Chuyện từ chiếc mõ

09:03 - Thứ Năm, 29/12/2016 Lượt xem: 5023 In bài viết
ĐBP - Nơi vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt, bao năm qua, nhiều trưởng bản đã duy trì cách gõ mõ để thông báo cho người dân đến họp mỗi khi có việc cần tuyên truyền, phổ biến. Mõ chỉ phát ra âm thanh đơn giản “cốc… cốc… cốc”, vậy mà lại có sức mạnh lạ thường.

Đến xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa, điều khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên là được nghe một âm thanh lạ vang vọng cả vùng. Thấy chúng tôi thắc mắc, ông Sùng A Sình, người dân thôn Háng Đờ Dê, giải thích: Không lạ đâu, đây là âm thanh của chiếc mõ đấy. Mõ đã gắn bó nhiều năm với người dân ở Háng Đờ Dê đấy. Háng Đờ Dê là thôn chủ yếu có đồng bào dân tộc Mông. Mõ thường được dùng vào dịp cần tập trung người dân để tổ chức họp hoặc khi có việc cần thông báo cho người dân. Ấn tượng hơn là trưởng thôn Háng Đờ Dê lại dùng mõ làm từ cây vầu, cây tre, trông giống mõ trâu nhưng âm thanh lại khác. Mõ chỉ có thể gõ và phát huy tác dụng vào những hôm trời nắng ráo; còn ngày mưa rào thì không có tác dụng bởi chiếc mõ hay để ngoài trời sẽ bị mưa ướt nên khi gõ chỉ kêu vài tiếng bì bụp chẳng ai nghe thấy. Chiếc mõ này cũng là vật dụng quen thuộc, gắn bó nhiều năm khi ông Sình là trưởng thôn Háng Đờ Dê. Lý giải về việc phải dùng mõ gõ để thông báo cho dân làng đến sinh hoạt, ông Sùng A Sình, chia sẻ thêm: Trước đây, chưa có điện lưới quốc gia, sóng điện thoại chưa tới nên người dân đã nghĩ ra cách gõ mõ để gọi nhau đến. Hiện nay cuộc sống đã có nhiều đổi thay song thôn vẫn duy trì cách làm này…

 

Ông Sùng A Sình, thôn Háng Đờ Dê, xã Sính Phình bên chiếc mõ của mình.

Giữa thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin liên lạc nhanh chóng thuận tiện không còn là điều mới mẻ, xa lạ. Song câu chuyện của ông Sùng A Sình về chiếc mõ ở thôn Háng Đờ Dê đã cho thấy nét đẹp trong lối sống sinh hoạt giản dị mà độc đáo của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Tiếng mõ “cốc… cốc… cốc”, giản dị song lại có sức mạnh lạ kỳ, vang vọng khắp vùng. Từ khi tiếng mõ xuất hiện trong đời sống của người dân, các cuộc họp thôn diễn ra đều có sự góp mặt đầy đủ của hầu hết hộ dân dù ở xa nhà trưởng bản. Không những thế, âm thanh còn là tiếng thúc giục người dân mỗi khi có việc quan trọng, khẩn cấp. Ở Háng Đờ Dê, tiếng mõ đã giúp người dân phát hiện cũng như uy hiếp, trấn áp tội phạm. Bởi thế mà dần dần, tình trạng trộm cắp không còn, an ninh trật tự được đảm bảo. Mỗi khi bước vào vụ mùa, tiếng mõ còn là âm thanh động viên, khích lệ người dân hăng say lao động, sản xuất.

Tiếng mõ vẫn vang vọng ở Háng Đờ Dê. Cách làm hay mà độc đáo này vẫn được đồng bào dân tộc Mông nơi đây duy trì như một nét đẹp văn hóa trong đời sống.

Bài, ảnh: Đỗ Quyên
Bình luận
Back To Top