Công tác xuất bản: Còn nhiều vấn đề cần giải quyết

15:38 - Thứ Năm, 12/01/2017 Lượt xem: 3621 In bài viết
Sáng 11-1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Thông tin - Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản (NXB). Rất nhiều vấn đề nóng được đề cập, đòi hỏi các nhà lãnh đạo, quản lý và chuyên môn chung tay tìm giải pháp tháo gỡ.

Cơ quan chủ quản cần nâng cao trách nhiệm

Bàn về công tác chủ quản NXB năm 2016, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn An Tiêm nhận định: Năm 2016, Ngành Xuất bản đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, vẫn còn một số NXB rơi vào tình trạng thua lỗ kéo dài, nợ lương. Tình trạng sai phạm về nội dung tuy giảm về số lượng nhưng tính chất, mức độ nghiêm trọng, phức tạp hơn. Còn Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin - Truyền thông) Chu Văn Hòa lại đưa ra những con số rất đáng lưu tâm. Ví như việc 19 NXB hiện nay không đủ kinh phí để bảo đảm hoạt động xuất bản (5 tỷ đồng), bao gồm: NXB Nông nghiệp, NXB Thế giới, NXB Tri thức, NXB Tài chính... Nguyên do là một số cơ quan chủ quản chưa quan tâm, đầu tư đúng mức cho NXB, khiến cho nhiều NXB không bảo đảm được các điều kiện để duy trì hoạt động. Chưa kể, năng lực của một số NXB còn hạn chế, một số khác chạy theo lợi nhuận, buông lỏng công tác quản lý, đặc biệt là đối với quy trình biên tập, quy trình liên kết xuất bản còn để xảy ra vi phạm ở các hình thức khác nhau... Đây là một số nguyên nhân chính dẫn đến việc xuất bản phẩm có nội dung không tốt vẫn lọt ra thị trường.

 

Bên cạnh đó, do một số cơ quan chủ quản chưa có sự giám sát chặt chẽ đối với hoạt động chuyên môn của NXB, dẫn đến tình trạng NXB liên tục xảy ra vi phạm. Có NXB, trong hai năm 2015-2016, có tới 70 xuất bản phẩm vi phạm bị phát hiện và xử lý, trong đó 24 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung tư tưởng.

Tính đến ngày 31-12-2016, vẫn còn 27 NXB chưa được cấp đổi giấy phép thành lập. Trong số đó, ngoài các NXB chưa đủ điều kiện bảo đảm hoạt động còn có NXB chưa làm thủ tục đề nghị cấp đổi giấy phép thành lập; hoặc một số NXB mặc dù đã được cơ quan quản lý nhà nước nhắc nhở về việc bổ sung một số giấy tờ liên quan trong hồ sơ nhưng vẫn chưa hoàn thiện. Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Chu Văn Hòa cho biết: Đến tháng 3-2017 sẽ có thể cho dừng hoạt động của các NXB này nếu không thực hiện đúng quy định của Luật Xuất bản.
Điều đáng lưu tâm hơn, qua công tác quản lý xuất bản phẩm lưu chiểu cho thấy, trong số biên tập viên (BTV) đứng tên trên xuất bản phẩm vi phạm không chỉ có những BTV trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm mà còn có một số BTV dày dạn kinh nghiệm là BTV chủ chốt tại NXB. Điều này cho thấy sự yếu kém về bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng của một bộ phận BTV... Qua đây, Cục Xuất bản, In và Phát hành đề nghị các cơ quan chủ quản, lãnh đạo NXB tăng cường rà soát lại các quy trình, nhất là quy trình biên tập, đọc duyệt nội dung, tránh để xảy ra các sai sót, vi phạm như thời gian vừa qua.

Nỗ lực tìm giải pháp

Thông báo số 19-TB/TƯ ngày 29-12-2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của các cấp, ngành, các địa phương để lĩnh vực xuất bản phát triển đúng định hướng, nhanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, Ban Bí thư yêu cầu Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp với các bộ: Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và UBND các tỉnh, thành phố rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về thuế, tiền thuê nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, đầu tư và bổ sung vốn cho các NXB, sách đặt hằng năm... hỗ trợ mua bản thảo chất lượng cao, hỗ trợ hoạt động triển lãm, quảng bá sách trong và ngoài nước. Nhấn mạnh thêm về yêu cầu này, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh khẳng định: "Trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ tăng cường công tác triển khai Thông báo của Ban Bí thư, phối hợp cùng Bộ Công an trong việc xử lý nạn vi phạm bản quyền, in lậu sách; đồng thời làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên - Môi trường... tháo gỡ khó khăn về cơ chế hình thành vốn (5 tỷ đồng/NXB); nghiên cứu cơ chế giảm thuế đất thuộc sở hữu nhà nước nhằm hỗ trợ các NXB".

Riêng về công tác quản lý xuất bản phẩm, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh: "Các cơ quan chủ quản NXB không thể đứng ngoài cuộc. Thực tiễn cho thấy nơi nào cơ quan chủ quản quan tâm, nơi đó NXB hoạt động hiệu quả. Các cơ quan chủ quản cần tạo điều kiện về vốn cho các NXB trực thuộc thông qua kế hoạch hằng năm, đồng thời phải tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát...". Đáng lưu ý, nội dung này cũng đã được nhấn mạnh trong Thông báo số 19-TB/TƯ, theo đó, các cơ quan chủ quản cần "bổ sung vốn, đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện cơ chế đặt hàng, bảo đảm điều kiện hoạt động cho NXB".

Đã có sự quan tâm chỉ đạo của Ban Bí thư và sự vào cuộc của Ban Tuyên giáo Trung ương cùng các bộ, ban, ngành, chắc chắn trong thời gian tới, những khó khăn trong hoạt động của NXB sẽ dần được tháo gỡ để hướng đến mục tiêu xuất bản được nhiều ấn phẩm hay, đáp ứng nhu cầu phát triển về văn hóa, kinh tế, xã hội của đất nước.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top