Tản văn

Nhớ hương bồ kết

17:05 - Thứ Sáu, 17/02/2017 Lượt xem: 5373 In bài viết
ĐBP - Mấy chục năm rồi tôi vẫn nhớ thói quen gội đầu bằng các loại lá của mẹ. Nồi nước gội của mẹ thường có bồ kết và các loại lá sả, hương nhu, lá bưởi, mần trầu... hái trong vườn. Mảnh vườn hơn 2 sào nội tôi trồng các loại cây ăn quả chanh, bưởi, quýt, hồng, nhãn, na; nhưng từ ngày mẹ về làm dâu, một góc vườn được dành để trồng bồ kết các loại cây lá. Tôi vẫn nhớ hai cây bồ kết góc vườn do bố và mẹ tôi trồng, xanh đậm với những chùm gai nhọn hoắt, tua tủa, chỉ chạm nhẹ vào là đau buốt; bố bảo để vừa có bồ kết cho mẹ gội đầu vừa là kỷ niệm ngày mẹ về làm dâu.

Không biết có phải do tay người trồng không mà cái cây do mẹ trồng lớn vượt lên và rất sai quả, còn cây kia thì mùa sai, mùa lại ít quả. Mẹ thường dặn tôi: “Gai bồ kết rất độc, con ra vườn đừng lại gần kẻo dẫm phải”. Bố bảo ngày tôi sinh ra, bố đã cho nhau của tôi vào một cái lọ sành và chôn xuống giữa gốc hai cây bồ kết; như thế sau này dù đi đâu tôi cũng luôn nhớ về quê hương nơi “chôn nhau cắt rốn” và tình cảm quê hương, gia đình luôn sưởi ấm và che chở cho tôi trong suốt chặng đường đời.

 Nghe nói thời con gái tóc mẹ xanh, dài chấm gót chân, suông và không hề bị chẻ ngọn; gái làng vẫn thường ghen tỵ với mái tóc ấy, còn trai làng mỗi khi mẹ đứng hong tóc bên hiên nhà thì thường lấy cớ đi qua để ngắm và trầm trồ khen ngợi. Bố tôi cũng mê mẩn mái tóc ấy và dù nhà ở tận làng bên nhưng vẫn thường rình ngắm mẹ chải tóc qua hàng giậu cúc tần trước nhà. Không ít lần bố bị trai làng chặn đánh và có lần bị nội tôi bắt được, mắng cho một trận “te tua” mà vẫn không chừa. Nghe kể ngày cưới mẹ đẹp như một cô thôn nữ trong truyện cổ với áo vải phin trắng, quần lụa đen, tóc buông dài, trên mái cài một chùm hoa bưởi ngắt trong vườn. Lúc đón dâu qua một chiếc cầu nhỏ, sơ ý đánh rơi chùm hoa mà trai làng tranh nhau xuống vớt...

Mẹ nâng niu mái tóc lắm. Dù công việc nhà nông bận tối mắt tối mũi thì vài ngày mẹ vẫn tranh thủ thời gian hái đủ các loại lá nấu nước gội đầu. Mỗi khi mẹ bưng nồi nước ra sân giếng, tôi thường theo sau; nồi nước mở ra hương thơm bay lên, tôi thường hít một hơi thật sâu cho mùi sả, hương nhu đầy lồng ngực, để cảm nhận cảm giác thật khoan khoái dễ chịu. Mẹ múc nước giếng khơi đổ vào cái chậu nhôm to rồi múc từng gáo từ nồi nước đổ vào đến lúc đủ, nhẹ nhàng khuấy đều rồi bắt đầu gội; từng gáo nước được dội từ từ lên mái tóc xanh, dài, cuộn đầy trong lòng chậu. Có lần tôi thắc mắc sao lại cứ phải dội từ từ, mẹ nói là để cho nước và hương của các loại lá có thời gian ngấm vào tóc, da đầu như vậy sẽ làm cho cái bẩn bị tẩy sạch, tóc thơm lâu, tinh dầu của sả và hương nhu sẽ làm đầu nhẹ đi. Lúc gội xong mẹ đứng cúi đầu chải, vắt bớt nước ở tóc, bảo tôi tránh ra xa rồi nắm lấy mái tóc quay vòng rất mạnh, những hạt nước văng vào không trung như mưa bụi.

Thời đại công nghiệp, thói quen gội đầu bằng nước các loại lá cây giờ ít người giữ, thay vào đó là những loại dầu gội hàng hiệu, đắt tiền và tiện dụng. Song với tôi không gì nồng nàn, đậm đà và ấm áp như hương bồ kết, sả, hương nhu trên mái tóc mẹ thuở nào...

Hương Quê
Bình luận
Back To Top