Xiếc Việt bôn ba tìm đường phát triển

08:55 - Thứ Ba, 03/01/2017 Lượt xem: 3471 In bài viết
Sự kiện hai nghệ sĩ xiếc Giang Quốc Cơ và Giang Quốc Nghiệp thực hiện màn chồng đầu vượt qua 90 bậc thang của Nhà thờ Cateral De Girona, Tây Ban Nha, trong 52 giây, phá kỷ lục thế giới do Trung Quốc nắm giữ trước đây, đã để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả trong nước và quốc tế.

Cũng từ đây, nhiều dấu hỏi đặt ra cho nghệ thuật xiếc Việt, về tình trạng tổ chức hoạt động biểu diễn khá eo sèo, cơ sở vật chất thiếu thốn, hiếm hoi tác phẩm hay, khoảng trống không nhỏ trong công tác đào tạo thế hệ kế thừa…

 

Giang Quốc Cơ và Giang Quốc Nghiệp thực hiện màn chồng đầu vượt qua 90 bậc thang.

Khó khăn bủa vây

Xiếc là bộ môn nghệ thuật khó, đòi hỏi rất cao về sức khỏe, ngoại hình, sự chịu khó, chịu khổ, chịu đau trong học tập, rèn luyện hàng ngày, tư duy sáng tạo, biết cách xử lý tình huống nhanh nhạy khi gặp sự cố để giảm tối đa tai nạn nghề nghiệp (hay bị chấn thương), tuổi thọ ngắn… Với những khó khăn cơ bản đó, không mấy ai chọn nghề xiếc, ngoại trừ các diễn viên xiếc định hướng là nghề cha truyền con nối cháu trong gia đình. Thực tế, không phải ai chọn vào nghề xiếc cũng có thể tồn tại lâu dài với nghề, trong quá trình học tập, rèn luyện, làm nghề, không ít người đã phải buông bỏ, dù trước đó rất yêu thích, say mê nghệ thuật xiếc.

Tại Việt Nam, đặc biệt là ở TPHCM - một thành phố lớn có nhiều hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật sôi nổi nhất nước, Đoàn xiếc TPHCM - Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, nhiều năm qua vẫn hoạt động ở trạng thái cầm chừng, thiếu sức bứt phá, đặc sắc như bản chất bộ môn nghệ thuật này vốn có. Thực tiễn cho thấy, có quá nhiều nguyên nhân khiến xiếc rơi vào tình trạng như hiện nay. Nhìn vào cơ sở vật chất, rạp bạt xiếc đến nay đã hơn 20 tuổi, từ tấm bạt che nắng che mưa đến sàn diễn, ghế ngồi, âm thanh, ánh sáng… tất cả đều xuống cấp. Quang cảnh xung quanh rạp xiếc sơ sài với đường xi măng nội bộ có bề rộng dẫn vào rạp xiếc chỉ hơn 1m và phòng làm việc là các container cũ. Phần diện tích còn lại là những ô đất trũng thấp, nắng bụi, mưa biến thành hồ nước, tuy không sâu nhưng đủ gây nguy hiểm nếu bất cẩn.

Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam - NSƯT Nguyễn Đức Thế trăn trở: “Bên cạnh những khó khăn về cơ sở vật chất, nhà hát cũng gặp nhiều trở ngại trong việc đầu tư xây dựng các tiết mục mới vì thiếu kinh phí, thiếu người dàn dựng giỏi. Hơn thế nữa, hoạt động không được nhiều vì không có điểm diễn. Xiếc vốn là môn nghệ thuật diễn lưu động, phục vụ nhiều đối tượng khán giả khắp nơi. Tuy trong năm 2016, nhà hát diễn tại rạp 60 xuất, đưa xiếc đi phục vụ các tỉnh thành: Đà Nẵng, Hội An, An Giang… nhưng việc đi tỉnh là do được mời. Đi diễn xa chi phí rất nặng (tiền ăn, ở, xăng dầu…), nếu nhà hát tự tổ chức thì xác xuất rủi ro rất cao về thu chi. Một khó khăn lớn khác của nhà hát chính là việc xây dựng các tiết mục mới. Xiếc rất khó làm tiết mục. Để xây dựng được một tiết mục hay, kỹ thuật cao, hấp dẫn… phải mất vài năm. Hiện nay, từ Bắc vào Nam, các tiết mục xiếc cứ “xào, nấu” lại vậy thôi chứ rất hiếm có tiết mục mới được đầu tư dàn dựng. Khi một tiết mục xiếc thành công, người nghệ sĩ, diễn viên thường diễn cả đời”.

Định hướng phát triển

Thời gian qua, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam đã thông báo tuyển sinh lớp diễn viên xiếc kế thừa cho nhà hát với tiêu chí tuyển từ 11 đến 13 tuổi, sẽ sang Nga học 5 năm (1 năm học tiếng Nga, 4 năm học chuyên môn, kinh phí từ nguồn đào tạo  nhân lực của UBND TPHCM), sau đó các em về nhà hát làm việc 15 năm. Đến nay, chỉ có vài phụ huynh đến hỏi thăm về việc đưa con em đi Nga học xiếc. Phía nhà hát có 5 em là con em của các nghệ sĩ, diễn viên nhà hát sẽ theo khóa đào tạo dài hạn này. Riêng với các diễn viên xiếc trẻ, nhà hát sẽ tiếp tục nâng chất bằng các buổi tập huấn tại chỗ, giúp các diễn viên trẻ nâng cao chất lượng tay nghề.

Phía Sở VH-TT và UBND TPHCM cũng đã thông qua, năm 2017 sẽ đầu tư cho nhà hát một rạp bạt lưu động trị giá 10 tỷ đồng với 1.000 chỗ ngồi, có quy mô và chất lượng tốt, giúp cho nhà hát có thêm điều kiện để diễn lưu động, tăng cường hoạt động tổ chức biểu diễn phục vụ; anh em diễn viên được rèn luyện, làm nghề nhiều hơn. Hoạt động của rạp xiếc lưu động còn giúp nhà hát tìm kiếm và phục vụ được nhiều đối tượng khán giả tiềm năng ở khắp các địa phương, nơi đoàn xiếc đến lưu diễn. Bên cạnh đó, nhà hát cũng đang cố gắng hoàn tất thủ tục để xây dựng rạp mới. Một khi các hạng mục công trình xây dựng hoàn thành, với cơ ngơi mới khang trang, đủ chuẩn, hy vọng hoạt động tổ chức biểu diễn xiếc tại TPHCM sẽ có nhiều thay đổi tốt đẹp hơn.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top