Vẳng nghe giai điệu trống đồng

15:50 - Thứ Ba, 17/01/2017 Lượt xem: 5286 In bài viết
ĐBP - Chiều cuối năm, câu chuyện với bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Phòng Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở VH-TT&DL) Điện Biên - về công tác sưu tầm và bảo quản trống đồng cổ, dường như càng lúc càng cuốn hút hơn. Là người từng tham gia vào hồ sơ khai quật và trưng bày trống đồng cổ, bà Phượng - theo cảm nhận của chúng tôi - dường như đang nắm giữ nhiều chi tiết mà báo chí chưa từng khai thác...

Theo sử liệu - bà Nguyễn Thị Phượng cho biết - trống đồng là biểu trưng cho sự vượng khí, quyền uy, niềm tự hào của các bộ tộc, của quốc gia và là hiện vật tiêu biểu cho nền văn hóa phát triển từ thời đồng thau sang thời đại đồ sắt ở một số nước thuộc Đông Nam Á. Trống đồng xuất hiện từ thời kỳ chưa có văn tự, nó phản ánh một phần thế giới hiện thực, những tư duy hiểu biết về thiên nhiên và xã hội thời bấy giờ. Vì vậy, trống đồng giữ vai trò quan trọng trong sinh hoạt nhiều mặt của xã hội xưa, là đối tượng chính để cư dân Việt cổ gửi gắm vào đó những khát vọng sâu xa về cuộc sống, những ý niệm về vũ trụ quan, nhân sinh quan đồng thời thể hiện sự tài hoa, tinh tế và ước mơ về cuộc đời ấm no, hạnh phúc biểu đạt qua các họa tiết, hoa văn trang trí trên mỗi chiếc trống riêng biệt.

 

Sáu chiếc trống đồng cổ được bảo quản “không đúng cách” sau khi sưu tầm về Bảo tàng tỉnh.

Ngày nay trống đồng không chỉ là những cổ vật quý của mỗi địa phương, của dân tộc mà còn là nguồn sử liệu quan trọng minh chứng cho tiến trình lịch sử của dân tộc, của vùng đất, là biểu tượng của nền văn minh - văn hoá Việt thời kỳ dựng nước và giữ nước, góp phần làm nên diện mạo, sắc thái văn hóa vào buổi bình minh của lịch sử dân tộc. Thực tế cho thấy trống đồng tại tỉnh Điện Biên được phát hiện và sưu tầm qua nhiều nguồn, địa bàn phân bố rải rác ở một số huyện trong tỉnh. Đây là những cổ vật quý hiếm có nhiều hoạ tiết, hoa văn, chi tiết độc đáo như khối tượng cóc chồng lên nhau, mặt trống có hình cá sấu và hình người cách điệu hay tượng ốc.

Trên địa bàn Điện Biên, trống đồng được phát hiện tương đối sớm, chưa xác định chủ nhân là tộc người nào nhưng trong sự gian lao khai phá đất đai, lập bản dựng mường xây dựng cuộc sống, họ là người đã có công lưu giữ những chiếc trống đồng với những hoa văn tinh xảo, đa dạng, phong phú, kế thừa phong cách trang trí của trống đồng Đông Sơn (H1) nhưng thuộc nhóm muộn. Theo các nhà khoa học, ở Tây Bắc nói chung và ở Điện Biên nói riêng, giai đoạn có sự hiện hữu của trống đồng loại II, III, IV là từ khá lâu có niên đại vào khoảng từ nửa đầu Thiên niên kỷ I sau Công nguyên, tức là bối cảnh nước ta trong thời phong kiến. Trống đồng ở đây là loại II Hê gơ xưa nay vẫn được mệnh danh là trống Mường, vì người Mường vẫn sử dụng, có niên đại từ cách đây gần 2.000 năm (kéo dài từ 500 - 600 năm), tùy theo nhóm trống.

Trả lời câu hỏi làm thế nào để nâng cao công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị sưu tập trống đồng tại Bảo tàng tỉnh Điện Biên cũng như các cổ vật, di vật có giá trị lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh, bà Nguyễn Thị Phượng cho rằng đối với đơn vị quản lý cần chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn về lĩnh vực di sản đối với cán bộ quản lý, trực tiếp làm công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản tại cơ sở; tích cực tham gia các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn về công tác quản lý, bảo tồn phát huy giá trị cổ vật, di vật; tuyên truyền cho nhân dân trách nhiệm khi phát hiện cổ vật nằm trong lòng đất, trên mặt đất dưới nước, trong dân để các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn có trách nhiệm trong việc quản lý, bảo tồn phát huy giá trị cổ vật theo Luật Di sản, tránh tình trạng buôn bán trái phép “chảy máu cổ vật”. Tham mưu phối hợp các đơn vị liên quan trong vấn đề giám định, quản lý, bảo vệ cổ vật khi phát hiện hoặc hiến tặng; chỉ đạo đơn vị Bảo tàng tỉnh hoặc cá nhân lưu giữ cổ vật, trực tiếp quản lý bảo tồn phát huy giá trị cổ vật khi phát hiện hoặc tiếp nhận bàn giao hoặc hiến tặng.

 

Nhiều năm qua tại Bảo tàng tỉnh, do thiếu thốn về cơ sở vật chất nên các trống đồng cổ phải cất giữ tạm trong các hòm gỗ.

Đối với đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị sưu tập trống đồng tại Bảo tàng tỉnh Điện Biên, cần ứng dụng bảo quản bằng công nghệ khoa học tiên tiến bằng các loại hóa chất có nhiều ưu điểm vượt trội nhằm loại bỏ những mầm mống tai hại dẫn đến sự hư hại hiện vật, đầu tư mua sắm các trang thiết bị, vật tư bảo quản để tạo ra môi trường đảm bảo kéo dài tuổi thọ hiện vật để lưu giữ hiện vật lâu dài tại kho cơ sở và trưng bày phục vụ công chúng. Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển lãm giới thiệu trống đồng và cổ vật Điện Biên, xuất bản các ấn phẩm (sách, bộ ảnh (postcatrd) dịch ra tiếng Anh và một số thứ tiếng nước ngoài khác) giới thiệu giá trị sưu tập trống đồng cổ... thu hút đông đảo khách du lịch tới tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử, văn hóa tỉnh Điện Biên khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn trong những cổ vật lưu giữ và phát huy giá trị trong Bảo tàng tỉnh Điện Biên, đặc biệt là thế hệ trẻ góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các vùng, miền và các quốc gia đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ di sản văn hoá dân tộc.

Song cũng theo ý kiến bà Phượng, điều đáng quan ngại là đến thời điểm này (tháng 1/2017) Bảo tàng tỉnh vẫn chưa có trụ sở riêng, tất cả đều cất tạm ở khu kho bảo quản hiện vật lòng hồ Thủy điện Sơn La. Vì vậy, rất cần có một hạ tầng cơ sở tốt với khuôn viên công sở cố định, đảm bảo an ninh, trật tự và thuận tiện cho nhu cầu hưởng thụ văn hóa cho khách tham quan du lịch và nghiên cứu với hệ thống các phòng trưng bày, trang thiết bị, giá để, tủ kính đúng tiêu chuẩn, thư viện... Đó là điều kiện tối thiểu để đảm bảo cho một bảo tàng thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ chuyên ngành. Nhà trưng bày và kho cơ sở Bảo tàng tỉnh cần lắp đặt hệ thống báo trộm; thường xuyên có mối quan hệ chặt chẽ với cơ quan an ninh trên địa bàn; mua sắm các phương tiện, trang thiết bị nhằm bảo quản và đảm bảo an toàn cho trống đồng, như: Bục kê, nhiệt kế, máy điều hòa ôn ẩm, máy hút ẩm, quạt mát, quạt thông gió, đèn điện, hệ thống chống cháy...

Như các tài liệu chuyên ngành từng hơn một lần khẳng định: Trống đồng cổ là di sản văn hóa vô cùng quý báu, là niềm tự hào của dân tộc; những cổ vật quý này không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội, giáo dục truyền thống, nâng cao tinh thần sáng tạo và ý thức giữ gìn bảo tồn những tinh hoa văn hóa dân tộc. Hơn nữa, trong những cổ vật, di vật lịch sử là những điều bí ẩn mà giới nghiên cứu đang đi tìm lời giải để làm sống lại bức tranh lịch sử, không gian văn hóa, sự ra đời, phát triển và chủ nhân của những chiếc trống đồng cổ có mặt trên đất Điện Biên để hoàn thiện lý lịch, hộ chiếu cho những hiện vật bảo tàng, để những vật chứng lịch sử, văn hóa đó sống mãi với thời gian, trường tồn vĩnh cửu cùng lịch sử dân tộc. “Người có tấm lòng, thì có thể “nghe” được tiếng trống đồng văng vẳng đâu đó trong tim” - bà Nguyễn Thị Phượng chủ động khép lại câu chuyện về trống đồng cổ, với một nhận xét tinh tế, nhân văn và xúc động như vậy...

Bài, ảnh: Song Sơn
Bình luận
Back To Top