Đến với bài thơ hay

Bến xưa - bài thơ đầy hoài niệm

09:48 - Thứ Năm, 22/12/2016 Lượt xem: 11663 In bài viết
ĐBP - Đêm buông. Không gian tĩnh lặng. Lòng thư thái mà dạt dào cảm xúc về bài thơ "Bến Xưa" của Trọng Luân. Một bài thơ ngôn ngữ dung dị, mộc mạc mà làm cho người đọc cảm động, nhớ "Xưa" đến nao lòng.

Làm thơ phải có duyên, có duyên thì thơ mới có hồn, mới có sự lạ, mới có điểm nhấn, có sự thăng hoa và đạt đến độ minh triết. Thơ anh, dù ở thể loại nào cũng rất sâu sắc, phản ánh chân thực sự vật và hiện tượng, giàu hình ảnh và cảm xúc lại rất gần gũi. Nhưng xuyên suốt và nổi bật hơn cả có lẽ vẫn là những hoài niệm chất chứa đầy ắp. Bến Xưa cũng vậy, bài thơ viết theo thể lục bát thuần Việt, không quá dài để người đọc khó nhớ mà cũng không quá ngắn để người đọc cảm thấy hụt hẫng. Mà là một bài thơ có dung lượng vừa phải, tràn đầy xúc cảm. Từ cặp đầu bài thơ: "Ta về thăm lại bến xưa/Bước chân khấp khởi gió lùa cỏ may” đã cho thấy tâm trạng của người xa quê nay được trở về. Cặp từ khấp khởi được dùng mới đắc dụng làm sao? Vừa thể hiện tâm trạng vừa mừng vừa lo. Mừng vì được về trong vòng tay mẹ, lo vì không biết người xưa, cảnh cũ có còn và hơn thế, cái người xưa ấy có hay mình về? Liệu người ấy có còn như xưa? Với tâm trạng ấy Trọng Luân đưa người đọc cùng mình bước thấp, bước cao, đi mà như chạy để về với bến quê, để tìm lại dấu xưa, tìm lại chính mình của ngày nào thuở ấy.

Bến xưa

 

Tôi về thăm lại bến xưa

Bước chân khấp khởi, dép lùa cỏ may

Mười năm là mấy ngàn ngày

Nước trôi, sa lắng vơi đầy bao nhiêu.

Chỗ nào xưa buộc dây diều

Chỗ nào lặn ngụp những chiều chăn trâu

Cây đa, quán nước đi đâu

Vắng con đò nhỏ, vắng câu gọi đò...

Gió đưa xao xuyến giọng hò

Thả mây theo sóng lững lờ chảy xuôi

Nhớ rằm xuống ngắm trăng soi

Nhớ trưa hóng mát ra ngồi bãi dâu...

 

Tháng năm mưa nắng dãi dầu

Mái đê, sườn dốc bạc màu thời gian

Người đi lo việc quan san

Người lưu xóm bến, đò ngang đợi chờ.

 

Nay về tìm lại chốn xưa

Cây đa, quán nước, con đò đi đâu

Đôi bờ ai đã bắc cầu

Bê tông, sắt thép móng sâu nhịp dài

Tàu xe tấp nập ngược xuôi

Tu tu còi rúc, mù trời khói bay

Bãi bồi ngấn nước lung lay

Bạn xưa vắng bến, có hay tôi về?

Một mình lặng lẽ ven đê

Buồn vui, thương nhớ trăm bề ngổn ngang

Âm thầm rũ bụi thời gian

Nâng niu kỷ niệm trước ngàn bão giông

Bến xưa gìn giữ trong lòng

Cây đa, quán nước, dòng sông, con đò…

Trọng Luân

Rồi một loạt hình ảnh triền đê, nơi chăn trâu thả diều bắt bướm, quán nước cây đa, tiếng mái chèo đã trở thành dấu ấn gắn liền với tuổi thơ mà giờ đây đã không còn là thực thể, thì câu hỏi "Cây đa, quán nước đi đâu"? hẳn nhiên là phải thốt lên. Với câu thơ này hai đơn vị nhớ và cũng là hai đơn vị hoài niệm được tác giả khéo léo đề cập. Thế nên chân bước theo triền đê mà lòng trải theo triền nhớ đã dẫn tác giả và người đọc về với con đò, dòng sông. Nhưng dòng sông còn đó mà đò không thấy bóng, thay vào là những nhịp cầu bê tông cốt thép vươn mình, minh chứng của cuộc sống đổi thay. Cái đổi thay hiện hữu dù tươi đẹp vẫn không lấn được nỗi hoài niệm chất chứa trong lòng.

Chính thời gian đã làm đổi thay, đã xóa đi cảnh xưa để biến nó thành các đơn vị nhớ chất vào lòng người thêm đầy hoài niệm. Mái đê hay mái đầu? Mái đê bạc mầu thời gian hay mái đầu bạc theo năm tháng? Có lẽ cũng vậy mà thôi, từ câu tự vấn và được trả lời bằng hiện thực quy luật của cuộc sống đã làm cho tác giả mắt thì nhìn tàu xe tấp nập, tai thì nghe tu tu còi rúc mà hầu như lại chẳng thấy gì, chỉ biết bồi hồi nhớ lại người xưa, cảnh cũ, tự đắm vào lòng mình để tìm lại ngày xưa. Bài thơ đến đây như lắng lại, tất thảy những vui, buồn, mừng lo... lắng xuống nhường chỗ cho dòng tự sự «Âm thầm rũ bụi thời gian/Nâng niu kỷ niệm trước ngàn bão giông”. Sự mặc định ấy nhủ người ta hãy trân trọng, giữ gìn tất cả những gì làm nên cuộc đời, và cao hơn là làm nên lịch sử dù là nhỏ nhất. Và Bến Xưa được kết bằng hai câu khá hay: Bến Xưa gìn giữ trong lòng - Cây đa, bến nước, dòng sông, con đò. 

Nhà thơ không những nói cho mình mà còn nói hộ bao người. Bài thơ chất chứa hoài niệm nhưng không hề hoài cổ; đầy ắp nuối tiếc nhưng không hề níu kéo, mà chấp nhận đổi thay như một lẽ đương nhiên. Với câu kết đầy tính nhân văn, hy vọng Bến Xưa sẽ được bạn đọc đón nhận, sẻ chia với tất cả lòng ngưỡng mộ chân thành dành cho thi sĩ.

Yến Thanh
Bình luận
Back To Top