Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số

Cái khó nhất là nguồn vốn đầu tư

08:53 - Thứ Năm, 29/12/2016 Lượt xem: 4249 In bài viết
ĐBP - Nói về công tác bảo tồn và phát huy vốn văn hóa các dân tộc thiểu số, ông Phạm Việt Dũng - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh - cho rằng: Những năm qua, sự nhất quán trong nhận thức và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Theo đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về văn hóa nói chung, văn hóa dân tộc thiểu số nói riêng được nâng lên một bước thật đáng kể...

Để làm phong phú câu chuyện, ông Phạm Việt Dũng bàn nhiều về ý kiến kết luận của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch Hoàng Tuấn Anh, trong buổi làm việc với đoàn cán bộ tỉnh Điện Biên do đồng chí Trần Văn Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên - dẫn đầu, tại Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch. Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh Điện Biên báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, công tác văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình năm 2015 và một số kiến nghị, đề xuất, ý kiến của các thành viên dự họp, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh kết luận: Điện Biên là tỉnh miền núi kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Với sự phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh đã có sự phát triển khá toàn diện, đời sống văn hóa của nhân dân từng bước được nâng cao, các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn và phát huy có hiệu quả. Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên đối với sự nghiệp phát triển văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình.

 

Lễ công bố Quyết định xếp hạng di tích quốc gia hang Thẳm Khương, xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo.

Song theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh cần quan tâm chỉ đạo, quán triệt, tổ chức hiện thực hóa các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch đã được phê duyệt; chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ văn hóa, dịch vụ du lịch phục vụ nhân dân; tiếp tục kiểm kê, nhân rộng, phát huy giá trị văn hoá truyền thống dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện tốt công tác quản lý, phát triển sự nghiệp văn hoá, gia đình, thể thao và du lịch của tỉnh Điện Biên năm 2016 và những năm tiếp theo, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục tổ chức kiểm kê, nhận diện các di sản văn hóa phi vật thể; quan tâm, chăm lo bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là nghệ thuật hát Then, tạo kiều kiện cho các nghệ nhân, vận động viên... tham dự các hoạt động giao lưu cộng đồng do Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch chủ động tổ chức (Ngày văn hóa Dân tộc Mông, Ngày hội văn hóa - Thể thao & du lịch vùng Tây Bắc mở rộng...); tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Mặt khác, đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm giới thiệu, quảng bá rộng rãi hình ảnh, con người Điện Biên ở trong và ngoài nước nhằm thu hút nhiều hơn nguồn lực đầu tư và phát triển du lịch tại địa phương, đặc biệt thu hút đầu tư phát triển Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang. Tỉnh cần có chính sách ưu đãi nhằm thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế vào lĩnh vực du lịch; lựa chọn, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù; đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tăng cường an ninh, an toàn, kết nối các điểm đến du lịch trong và ngoài tỉnh để tạo ra diện mạo mới trong phát triển du lịch những năm tới. Chỉ đạo Ban Quản lý Dự án chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị tiếp nhận và thực hiện đảm bảo chất lượng, tiến độ nhằm khai thác sử dụng hiệu quả, phát triển bền vững các công trình, hạng mục dự án được Ngân hàng Châu Á (ADB) tài trợ.

Về Quy hoạch Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, giao Tổng cục Du lịch hỗ trợ tỉnh Điện Biên xây dựng kế hoạch, quy hoạch, tìm nhà tư vấn phù hợp để thực hiện. Về việc Hỗ trợ thực hiện Dự án Bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử, giao Cục Di sản văn hóa: góp ý về mặt hình thức và nội dung trưng bày của Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ và việc xây dựng Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Mường Phăng theo quy định hiện hành. Đề nghị tỉnh chủ động xin ý kiến gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp về dự kiến Khu tưởng niệm và đề nghị gia đình hiến tặng một số hiện vật để trưng bày...

 

Tháp Chiềng Sơ (huyện Điện Biên Đông) xuống cấp nghiêm trọng rất cần được đầu tư phục dựng. Ảnh: Văn Thành Chương

Được biết, nằm trong chương trình làm việc, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch ủng hộ chủ trương về việc tỉnh Điện Biên khởi công mới các dự án giai đoạn 2016-2020. Trong đó có nội dung thẩm định quy hoạch phát triển thể dục, thể thao tỉnh Điện Biên giai đoạn 2015-2025 và định hướng năm 2030. Về việc Quy hoạch, xây dựng Sân vận động và Nhà thi đấu đa năng của tỉnh thực hiện theo Quyết định số 1752/QĐ-TTg ngày 30/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục, thể thao quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa, nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm văn học nghệ thuật, giai đoạn 2012-2020”.

Chủ trương là rất rõ, quyết tâm cũng rất cao, tuy nhiên, theo ông Phạm Việt Dũng, cái khó nhất hiện nay là nguồn vốn đầu tư. Trên địa bàn tỉnh ta có 19 dân tộc anh em, với rất nhiều di sản có giá trị cao về văn hoá - lịch sử - du lịch, mang truyền thống của mỗi tộc người. Chúng ta đang sống giữa thời đại hội nhập toàn diện, đa phương, đa dạng và mạnh mẽ, điều tất yếu xảy ra là sự tác động qua lại lặng lẽ, liên tục, vô tình hoặc hữu ý giữa các nền văn hoá với những sắc thái và hệ giá trị khác nhau. Hãy làm gì có thể để các di sản văn hóa không những không bị pha tạp, không bị lụi tàn mà còn gắn với phát triển kinh tế - xã hội và đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của mọi cộng đồng chứ không chỉ riêng ngành chức năng nào.

Thống kê cho biết toàn tỉnh đã có 14 lễ hội dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng các dân tộc thiểu số được sưu tầm, nghiên cứu, tư liệu hóa và nhiều lễ hội, di sản văn hóa bước đầu phát huy giá trị. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn tiếng nói của các dân tộc ít người và chữ viết của những dân tộc có chữ viết riêng, từng bước được quan tâm, được chú trọng. Cũng như với loại hình văn hóa vật thể, trong nhiều năm qua công tác đầu tư, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể các dân tộc trong tỉnh được quan tâm. Tuy nhiên, cũng còn nhiều khó khăn, bất cập trong công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể. Về lý thuyết, phần lớn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể vẫn tồn tại trong đời sống nhân dân, những nghệ nhân am hiểu các loại hình di sản trên chủ yếu là người già, còn lại tầng lớp thanh, thiếu niên ít tiếp cận và sự hiểu biết về các loại hình di sản trên còn hạn chế.

Mặt khác, trong những năm gần đây do tác động của nền kinh tế thị trường đã có ảnh hưởng lớn tới phong tục tập quán của không ít dân tộc. Nhiều loại hình di sản văn hóa trên địa bàn đã và đang có nguy cơ bị mai một, pha tạp và thậm chí thất truyền. Thực tế cho thấy, tuy nỗ lực của ngành chức năng cũng như quan điểm chỉ đạo của chính quyền các cấp có vai trò rất lớn, nhưng kinh phí đầu tư của Nhà nước là rất quan trọng để di sản văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy những lợi ích tiềm tàng...

Bài, ảnh: Thu Loan
Bình luận
Back To Top