Lá dong lộc rừng cho vị tết

09:10 - Thứ Năm, 19/01/2017 Lượt xem: 5223 In bài viết
ĐBP - Tết đến, xuân về, theo phong tục truyền thống người Việt Nam, mỗi gia đình không thể thiếu: mâm ngũ quả, bánh chưng xanh… dâng tiến tổ tiên; tiễn năm cũ, đón chào năm mới. Và lá dong rừng - thành phần quan trọng làm nên chiếc bánh chưng truyền thống còn mang đến cho những người hái lá dong một cái tết thêm đủ đầy.

Có một thời, ở khu vực thành phố Điện Biên Phủ và nhất là các thành phố miền xuôi, tết đến với những bộn bề công việc ở công sở hay nhà máy của cơ chế thị trường dịp cuối năm, nhiều người đã áp dụng giải pháp đặt bánh chưng dịch vụ. Mỗi nhà dăm cái bánh mua sẵn ở cửa hàng để: thắp hương giao thừa, sáng mùng 1 tết. Vì thế, cái không khí đầm ấm, háo hức, thú vị khi ngồi canh nồi bánh chưng cũng phôi phai; lá dong gói bánh chưng truyền thống cũng có lúc bị thay bằng lá chuối rồi bọc thêm lớp nilon. Khi đó, dịp áp tết, chợ xuân cũng vắng bóng những sạp lá dong, bởi hầu hết lá được cung cấp theo dạng bán buôn cho các cơ sở làm bánh.

Tuy nhiên, giống như quy luật của thời gian, có những giá trị bất biến, cùng với đó là mối lo về vấn nạn mất an toàn thực phẩm, thời “bánh chưng công nghiệp” cũng nhanh chóng bị đào thải. Những năm gần đây, dù gia đình có điều kiện kinh tế hay còn khó khăn, nơi góc phố chật hẹp hay khu đô thị mới hiện đại, cứ mỗi độ tết đến, nhà nhà lại rộn ràng ngâm gạo, pha thịt, chẻ lạt, rửa lá... rồi tận dụng mọi vị trí có thể bắc nồi nấu, để dâng những tấm bánh chưng vừa mới ép chặt, còn nóng hổi cúng tổ tiên đêm giao thừa.

Dạo một vòng qua các chợ trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, theo quan sát của chúng tôi, vào thời điểm này (giữa tháng 12 âm lịch), chưa có nhiều hàng bán lá dong phục vụ gói bánh chưng tết. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tại những “vựa” lá dong rừng thuộc các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ hay một số xã vùng cao huyện Điện Biên, lượng lá dong đang được tư thương thu mua, tích trữ để vận chuyển về xuôi do nhu cầu ở những thị trường này rất lớn. Cùng với đó, do thời tiết mưa nhiều, việc thu hái, vận chuyển từ rừng ra gặp nhiều khó khăn. Chị Lò Thị Thảnh, bản Thẩm Pung, xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên - người có nhiều năm làm nghề hái lá dong rừng chia sẻ: Do nhu cầu bánh chưng của người tiêu dùng hiện nay không chỉ vào dịp tết nên gia đình chúng tôi thu hái lá quanh năm. Ngày thường thì lá dong được bán với giá 8.000 đồng/kg, còn vào dịp tết chúng tôi bán theo lá, từ 300 - 500 đồng/lá tùy theo chất lượng, độ dày. Dong rừng thường mọc ở những khu vực ven suối. Tuy nhiên, việc hái lá dong phải đúng cách: tỉa các lá già, lá bánh tẻ chứ không được cắt cả thân để cây còn còn phát triển.

Theo kinh nghiệm của tôi, lá dong rừng là loại lá gói bánh tốt nhất vì lá nhẵn (khác với một số loại dong lá to hoặc dong có lớp lông mịn), có kích cỡ vừa phải, bánh chưng khi gói với loại lá dong này có màu sắc xanh tươi, thơm đặc trưng. Khu vực chúng tôi hái lá dong cách nhà khoảng 1 tiếng đồng hồ đi bộ, càng vào sâu trong rừng, dong càng mọc với mật độ dày, nhiều lá chất lượng tốt. Thời tiết mấy ngày gần đây mưa nhiều nhưng hễ có người đặt hàng là chúng tôi (chị Thảnh và 2 con) lên đường ngay. Mỗi ngày cố gắng thì được khoảng 1 tạ lá, chọn lọc rồi bán cân cũng thu về gần 700.000 đồng. Vào thời điểm áp tết (khoảng từ 26 - 29 tháng chạp), mẹ con tôi sẽ hái lá dong rồi vận chuyển lên TP. Điện Biên Phủ và khu vực chợ Nà Tấu để bán theo lá. Thực tế mấy năm gần đây lá dong dịp tết luôn tiêu thụ tốt và được giá, hy vọng rằng năm chúng tôi chạy hàng, để sớm được sắm tết!

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top