một trong những khó khăn rất lớn của các họa sĩ Việt Nam hiện nay.

Cách đây 20 năm Việt Nam mới có máy in kẽm và cách đây 10 năm mới có máy in đá phục vụ cho sáng tác tranh đồ họa. Hiện nay, các nguyên vật liệu phục vụ cho quá trình sáng tác của các họa sĩ đồ họa ở Việt Nam cũng rất khó khăn, nếu không muốn nói là không có để sử dụng. Mực in đá, mực in kẽm chuyên dùng cho nghệ thuật không bán trên thị trường, thay vào đó, các họa sĩ đã phải dùng mực in offset nên chất lượng tác phẩm rất thấp. Các bản kẽm lớn dùng trong in ấn hoàn toàn không có nên kích thước tranh thường nhỏ.

Chính sự thiếu thốn về phương tiện kỹ thuật đã dẫn tới các bức tranh đồ họa Việt Nam có chất lượng rất thấp. Giấy để in tranh thường là giấy văn phòng, không phải loại giấy chuyên dùng có giá tới 4 USD một tờ và mực in cũng được tận dụng. Cũng do sáng tác trong điều kiện thiếu thốn nên các kĩ thuật in, dù không mới trên thế giới trở nên lạ lẫm với các họa sĩ Việt Nam. Những họa sĩ có tài của ngành đồ họa thường lại sống bằng… hội họa do kĩ thuật in tác phẩm đồ họa thấp, chưa đảm bảo cho việc trưng bày và lưu giữ ở điều kiện thông thường.

Ông Wattana nhận xét: "Các họa sĩ Việt Nam có kĩ năng tốt trong sáng tạo tác phẩm. Tuy nhiên, các bạn phải cập nhật và thậm chí là đầu tư để tiếp cận thêm những kĩ thuật mới”.

Nếu Triển lãm Tranh đồ hoạ ASEAN 2012 là một dấu mốc quan trọng để các nghệ sĩ Việt Nam thay đổi suy nghĩ về việc làm tranh đồ hoạ thì đến triển lãm lần thứ 2 năm 2016, có thể thấy các tác phẩm đồ họa của Việt Nam đã có sự tiến bộ rõ rệt, tính chuyên nghiệp trong thể hiện tác phẩm được nâng cao một bước về cả nội dung lẫn kĩ thuật thể hiện. Đó dường như là nỗ lực chuẩn bị từ phía các họa sĩ cho những thay đổi về thị hiếu khi tranh đồ họa với ưu điểm giá thành rẻ hơn tranh độc bản đã tràn vào đời sống nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Để đồ họa Việt Nam được đánh giá đúng và có hướng đi tích cực, các họa sĩ Việt Nam cần nâng cao chất lượng tác phẩm bằng việc sử dụng nguồn vật tư chuẩn. Khi cầu tăng lên thì ắt cung sẽ xuất hiện, giúp thúc đẩy các họa sĩ sáng tác nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn cho các tác phẩm luôn được đánh giá cao ở cái tình đậm đà trong tranh, sự gần gũi và thân thuộc rất đặc trưng của tâm hồn Việt.

Theo Chinhphu.vn
Bình luận
Back To Top